Đầu tháng 11, Trần Ngọc Thảo, 24 tuổi, nhận công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ. Nhờ danh hiệu thủ khoa xuất sắc Đại học Kiểm sát Hà Nội cùng nhiều thành tích ấn tượng, Thảo được tuyển thẳng công chức mà không thông qua thi tuyển. Ước mơ được mặc đồng phục kiểm sát viên từ 5 năm trước, giờ đã thành hiện thực với Thảo. "Là người thích đặt ra và chinh phục mục tiêu, mình rất hạnh phúc với những gì đang có", cô gái Bạc Liêu bày tỏ.
Suốt 12 năm phổ thông, Thảo duy trì thành tích học tập ấn tượng. Do đó, việc đạt 27 điểm tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) nhưng vẫn không trúng tuyển Đại học An ninh Nhân dân (TP HCM) là cú sốc ở tuổi 18 với Thảo. Cô gái sinh năm 1997 trượt đại học trong sự ngỡ ngàng của chính mình và người thân, bạn bè. Nhưng bố mẹ không hề trách mắng, mà động viên cô ở nhà lo việc kinh doanh cùng gia đình.
Đầu năm 2016, trong một dịp được đến Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, Thảo trầm trồ vì "đồng phục kiểm sát viên đẹp quá". Khi được giới thiệu về đặc thù công việc của ngành, cô hứng khởi và quyết định thi lại. Thời điểm đó, kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn cách ba tháng. Thảo dành tối đa thời gian để ôn luyện. Nhờ đã học kỹ trong lần thi đầu tiên, việc học lại không quá khó khăn với Thảo. Kết quả, cô được 27,5 điểm, vượt qua thành tích chính mình và trúng tuyển Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Ngày Thảo "Bắc tiến", bố mẹ khóc nhiều vì thương con gái xa nhà. Ngoài 20 kg hành lý, cô gái mang theo mong muốn "được đến vùng đất mới", tới ngôi trường cách nhà 2.000 km.
Thảo đánh giá mình khá hợp với Hà Nội. Từng được ra thủ đô trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ khi 14-15 tuổi, Thảo như "phải lòng" thành phố này, luôn mong có cơ hội trở lại. Cô hợp với đồ ăn, thời tiết miền Bắc nên ít khi bị ốm. Tuy nhiên, lần đầu trải nghiệm cuộc sống tập thể, cùng với việc phải sống xa nhà, không ít lần Thảo tủi thân. Để vượt qua, cô nghĩ đến lý do mình bắt đầu, tự động viên bản thân phải nỗ lực hơn nữa.
Mục tiêu ban đầu của Thảo là giành học bổng mỗi kỳ sau đó là ngôi vị thủ khoa. Cô là người thường làm việc theo kế hoạch và muốn tận hưởng cảm giác đạt được mục tiêu đề ra. Trước khi lên lớp, Thảo sẽ đọc trước bài, có thể lên mạng tìm thêm tài liệu.
Cô ghi chép những điều giảng viên nói vì cho rằng "những điều thầy cô nhấn mạnh thường xuất hiện trong đề kiểm tra". Về nhà, Thảo dành thời gian đọc lại bài, chỉ đi chơi khi đã học xong. Đến gần ngày thi, cô chỉ tìm thêm kiến thức mở rộng vì đã nắm chắc nội dung cơ bản trong quá trình ôn luyện.
Trong hai lần kiến tập và thực tập, Thảo đều chọn về quê nhà Phước Long. Được trực tiếp đến hiện trường, tham dự các phiên tòa của nhiều vụ án, cô đánh giá điểm yếu của mình là dễ tin người và hay mềm lòng. Sau những trải nghiệm trong đợt thực tập, Thảo cho rằng mình cần cứng rắn hơn, tự nhủ trước khi quyết định bất cứ việc gì, cần chậm lại một nhịp để suy xét đúng sai. Thảo cũng khẳng định dù có lòng thương cảm, với tư cách kiểm sát viên, cô sẽ luôn làm đúng pháp luật.
Sau bốn năm rưỡi học đại học, Thảo thực hiện được mục tiêu của mình khi trở thành thủ khoa đầu ra của trường với điểm tổng kết 3,7/4. Nhận tin, Thảo vỡ òa. Giống như cảnh hồi tưởng của một bộ phim tài liệu, hình ảnh bản thân ngủ gục trên những chuyến xe từ Bạc Liêu ra Hà Nội, cú sốc thi trượt đại học, những ngày làm quen với cuộc sống tại Hà Nội... lần lượt hiện lên trong đầu Thảo. "Nỗ lực của mình, cuối cùng cũng được ghi nhận rồi", Thảo nói.
Từ đầu tháng 11, Thảo nhận quyết định phân công công tác về Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ. Hiện, cô là chuyên viên phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về trật tự xã hội. "Giữa bối cảnh tinh giảm biên chế, nhiều người có thành tích tốt vẫn đang chờ thi tuyển, mình cảm thấy rất may mắn. Cơ hội này nhắc nhở mình lúc nào cũng phải cố gắng, làm sao cho xứng đáng", Thảo bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng bộ môn Kiểm sát xét xử, Khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự, cho biết, trong khoảng 4 khoá đầu tiên của Đại học Kiểm sát Hà Nội, chỉ 5 sinh viên được tuyển thẳng công tác như Thảo. Dạy Thảo từ năm ba đại học, cô Lan Anh ấn tượng với trí nhớ và sự chăm chỉ của nữ sinh.
Cô Lan Anh đánh giá Thảo là sinh viên ngoan, thông minh và chăm chỉ. Với khối lượng công việc nhiều người cần vài ngày mới hoàn thành, Thảo có thể làm trong một đêm. Ngoài việc học, nữ sinh còn tham gia nhiều nghiên cứu khoa học và được đánh giá cao.
Quyết định táo bạo năm 19 tuổi đã đưa Thảo đi một con đường dài, xa hơn rất nhiều so với 2.000 km. Từ một cô học trò có phần tự mãn, chủ quan về khả năng của mình, Thảo đã cầu tiến, khiêm tốn hơn rất nhiều.
Dành lời khuyên cho đàn em, những người có con đường tương đồng với mình, Thảo cho rằng mỗi người cần biết đặt mục tiêu và cố gắng để đạt được nó. Cô khẳng định "Không nên bỏ bê việc học, bởi kết quả trong trường sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai sau này. Không có nỗ lực nào không được đền đáp".
Thanh Hằng