Ông Rakesh Nangia. Ảnh: H.P.
- Đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào những vấn đề gì thưa ông?- WB có 2 dự án do Ban quản lý dự án 18 (PMU 18, Bộ Giao thông Vận tải) quản lý. Một là Dự án Giao thông nông thôn, tiến hành trong 6 năm và sẽ kết thúc vào tháng 6 năm nay, trị giá khoảng gần 100 triệu USD. Một dự án khác được tiến hành nhằm cải thiện hệ thống đường bộ, mới bắt đầu và chưa giải ngân, trị giá khoảng 10 triệu USD. Mỗi dự án đều có nhiều hợp đồng, chúng tôi đã đưa vào cơ sở dữ liệu rồi chạy thuật toán để xem giao dịch nào có rủi ro cao thì tập trung xem xét. Hiện cơ sở dữ liệu đã xong, chúng tôi đang rà soát các hợp đồng, trong tuần tới sẽ có con số cụ thể.
Sau khi đoàn điều tra xong tại VN sẽ quay về trụ sở WB tại Mỹ viết báo cáo, chúng tôi sẽ thảo luận với Chính phủ và nêu những vấn đề cần giải quyết. Sau đó có thể sẽ có thông tin cho báo chí.
- Ông bình luận gì về ý kiến các nhà tài trợ cũng có trách nhiệm trong việc giám sát sử dụng vốn ODA?
- Chính phủ nước vay là bên chịu trách nhiệm cuối cùng, cũng như nếu bạn vay tiền để xây nhà thì ngân hàng đâu có quan tâm bạn sẽ làm gì với số tiền đó, miễn là bạn phải trả. Vốn hỗ trợ cũng tương tự như vậy. Có điều khác là chúng tôi có một phần trách nhiệm cùng phối hợp với chính phủ để số vốn đó sử dụng đúng như mục tiêu ban đầu đưa ra. Trong trường hợp tiền bị sử dụng sai mục đích, chúng tôi sẽ đòi lại ngay.
- Thông thường khi cho các dự án vay tiền, WB làm gì để biết đồng vốn đó sử dụng hiệu quả?
- Khi đã đạt được thỏa thuận cho vay, chúng tôi có cơ chế theo dõi liên tục. Văn phòng WB Hà Nội có hơn 100 người , các cán bộ thường xuyên đến gặp ban quản lý dự án, làm việc với họ để đảm bảo dự án đi đúng hướng và báo cáo với lãnh đạo ngân hàng. Cuối mỗi lần làm việc đều có biên bản, chúng tôi cũng có thảo luận với Chính phủ về kết quả đó. Ở một số dự án, cán bộ có thể giám sát khá dễ dàng, chẳng hạn với dự án điện có thể dễ dàng đếm đường tải điện hay số xã có điện. Tuy nhiên có những dự án rất phức tạp. Có khi qua giám sát chúng tôi quyết định thay đổi một vài khía cạnh nào đó, tất nhiên là phải có đàm phán với Chính phủ. Nhưng nhìn chung không có dự án nào thay đổi hoàn toàn mục tiêu ban đầu.
Nếu chúng tôi thấy tiền sử dụng chưa hiệu quả, có thể vụ việc sẽ được đưa tới Cục Liêm chính (Washington, Mỹ). Năm 2001, WB có thành lập ban liêm chính với hơn 50 thành viên là các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực như kiểm toán, xây dựng, tư vấn... Ban có trách nhiệm phát hiện tham nhũng, gian lận cấu kết. Trong 5 năm qua họ thực hiện hơn 2.000 cuộc điều tra , phạt hơn 200 doanh nghiệp, cá nhân đã sử dụng vốn sai trái. Nếu doanh nghiệp có tên trong đó nó sẽ không được tham dự các dự án WB tài trợ trong một thời gian phạt nhất định dù doanh nghiệp đó có tên tuổi đến đâu.
Trong một vấn đề, khi chính phủ nói ổn, chúng tôi vẫn tiến hành các nghiên cứu độc lập và có thể có kết luận khác nhau. Trong trường hợp bất đồng quan điểm và không giải quyết được, WB có thể ngưng giải ngân, nhiều khi chúng tôi đơn phương hủy dự án đó.
Sau khi dự án đã hoàn thành được 6-7 năm, chúng tôi có nhóm các chuyên gia đánh giá độc lập về kết quả thực hiện dự án. WB hỗ trợ VN thực hiện 13 dự án, đã xong 7 dự án, kết quả đánh giá cho thấy đạt. Tôi cho rằng điều quan trọng là mức độ đạt đó có được duy trì trong tương lai.
- Ông nói có cán bộ thường xuyên bám sát các PMU. Vậy họ không phát hiện được vấn đề gì tại PMU 18 sao?
- Phải nói rằng khi cơ quan điều tra công bố chúng tôi cũng ngạc nhiên về các phát hiện đó.
Trong quá trình giám sát chúng tôi cũng thấy có những vấn đề nghi ngại về sự cấu kết giữa ban quản lý và nhà thầu, điều này ảnh hướng nhiều đến việc mua sắm. Tuy nhiên, xử lý nó là quả một quá trình không thể hôm nay phát hiện thấy cái này ngày mai đình chỉ ngay dự án.
- Ông nhận xét thế nào về các mô hình ban quản lý của VN, cần làm gì để các PMU hoạt động tốt?
- VN có nhiều mô hình ban quản lý dự án, mỗi bộ mỗi khác. Điều quan trọng là phải có cơ chế kiểm tra chéo, phải có người có trách nhiệm giải trình như trường hợp sử dụng sai công quỹ chẳng hạn. Nhưng cũng làm sao để việc kiểm tra đó không nặng nề đến nỗi làm trì hoãn công việc. Trung Quốc rất thành công với mô hình này.
Ngày 18-19/5 này chúng tôi sẽ tổ chức 2 ngày hội thảo bàn về sử dụng vốn ODA và cấu trúc của các PMU tại TP HCM. Tại đây sẽ có nhiều chuyên gia các nước sang bàn thảo làm thế nào thực hiện dự án an toàn mà vẫn đảm bảo tiến độ.
Chính phủ VN đang sửa đổi Nghị định 17 về quản lý vốn ODA. Không chỉ WB mà các nhà tài trợ khác như JBIC, ADB, Anh, Đức, Pháp đều được tham vấn để đưa ra các gợi ý cho việc sửa đổi này. Chúng tôi cùng nghĩ đến việc có thể coi vốn ODA cũng như vốn đầu tư công, quản lý nó bằng hệ thống pháp lý khác hay đưa vào cùng một khuôn khổ.
- Tổ chức minh bạch quốc tế từng báo động về tình trạng tham nhũng tại VN. Ông đánh giá thế nào qua vụ PMU 18?
- Dù VN có xếp hạng nhì hay đội sổ thì không nên quá quan ngại về chỉ số đó. Câu chuyện của PMU 18 nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề vì lẽ đó nó được người ta chú ý, nếu không có vụ này người ta cứ lờ đi. Tôi đã làm việc ở nhiều nước thì thấy thuế và cảnh sát là lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất. Cái chúng tôi đánh giá cao là quyết tâm chống tham nhũng của các nhà lãnh đạo cấp cao. Các nước như Kenya chẳng hạn, lãnh đạo cấp cao tham nhũng nên họ cứ lờ đi.
- Liệu WB có xem xét tài trợ vốn cho một dự án chống tham nhũng của VN?
- Tôi cho rằng nếu chỉ có dự án chống tham nhũng thì không khả thi nên có tầm nhìn khái quát hơn để nhìn nhận những lĩnh vực có khả năng tham nhũng để ngăn chặn. Hiện chúng tôi có các dự án tài trợ cho kiểm toán, hiện đại hóa hải quan, cải cách hành chính công...
Trong công cuộc chống tham nhũng báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Tôi từng cùng một nhóm chuyên gia làm việc với báo chí với mục tiêu tăng cường đưa ra các thông tin minh bạch khách quan. Có thể tới đây chúng tôi sẽ thực hiện ở VN.
Vừa rồi các nhà tài trợ đã có cuộc gặp không chính thức, không nhằm mục đích bàn về chuyện PMU 18, mà bàn thảo cách thách thức để chống tham nhũng tốt hơn, đảm bảo việc sử dụng vốn hỗ trợ VN về dài hạn hiệu quả hơn. Nhìn chung về lâu dài VN cần có hệ thống quản lý trong sạch như Singapore chẳng hạn.
Phong Lan