Việt Nam lần thứ ba dẫn đầu bảng xếp hạng của ASEAN Cup (trước kia là Tiger Cup hay AFF Cup) trong 15 kỳ tranh tài (hai lần trước vào các năm 2008 và 2018). Thái Lan đã bảy lần chiến thắng và Singapore với bốn lần.
Sau những giây phút thăng hoa tối hôm ấy và dư âm ngọt ngào trong vài ngày nữa, điều khiến những người yêu bóng đá như tôi thực sự trăn trở là làm thế nào Việt Nam duy trì được vị trí số một trong khu vực chứ không chỉ thắng một trận hay một giải đấu?
Trước giải đấu này, Việt Nam và Thái Lan đã gặp nhau 14 lần với phần thắng nghiêng về đội bạn bảy lần và vỏn vẹn hai lần cho Việt Nam (bán kết trên sân nhà năm 1998 và chung kết lượt đi năm 2008). Người hâm mộ và cả giới chuyên môn Việt Nam đều mong muốn tránh Thái Lan ở bán kết để có thể đi đến trận đấu cuối cùng và trông chờ vào những điều kỳ diệu. Điều đó ít nhiều cho thấy sự lép vế của đội tuyển Việt Nam so với Thái Lan.
Xét trên con số thống kê đó, ở giải đấu này, Malaysia dường như mới là đối thủ khó nhất của người Thái, với bốn lần thúc thủ và năm trận hòa chật vật. Nói cách khác, dù có lúc từng lên đỉnh khu vực, thậm chí đánh bại chính Thái Lan ở trận chung kết, Việt Nam vẫn chưa thực sự có được vị thế dẫn đầu khu vực.
Chiến thắng kiên cường, bất chấp cả pha ghi bàn không thượng võ của đội bạn, và chức vô địch ngay trên sân Thái Lan là nền tảng để người Việt thực sự nghĩ xa hơn. Trong buổi gặp mặt đội tuyển quốc gia khi trở về nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng đội tuyển, sau ba lần vô địch Đông Nam Á, có thể vô địch châu Á và dự World Cup. Cựu HLV Park Hang-seo cũng cho rằng: "Đã tới lúc bóng đá Việt Nam vươn ra châu Á".
Để làm được điều đó, nền bóng đá Việt Nam cần một chiến lược toàn diện nhằm phát triển bền vững. Theo tôi cần đầu tư vào cả ba khâu: một bậc thầy dẫn dắt về chuyên môn, nguồn nhân lực và tài lực.
30 năm qua, từ 1995, bóng đá Việt Nam đã loay hoay tìm thuyền trưởng cho đội tuyển quốc gia từ khắp Nam Mỹ, châu Âu sang châu Á. Nhưng một vị trí rất quan trọng khác là giám đốc kỹ thuật. Trong mỗi nền bóng đá, giám đốc kỹ thuật có vị trí như tổng công trình sư. Tại Pháp, huấn luyện viên Aimé Jacquet sau khi đưa đội tuyển Pháp vô địch thế giới lần đầu vào năm 1998 đã lui về hậu trường đảm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật. Ông phụ trách việc lên chiến lược phát triển, tuyển chọn cầu thủ ở tất cả cấp độ tuổi. Thực tế từ trước năm 1994, đội tuyển Pháp chưa từng có mặt tại bất kỳ trận chung kết nào nhưng từ 1998 đến nay, Pháp đã hai lần vô địch và hai lần á quân trong bảy kỳ World Cup.
Tại Đức, cựu danh thủ Oliver Bierhoff từng ngồi vào chiếc ghế Giám đốc kỹ thuật từ năm 2018. Nhưng sau thất bại ê chề tại World Cup 2022, người Đức cần một chiến lược phát triển khác và ông này phải ra đi trước cả huấn luyện trưởng đội tuyển quốc gia.
Theo cẩm nang của FIFA, giám đốc kỹ thuật là người phụ trách toàn bộ khía cạnh chuyên môn - bên cạnh Tổng thư ký chịu trách nhiệm về quản trị. Giám đốc kỹ thuật chịu trách nhiệm phân tích, lên kế hoạch, thực hiện và giám sát các dự án nhằm tăng số lượng cầu thủ, phát triển bóng đá trẻ và bóng đá nữ, đào tạo huấn luyện viên cũng như nghiên cứu và biên soạn tài liệu.
Việt Nam chưa có những "phù thủy" ở vị trí này. Thực tế chúng ta từng có hai giám đốc kỹ thuật người Đức (Willfeld Rainer đầu những năm 2000 và Jurgen Gede giai đoạn 2016-2020) để làm nhiệm vụ cố vấn cho các đội trẻ hoặc đi thăm dò đối thủ. Giám đốc kỹ thuật hiện nay Koshida Takeshi hầu như chỉ hoạt động ở vai trò giảng viên các lớp đào tạo huấn luyện viên, chưa có cơ hội phát huy hết chức năng. Do đó, các chuyên gia nước ngoài ngồi vào vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia hoặc phải lo đối phó với thành tích trước mắt, hoặc thất bại nếu loay hoay thay đổi sâu rộng các cấp độ đội tuyển như vai trò một giám đốc kỹ thuật. Thiếu vắng giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa, nền bóng đá quốc gia thiếu một hệ tư tưởng làm kim chỉ nam phát triển và các huấn luyện viên trưởng thường chỉ có thể đáp ứng chỉ tiêu về thành tích ngắn hạn được giao.
Tiếp theo là vấn đề nhân lực. Để một đội tuyển mạnh với 30 cái tên được triệu tập, chúng ta cần ít nhất gấp ba lần như thế số lượng cầu thủ đủ trình độ. Ở các nước khác, thể thao đỉnh cao là cái chóp của kim tự tháp với chân tháp là thể thao phong trào trong giới trẻ. Không cần nhìn sang châu Âu - nơi thể thao học đường rất phát triển, ở châu Á, Nhật và Hàn Quốc cũng có nền thể thao học đường mạnh. Một thời các đội bóng sinh viên Hàn Quốc là đối tượng tập huấn hạng nặng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Việt Nam có dân số hơn một trăm triệu người, trong đó có khoảng 25 triệu học sinh sinh viên. Tôi tự hỏi trong con số 25 triệu đó, bao nhiêu em tham gia sinh hoạt đều đặn hàng tuần tại các câu lạc bộ bóng đá với các huấn luyện viên có chứng chỉ? Nếu không phải triển được thể thao học đường sâu rộng, sẽ rất khó để tạo nguồn và tìm kiếm nhân tài tương lai cho bóng đá chuyên nghiệp, và đó có thể là sự lãng phí lớn với một đất nước trăm triệu dân.
Cuối cùng, nhưng chưa phải kết thúc, là yếu tố thực sự quan trọng trong thể thao hiện đại, sự phát triển đòi hỏi nguồn tài chính bền vững. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay gần như chỉ là cuộc chơi của một vài đại gia và hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe tài chính lẫn cảm xúc vui buồn của những ông chủ ít ỏi này. Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn rất chật vật để tự nuôi sống bản thân bằng trái bóng. Các câu lạc bộ cần thực sự trở thành các doanh nghiệp kinh doanh bóng đá.
Thắng một trận khó hay vô địch một giải đấu chưa cho phép chúng ta khẳng định được vị trí dẫn đầu của mình, bởi chiến thắng ấy vẫn rất mong manh. Vị trí dẫn đầu bền vững trong phạm vi khu vực Đông Nam Á đòi hỏi một chiến lược đồng bộ khởi xướng bởi một tổng công trình sư, đòi hỏi ủng hộ của cộng đồng để phát triển thể thao học đường và sự phát triển ngành kinh doanh thể thao nói chung, kinh doanh bóng đá nói riêng.
Đó là những cơ sở để hy vọng, Việt Nam sẽ tự tin, chiến thắng trước mọi đội bóng trong khu vực bằng đẳng cấp, chứ không phải phong độ nhất thời.
Võ Nhật Vinh