Đỗ Bắc Đạt, 26 tuổi, sinh ra ở Hà Nội, đặt chân đến Mỹ hơn 10 năm trước, theo diện trao đổi học sinh tại T.H Williams High School ở Texas. Năm lớp 11, Đạt theo học tại St Anthony’s High School, New York, như một học sinh quốc tế.
Bố mẹ Đạt ngày đó có công ty kinh doanh và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ nên đủ điều kiện lo cho con trai ăn học. Tuy nhiên, sau hai năm lên đường du học, một biến cố ập đến khiến bố mẹ Đạt phút chốc "trắng tay".
Đạt vẫn nhớ như in cuộc gọi từ mẹ hồi tháng 10 năm 2014, thông báo "không còn lựa chọn nào khác ngoài đưa con về nước".
"Em nghĩ đó là lần đầu tiên em phải đưa ra một quyết định lớn, có nên đánh cược để tiếp tục theo đuổi giấc mơ Mỹ", Đạt nhớ lại.
"Nhưng người ta đồn, ở đây nhiều cơ hội hơn", sau nhiều ngày suy nghĩ, chàng trai 18 tuổi mạnh dạn viết thư gửi ban giám hiệu trường phổ thông trình bày hoàn cảnh, xin trả góp học phí trong 12 tháng. Cùng lúc, em nhận thiết kế website và gia sư môn Toán. Chị gái Đạt khi đó dù vẫn là sinh viên nhưng cũng hỗ trợ em trai được một khoản nhờ có lương thực tập.
Chật vật xoay xở, Đạt lo đủ tiền để học hết phổ thông, nhận bằng loại giỏi với điểm trung bình học tập (GPA) 3.6/4.0.
Từ nhỏ Đạt đã thích máy móc, thường mày mò các thiết bị điện tử trong nhà. Hồi cấp hai, nam sinh từng được chú ý khi sửa chữa máy tính, máy nghe nhạc giúp thầy cô và các bạn ở trường Việt - Úc. Vì thế, khi trúng tuyển 4 đại học Mỹ, chàng trai Việt chọn đến Viện Công nghệ Wentworth (WIT) ở Boston, theo học chuyên ngành khoa học máy tính. Hơn nữa, ở đây, Đạt được hỗ trợ tài chính 18.000 USD (422 triệu đồng), chỉ phải nộp thêm cho trường 12.000 USD (282 triệu đồng) mỗi năm.
Ngày đầu vào đại học, sau khi trả hết các khoản phí, em chỉ còn 2,55 USD (59 nghìn đồng) trong túi để mua đồ ăn. "Lúc đó em nghĩ bản thân mình đã ở dưới đáy rồi", Đạt nói.
Vào khoảng giữa năm thứ nhất, Đạt phát hiện nếu biết sắp xếp tín chỉ mỗi kỳ học, em có thể tốt nghiệp trong vòng ba năm và tiết kiệm được một năm học phí. Nam sinh quyết tâm tốt nghiệp sớm.
Ngày đó, Đạt đến trường học từ 8 giờ sáng đến ba giờ chiều. Kết thúc buổi học, Đạt nhận quản lý máy in ở trường, có ngày đi làm gia sư. Buổi tối, em nhận lập trình, viết website đơn giản. Những ngày cuối tuần, nam sinh dành thời gian tham gia các cuộc thi lập trình Hackathon kéo dài 24-48 tiếng để tích luỹ kinh nghiệm, gặp nhà tuyển dụng và kết bạn.
Áp lực tài chính kèm học tập cường độ cao khiến Đạt luôn trong tình trạng căng thẳng. Vì có tiền sử bệnh động kinh, phải ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại của Đạt chỉ xoay quanh việc học hành và làm thêm.
Giai đoạn chật vật tài chính kéo dài đến giữa năm thứ hai, khi Đạt được nhận làm thực tập sinh kỹ sư phần mềm tại công ty dầu khí Shell và được trả lương 2.000 USD (45 triệu đồng) mỗi tháng.
Tại đây, nam sinh được giao lắp cảm biến áp suất nhằm xác định thời điểm phù hợp để mở van áp suất tại nhà máy. Sau khi tốt nghiệp năm 2018, Đạt được công ty nhận làm nhân viên chính thức với mức lương 90.000 USD một năm.
Chris Boutiette, quản lý kỹ thuật phần mềm tại công ty Shell Tech works, nhận xét điều khiến Đạt trở nên đặc biệt là niềm đam mê tự nhiên đối với việc phát triển phần mềm, gắn liền với nó như hơi thở. Điều đó giúp Đạt sáng tạo và liên tục tìm ra các giải pháp mới cho nhiều dự án.
Cuối năm 2020, Đạt nhận thư mời ứng tuyển từ Amazon thông qua mạng xã hội việc làm LinkedIn. Chàng trai Hà Nội quyết định thử sức khi biết Amazon chạy nhiều dự án thú vị, có thể giúp phát triển chuyên môn và có chế độ bảo lãnh cho nhân viên là người nước ngoài.
Đạt chỉ mất một tuần để vượt qua các thử thách tuyển dụng của Amazon. Thứ hai, Đạt giải thuật toán trên mạng; thứ tư, Đạt nhận cuộc gọi trao đổi một tiếng từ Amazon, thứ 5 được phỏng vấn bởi bốn kỹ sư và nhận lời mời làm việc.
Trước đó, Đạt tập trung củng cố những kiến thức nền tảng, dành thời gian đọc lại sách về quản lý dữ liệu và thuật toán. Để chuẩn bị cho phần phỏng vấn hành vi, Đạt viết ra các trải nghiệm liên quan đến thành tích mà mình đạt được tại trường đại học, nơi thực tập và công việc cũ.
"Cách này đã giúp mình kiểm soát được nhịp khi nói chuyện với người phỏng vấn", Đạt chia sẻ.
Hiện nay, Đạt là kỹ sư phần mềm cấp ba tại Amazon. Nhiệm vụ chủ yếu của Đạt là lập trình, thiết kế kiến trúc cho các hệ thống phần mềm. Đạt cũng làm việc trực tiếp với bộ phận kinh doanh để tìm cách giải quyết những bài toán của bộ phận này.
Chàng trai Hà Nội đã tham gia xây dựng hơn 10 hệ thống điện toán đám mây để lưu dữ liệu đơn hàng tại Amazon. Đạt là một trong những kỹ sư đầu tiên của chương trình "Amazon Today", giúp hàng trăm triệu người tiêu dùng ở Mỹ mua hàng online từ những cửa hàng lân cận, được giao tận nơi trong vòng hai tiếng (thay vì hai ngày) với mức giá không đổi. Ở Amazon, Đạt nghĩ thách thức lớn nhất là làm thế nào để giải thích hay đơn giản hoá những bài toán đặt ra.
Ông Ilan Raab, cựu quản lý cấp cao Amazon Today, đánh giá Đạt là người đóng góp chính cho nhiều hoạt động xuất sắc của nhóm. Chàng trai này thường tình nguyện đảm nhận các nhiệm vụ kỹ thuật khó.
Đạt cho biết, ban đầu Amazon trả lương 200.000 USD (4,7 tỷ đồng) mỗi năm. Sau một năm, Đạt được tăng lên mức 290.000 USD (6,8 tỷ đồng), trước thuế. Theo thống kê của DQYDJ - một công ty nghiên cứu tài chính ở Mỹ, thu nhập trung bình trước thuế của người 26 tuổi là 47.000 USD. Với thu nhập này, Đạt trong nhóm 1% người có thu nhập cao nhất ở độ tuổi của mình.
Từ khi ổn định thu nhập, Đạt có thể hỗ trợ cho bố mẹ. Đạt cũng đã có thẻ xanh để làm việc tại Mỹ. Chàng trai 26 tuổi đang tìm kiếm ý tưởng để khởi nghiệp.
Nhìn lại hành trình đã qua, Đạt nhìn nhận để tồn tại ở Mỹ cần kết hợp cả hai yếu tố năng lực và đam mê.
"Hãy luôn luôn đề cao giá trị bản thân và khi gặp khó khăn không ngần ngại đi tìm sự trợ giúp", Đạt chia sẻ.
Lệ Thu