Theo dự báo của Economist Intelligence Unit (EIU), Ấn Độ sẽ tiếp tục nằm trong top nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tương đương ước tính năm ngoái - 7,4%. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ có lợi cho một số quốc gia. Việt Nam là một ví dụ, với tốc độ tăng GDP dự báo 6,7% năm nay. Đây được coi là phương án thay thế Trung Quốc cho các doanh nghiệp khi lựa chọn địa điểm sản xuất. Năm 2018, GDP Việt Nam tăng 7,08% - cao nhất 10 năm.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm nay có thể là Syria, với 9,9%. Dù vậy, EIU cũng nhấn mạnh tốc độ cao có thể do xuất phát điểm thấp.
Dĩ nhiên, toàn cầu cũng có nhiều mảng tối. Chứng khoán thế giới đã có năm 2018 rất tồi tệ và xu hướng này dường như đang kéo dài sang năm nay. Một phần nguyên nhân là nhà đầu tư ngày càng lo lắng về kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,3% năm nay, thấp đáng kể so với ước tính 2,9% năm ngoái. Nguyên nhân là ảnh hưởng từ chính sách giảm thuế phai nhạt dần và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. Với Trung Quốc, tốc độ này cao hơn nhiều - 6,3%. Tuy vậy, nó vẫn thấp hơn ước tính năm 2018. Nhiều người thậm chí cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn sụt giảm nữa, do cuộc chiến thương mại với Mỹ và chính sách giảm nợ trong nền kinh tế.
Bức tranh kinh tế tại châu Âu năm nay cũng khá u ám. Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3. Quốc gia này được dự báo chỉ tăng trưởng 1,5%. Pháp đối mặt với ít bất ổn hơn, nhưng tốc độ tăng GDP cũng không khá hơn.
Italy - nỗi thất vọng kinh tế suốt thời gian qua của châu Âu được dự báo chỉ tăng trưởng 0,4%. Đây là nước tăng trưởng tệ thứ 7 thế giới trong dự báo của EIU, chỉ nhỉnh hơn các quốc gia tăng trưởng âm. GDP Venezuela có thể co lại tới 5,7% - lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Mỹ Latin này đã rơi tự do vài năm qua.
Hà Thu (theo Economist)