Mô hình "siêu ủy ban" quản lý các tập đoàn được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong dự thảo Nghị định được Chính phủ giao soạn thảo về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện vốn Nhà nước. Mô hình này cũng vừa nhận được nhiều phản hồi trái chiều tại cuộc hội thảo do chính CIEM tổ chức.
Dưới góc độ nhà tư vấn chính sách, ông Dag Detter - cố vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng, mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước đang được xây dựng vẫn thể hiện tư duy kinh tế tập trung trước đây. Trong khi để quản vốn tại các doanh nghiệp hiệu quả thì Việt Nam cần một cách làm thực tế hơn, với một "công cụ" đúng luật thay vì một mô hình mang tính hành chính như đề xuất.
“Mô hình này vẫn được xây dựng như cậu bé muốn trở thành siêu sao. Nếu vẫn sử dụng công cụ kinh tế tập trung thì mô hình Uỷ ban này sẽ khó thành công”, chuyên gia Detter thẳng thắn.

30 tập đoàn, tổng công ty sẽ được "gom" về một mối quản lý chung. Ảnh: T.L
Vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, một quỹ đầu tư quản lý doanh nghiệp Nhà nước như Temasek (Singapore) là mô hình tốt cho Việt Nam học hỏi. Mô hình này cũng tương tự như Thụy Điển áp dụng và họ cũng đã thu được thành công. "Nghĩa là Việt Nam phải xây dựng mô hình có trách nhiệm giải trình, trong đó chú trọng bảng cân đối kế toán, quản lý rủi ro thương mại và tài sản thương mại. Không nên lập mô hình uỷ ban hành chính", vị này nhận định.
Nhắc lại câu chuyện liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus biển xanh vẫn đang khiến dư luận xôn xao, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng nếu không quy rõ trách nhiệm giải trình thì “người ta sẽ ung dung dùng tiền Nhà nước vào mục đích cá nhân”. Ông cũng nhấn mạnh, ngoài điều kiện cần là trách nhiệm giải trình thì dự thảo Nghị định về cơ quan quản lý vốn Nhà nước, cũng phải nêu rõ điều kiện đủ là công khai minh bạch. Nếu thiếu một trong những điều kiện này, Uỷ ban ra đời khó hoạt động hiệu quả.
Góp ý vào bản dự thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) băn khoăn với mô hình như dự thảo đưa ra, các phòng ban được hình thành sẽ giống như mô hình quản lý hành chính, trì trệ.
"Cơ chế động lực đang thiếu, nếu không cẩn thận sẽ quay trở lại như SCIC. Lương bổng liệu có trả theo cơ chế thị trường cạnh tranh được không, gắn với trách nhiệm tức là doanh nghiệp đó bị thua lỗ thì có bị trừ lương, cách chức hay không? Việc thành lập Ủy ban thì sự phối hợp giữa bộ ngành chủ quản và doanh nghiệp sẽ thế nào?", ông Lực đặt câu hỏi.
Giải trình rõ hơn về những băn khoăn của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Đặng Huy Đông khẳng định, không có bất kỳ rào cản chính trị nào khi xây dựng mô hình cơ quan quản lý vốn Nhà nước. Vấn đề hiện nay là xây dựng mô hình thế nào để tách hai chức năng quản lý Nhà nước với thực hiện quyền sở hữu vốn tại doanh nghiệp.
“Với chức năng là cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước, tức là chỉ thực hiện đúng chức năng là quyền chủ sở hữu, chứ không làm những việc khác, nên không thể gọi là siêu bộ”, Thứ trưởng Đặng Tiến Đông nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, cũng không có chuyện cơ quan này xuống điều hành từng doanh nghiệp trong danh mục mà tất cả đều hoạt động bình thường và chỉ việc báo cáo về cơ quan này. Việc quản lý để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao kết, tức là thỏa thuận về kế hoạch, chiến lược phát triển công ty từng năm và 5 năm theo định hướng mà Chính phủ đặt ra cho doanh nghiệp đó.
Cơ quan quản lý vốn sẽ tập trung kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh của 10 doanh nghiệp lớn nhất, nắm tới 80% số tiền vốn Nhà nước. Theo đó, các vấn đề cơ quan này sẽ quản lý theo hợp đồng chiến lược, kế hoạch và chỉ số quản lý về nhân sự, thương hiệu, năng suất lao động, tài chính, hiệu quả kinh doanh…
Trước lo lắng việc thành lập Uỷ ban này sẽ cản đường cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vốn đang rất chậm, ông Đông khẳng định cơ quan này ra đời sẽ thúc đẩy nhanh hơn.
“Doanh nghiệp Nhà nước không nhảy ra cạnh tranh thị trường với tư nhân về bất động sản, cao ốc... hay các ngành nghề khác, để tránh việc lấn át và cạnh tranh thị trường. Theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, tiền của Nhà nước sẽ dành để phát triển cơ sở hạ tầng, cầu cống, sân bay, bến cảng, giáo dục, y tế ở nông thôn…”, ông nói.
Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý vốn Nhà nước cũng theo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, gồm các chuẩn mực về kiểm toán, kế toán, thanh tra và nhân sự theo nhân lực, năng lực… Lãnh đạo, cán bộ của doanh nghiệp Nhà nước cũng được trả lương theo năng lực.
“Chúng tôi sẽ chọn cái gì và phù hợp cho đất nước, trên tinh thần thống nhất: công khai, trách nhiệm, minh bạch, giải trình và không tranh giành với khu vực tư nhân”, vị Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư quả quyết.