Trong luật giao thông đường bộ vốn không có lỗi nào là "vượt đèn vàng", vì vậy hành vi này thường gây khó hiểu cho tài xế, đôi khi trở thành kẽ hở gây tranh cãi giữa CSGT và lái xe. Vậy luật quy định thế nào về vấn đề này?
Theo Quy chuẩn 41/2016, tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Vạch dừng xe". Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe", thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau."
Như vậy, nếu thấy đèn vàng khi tới gần ngã tư, đương nhiên tài xế phải dừng. Nếu đã lăn tới sát vạch hoặc cột đèn thì bất ngờ đèn mới chuyển vàng, tài xế có quyền đi tiếp mà không bị xử phạt.
Đại diện Bộ Công an từng giải thích tương tự về vấn đề này. Các tài xế nên chủ động tốc độ, quan sát để chấp hành đúng luật đồng thời không gây nguy hiểm cho tài xế khác. Đèn vàng có ý nghĩa lớn bởi báo hiệu cho tài xế về việc chuẩn bị dừng trước khi đèn đỏ.
Thực tế, nếu những cột đèn có đồng hồ đếm ngược, tài xế hoàn toàn có thể chủ động khi thấy đèn xanh còn một vài giây để dừng trước khi đèn chuyển vàng rồi đỏ. Nếu cột đèn không có đếm ngược, đến ngã tư tài xế cũng nên giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, đồng thời quan sát đèn. Cục CSGT khẳng định nếu tài xế chủ động thấy đèn vàng, có khả năng dừng lại an toàn mà vẫn cố vượt thì việc xử phạt là hoàn toàn phù hợp luật.
Về mức phạt, theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, tài xế ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu sẽ bị phạt tiền 1,2-2 triệu đồng. Mức phạt cho xe máy là 300.000-400.000 đồng, cho xe đạp là 60.000-80.000 đồng.
Ngọc Điệp