Một số quốc gia Arab tại vịnh Ba Tư có mức thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất thế giới. Các lãnh đạo của họ cũng có những phát biểu đầy nhiệt huyết về nỗi thống khổ của người Syria, trong khi truyền thông nhà nước đưa tin không ngừng nghỉ về nội chiến tại quốc gia này.
Vậy nhưng khi hàng triệu người tị nạn Syria phải lánh nạn tại những nơi khác ở Trung Đông, thậm chí mạo hiểm sinh mạng để tới châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh chỉ đồng ý cho một lượng ít ỏi người tị nạn được tái định cư tại nước họ.
Khi cuộc khủng hoảng nhập cư bao trùm châu Âu, và sau khi hình ảnh của em bé Aylan Kurdi lột tả hết sự tuyệt vọng của người Syria, các nhóm nhân đạo ngày càng gia tăng chỉ trích rằng các quốc gia giàu có nhất thế giới Arab chưa hành động đủ nhiều để giúp đỡ.
Chỉ trích
"Thuật ngữ chia sẻ gánh nặng hoàn toàn không có nghĩa gì tại vùng Vịnh. Cách tiếp cận của người Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Qatar chỉ đơn giản là ký séc rồi để cho ai đó lo liệu", Sarah Leah Whitson, giám đốc điều hành tổ chức Human Rights Watch tại Trung Đông và Bắc Phi nói. "Giờ thì tất cả đều lên tiếng rằng 'như vậy là không công bằng'".
Chỉ trích càng tăng thêm khi xét tới sự giàu có tại vùng Vịnh, với vô vàn trung tâm mua sắm khổng lồ, những tòa tháp cao chọc trời sáng loáng, đại lộ rộng thênh thang đầy những chiếc xe thể thao đắt tiền. Tại các nước láng giềng với Syria, nơi hầu hết hơn 4 triệu người tị nạn trú ngụ, hoàn toàn không có sự vương giả đó.
Đơn cử như tại Jordan, thu nhập bình quân đầu người chỉ là 11.000 USD/năm, nhưng nước này đã tiếp nhận 630.000 người. Lebanon giàu có hơn, cũng tiếp nhận 1,2 triệu người Syria, tương đương gần 1/4 dân số. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có đông người tị nạn trú ngụ nhất, khoảng 2 triệu người, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này là 20.000 USD/năm.
Những mức thu nhập đó chỉ bằng một phần nhỏ so với Qatar (143.000 USD), Kuwait (71.000 USD) hay Arab Saudi (52.000 USD), theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
Nhiều người Syria cũng chỉ trích các nước vùng Vịnh. "Chúng ta đều biết rằng vùng Vịnh có thể đón người tị nạn Syria, nhưng họ không bao giờ đáp lại", Omar Hariri, một người Syria vừa đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trên một chiếc bè cao su cùng vợ và con gái 2 tuổi cho biết.
Trả lời phỏng vấn từ Athens, ông nói rằng ông đặt hy vọng vào châu Âu, chứ không phải vùng Vịnh. "Họ chỉ hỗ trợ phiến quân, chứ không giúp người tị nạn", ông Hariri nói. Qatar và Arab Saudi được cho là hỗ trợ tài chính cho phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Syria al-Assad. Những cư dân giàu có tại vùng Vịnh được cho là hỗ trợ tài chính cho phần tử jihad tại Syria, theo giới chức Mỹ.
Thực tế, có hàng trăm nghìn người Syria đang sống tại tại vùng Vịnh, nơi sự thịnh vượng nhờ giàu mỏ và dân số thấp khiến các nước này trở thành điểm đến hàng đầu của người lao động từ các quốc gia Arab nghèo hơn và các khu vực khác. Trong khi một số ít người di cư tại đây là các chuyên gia tạo dựng được sự nghiệp xán lạn, hầu hết là lao động tay chân thu nhập thấp, chấp nhận từ bỏ quyền lợi để có việc làm và có thể bị trục xuất trong chớp nhoáng.
Trong nhóm người này có không ít người Syria chạy trốn chiến tranh, dù họ không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ hoặc hỗ trợ tài chính nào mà lẽ ra những người theo quy chế tị nạn được hưởng. Tương lai về khả năng được cấp quyền công dân cũng hoàn toàn mờ mịt.
'Nước mắt cá sấu'
Giới chức vùng Vịnh và các nhà bình luận quyết liệt bác bỏ chỉ trích, khẳng định rằng nước họ đã hào phóng tài trợ cho các chương trình viện trợ nhân đạo, và điều đó giúp người Syria có cơ hội làm việc còn tốt hơn là để họ thất nghiệp tại các nước khó khăn về kinh tế, hay ở trong các trại tị nạn xập xệ.
Arab Saudi từ đầu năm đến nay cấp 18,4 triệu USD cho quỹ ứng phó Syria của Liên Hợp Quốc, trong khi Kuwait là nước đóng góp nhiều thứ ba thế giới với 304 triệu USD. Mỹ là nước ủng hộ nhiều nhất với 1,1 tỷ USD và chấp nhận cho 1500 người Syria tái định cư.
"Nếu không nhờ có các quốc gia vùng Vịnh, bạn sẽ thấy hàng triệu người đó ở trong tình cảnh thảm thương hơn hiện tại rất nhiều", Abdulkhaleq Abdulla, một giáo sư khoa học chính trị tại UAE, quốc gia đã tiếp nhận hơn 160.000 người Syria trong 3 năm qua, khẳng định. "Việc chỉ trích vùng Vịnh rằng họ không hành động gì cả là không đúng".
"Tại sao chỉ có những chất vất xoay quanh vùng Vịnh mà không đề cập đến ai đứng sau cuộc khủng hoảng, ai tạo ra tình cảnh này?", Khalid al-Dakhil, một giáo sư khoa học chính trị tại đại học King Saud, thành phố Riyadh,của Arab Saudi nói.
Nhà bình luận Fahad al-Shelaimi của Kuwait khẳng định trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng nước mình không phù hợp cho người tị nạn. "Chi phí sống tại Kuwait và các nước vùng Vịnh đắt đỏ và không phù hợp với cuộc sống tị nạn. Giao thông vận tải tại Kuwait cũng rất tốn kém. Trong khi đó, sống ở Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rẻ hơn, số tiền hỗ trợ cho người tị nạn sẽ giúp họ trang trải được lâu hơn", al-Shelaimi nói.
"Bạn không thể chào đón những người đến từ môi trường khác, những nơi mà người dân có vấn đề hoặc phải trải qua đau đớn về tinh thần và đưa họ hòa nhập vào xã hội", ông al-Shelaimi nói.
Các họa sĩ tranh trào phúng lập tức công kích tư tưởng này. Một người vẽ một người đàn ông trong trang phục truyền thống của vùng Vịnh đứng sau cánh cửa có hàng rào thép gai, chỉ đường cho một người tị nạn đi sang một cánh cửa khác treo cờ Liên minh châu Âu, trong khi hét lên "Mở cửa cho họ vào ngay!".
Trong khi đó, nhiều người tại vùng Vịnh hướng chỉ trích về phía Mỹ và các đồng minh phương Tây, đổ lỗi cho những nước này không can thiệp vũ lực chống lại ông Assad. Họ tin rằng làm như vậy sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột, và ngừng dòng người tị nạn.
Tuần qua, ông Nasser Al-Khalifa, từng là nhà ngoại giao của Qatar, cáo buộc trên Twitter rằng giới chức phương Tây đang rơi "nước mắt cá sấu" trước tình cảnh cơ cực của người Syria.
Tuy không nêu cụ thể tên nước, Khalifa viết rằng "các nước khác" đã muốn trao vũ khí phòng không cho phiến quân, để chống lại các vụ không kích vào khu vực có dân thường sinh sống, nhưng lại bị ngăn cản.
Ông cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama đã không can thiệp vũ lực vào Syria do lo sợ làm hỏng đàm phán với Iran. "Giờ thì giới chức Mỹ và châu Âu đang đối mặt với những chính sách thiển cận của họ và phải chào đón thêm nhiều người tị nạn Syria", ông Khalifa viết.
Michael Stephens, giám đốc Viện nghiên cứu Royal United Services Institute tại Qatar thì cho rằng, quyết định không can thiệp trực tiếp khiến nhiều quốc gia vùng Vịnh không rõ phải phản ứng ra sao.
"Người Arab vùng Vịnh đã quen với mô hình trong đó phương Tây liên tục can thiệp để giải quyết vấn đề, nhưng lần này, họ chưa làm vậy", ông Stephens nói. "Việc đó khiến nhiều người chỉ nhìn vào tình thế ngổn ngang hiện tại và đổ lỗi cho nhau".
Hoàng Nguyên (theo NYTimes)