Phát biểu trong tuyên bố thắng cử ngày 18/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga "vào thời điểm nào đó" sẽ buộc phải thiết lập "vùng đệm" ở Ukraine, nhằm ngăn lực lượng nước này tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin không giải thích rõ về khái niệm này, nhưng tuyên bố vùng đệm phải đủ lớn để các khí tài phương Tây cung cấp cho Ukraine không thể chạm đến biên giới Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó giải thích rõ hơn, cho biết ý tưởng được Tổng thống Putin nêu ra là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công quấy nhiễu bằng pháo binh và máy bay không người lái (UAV) mà Ukraine liên tục thực hiện gần đây nhắm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
"Các công trình dân sự chỉ có thể được bảo vệ bằng cách tạo ra một vùng đệm đủ lớn, vượt quá tầm bắn của bất kỳ vũ khí nào mà kẻ thù sử dụng để tấn công chúng tôi", ông Peskov nhấn mạnh.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang tăng cường tập kích vào cơ sở dầu khí và mục tiêu ở khu biên giới Nga, đặc biệt là Belgorod, tỉnh nằm giáp vùng Kharkov của Ukraine. Tỉnh này là mục tiêu tập kích thường xuyên của Kiev từ đầu chiến sự, song số lượng các vụ tấn công gần đây tăng mạnh, trùng thời điểm Nga tiến hành bầu cử tổng thống.
Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov ngày 18/3 thông báo hai người đã thiệt mạng và 4 người bị thương sau khi Ukraine pháo kích vào một ngôi làng ở Belgorod. Giới chức y tế địa phương cùng ngày cho biết đã ghi nhận tổng cộng 11 người chết và 82 người bị thương do rocket, đạn pháo của Ukraine tại Belgorod trong tuần qua.
Song song với các cuộc pháo kích của Ukraine, các nhóm dân quân thân Kiev, gồm Quân đoàn Tự do Nga (FRL), Quân đoàn Tình nguyện Nga (RVC) và Tiểu đoàn Sibeira mới đây mở chiến dịch xuyên biên giới nhằm vào hai tỉnh Belgorod và Kursk của Nga.
Moskva thông báo đã đẩy lùi các cuộc xâm nhập, hạ nhiều tay súng và phương tiện chiến đấu của đối phương. Nhưng các nhóm dân quân tuyên bố đang tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ Nga và đã kiểm soát được làng Gorkovsky ở tỉnh Belgorod cùng làng Tetkino ở tỉnh Kursk.
Các tỉnh biên giới của Nga không phải là nơi duy nhất bị nhắm tới gần đây. Lực lượng Ukraine thời gian qua cũng thường xuyên triển khai UAV tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, xa nhất là tới thủ đô Moskva và thành phố St. Petersburg. Các đòn đánh đã khiến nhiều cơ sở dầu mỏ của Nga bị hư hại, đe dọa huyết mạch kinh tế của nước này.
Đây không phải lần đầu tiên Nga đề cập ý định thiết lập vùng đệm tại Ukraine. Tổng thống Putin hồi tháng 6/2023 cho biết Điện Kremlin có thể sẽ phải cân nhắc phương án này nếu lãnh thổ Nga tiếp tục bị Ukraine tập kích. Ông hôm 31/1 tuyên bố Nga sẽ đẩy lực lượng Ukraine ra xa khu vực họ kiểm soát, tạo vùng đệm an toàn cho các thành phố khỏi vũ khí phương Tây.
"Trong bối cảnh các cuộc tấn công phá hoại của Ukraine tiếp tục diễn ra, Nga dường như đang cân nhắc kỹ hơn phương án này", cây viết Ekaterina Blinova của Sputnik nêu quan điểm.
Sergei Poletaev, nhà phân tích chính trị người Nga, cho biết có hai cách để thiết lập vùng đệm. Một là thông qua đàm phán để thiết lập lệnh ngừng bắn và hai là thông qua hành động mang tính cưỡng ép.
Theo Poletaev, Nga trước đây từng cố gắng đàm phán với các thành viên khác trong nhóm Bộ tứ Normandy là Pháp, Đức và Ukraine về việc thiết lập vùng đệm, nhằm ngăn Ukraine tiếp tục pháo kích vào vùng Donbass do phe ly khai thân Nga kiểm soát, song không thành công.
"Trong trường hợp của Nga, phương án thứ hai nhằm thiết lập vùng đệm bằng biện pháp quân sự có vẻ phù hợp hơn", chuyên gia này nhận định.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 18/3 cũng cho rằng Moskva đang có ý định leo thang chiến sự khi tuyên bố muốn thiết lập vùng đệm tại lãnh thổ của Kiev.
"Những điều này là bằng chứng cho thấy Nga chưa sẵn sàng theo các mối quan hệ chính trị và xã hội thời hiện đại, trong đó quan tâm tới quyền chủ quyền tuyệt đối của quốc gia khác", ông nói thêm.
Về độ sâu của vùng đệm, Poletaev cho rằng điều này phụ thuộc vào tầm bắn của các loại vũ khí mà lực lượng Ukraine triển khai. Theo ông, M777, loại pháo phương Tây phổ biến nhất trong biên chế quân đội Ukraine, có tầm bắn 20-40 km. Một số vũ khí tầm xa khác như BM-21 Grad hay pháo tự hành RM-70 Vampire cũng có tầm bắn tối đa 40 km.
"Đó là độ sâu cần thiết của vùng đệm, nếu Nga muốn đối phương không còn có thể pháo kích quy mô lớn vào tỉnh Belgorod và các khu vực gần biên giới khác", Poletaev nói.
Hồi tháng 1, nhiều tài khoản mạng xã hội ủng hộ Nga cũng kêu gọi Moskva thiết lập "vùng đệm an ninh" ở tỉnh Kharkov, song với độ sâu nhỏ hơn là 15 km, nhằm ngăn cản lực lượng Ukraine nã pháo vào các mục tiêu ở Belgorod, sau nhiều lần khu vực này liên tiếp bị bắn phá.
Nga từng kiểm soát phần lớn tỉnh Kharkov vào giai đoạn đầu chiến sự, song đã phải rút khỏi khu vực này sau cuộc phản công chớp nhoáng của quân đội Ukraine hồi tháng 9/2022.
Thomas Newdick, chuyên gia quân sự của tờ War Zone, cũng cho rằng Kharkov là "lựa chọn hiển nhiên" nếu quân đội Nga muốn thiết lập vùng đệm an ninh tại Ukraine, do đây là khu vực giáp với tỉnh Belgorod.
Để có thể tạo vùng đệm ở Kharkov, Nga sẽ phải mở chiến dịch tấn công quy mô lớn để chiếm khu vực này. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, cuối tháng 1 cho rằng lực lượng này chưa có đủ năng lực để mở chiến dịch như vậy "trong tương lai gần".
"Tấn công sâu 15 km vào lãnh thổ đối phương, trên chiều rộng vài trăm km, là một chiến dịch quy mô lớn, đòi hỏi phải có lực lượng lớn và trang bị tốt hơn đang kể so với những gì quân đội Nga đang tập trung theo toàn bộ biên giới được quốc tế công nhận với Ukraine, chứ chưa nói đến tỉnh Belgorod", ISW nhận định.
Các nỗ lực tấn công gần đây của Nga theo hướng Kupyansk, thành phố chiến lược về giao thông, kết nối mạng lưới đường sắt và đường bộ ở tỉnh Kharkov, đạt rất ít tiến triển, khi họ vấp phải chiến thuật phục kích kiểu "chặn đầu, khóa đuôi" của lực lượng Ukraine.
Chiến thuật 'chặn đầu, khóa đuôi' giúp Ukraine ngăn Nga tiến công
Sau khi để mất Avdeevka, quân đội Ukraine đang dồn lực phòng thủ ở các mặt trận khác, gồm cả tỉnh Kharkov, khiến các nỗ lực tiến công của Nga càng gặp nhiều thách thức. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11/3 cho biết Kiev đang xây dựng ba lớp phòng thủ dọc tiền tuyến, nhằm chặn đà tiến của quân đội Nga.
"Phòng tuyến không gói gọn trong vài km, mà trải dài hơn 1.000 km. Mạng lưới hầm hào, công sự phải đủ vững chắc và chống chịu được thay đổi thời tiết, cũng như các loại khí tài được đối phương huy động", ông cho hay.
Người dân ở tỉnh Kharkov cũng bày tỏ tin tưởng Nga sẽ không chiếm được khu vực này như hồi đầu chiến sự. "Kharkov sẽ không bao giờ trở thành vùng xám và sẽ luôn thuộc về Ukraine", Antonina Khrypushkina, cư dân địa phương, cho biết.
Trong trường hợp Nga vẫn quyết tâm thiết lập vùng đệm ở Ukraine bất chấp các thách thức, Moskva nhiều khả năng sẽ phải bổ sung thêm lực lượng ở mặt trận Kharkov và khiến khu vực này trở thành điểm nóng mới trên chiến trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi Nga dồn toàn bộ nguồn lực để tấn công và thiết lập được vùng đệm sâu 15 km ở Kharkov, điều này chỉ có thể khiến Kiev ngừng pháo kích vào các tỉnh biên giới của Moskva hay hạn chế các cuộc tấn công xuyên biên giới của dân quân thân Ukraine, chứ không thể ngăn đối phương tập kích bằng UAV tầm xa.
Ukraine cũng sở hữu tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG có tầm bắn 250-560 km tùy biến thể do Anh, Pháp chuyển giao, đủ để tập kích các mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của pháo binh với độ chính xác cao và khiến "vùng đệm an ninh" của Nga trở nên vô nghĩa.
Kiev hiện chưa sử dụng các loại vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ của Moskva, mà chỉ nhắm vào các khu vực do Nga kiểm soát tại Ukraine như bán đảo Crimea. Nhưng không có gì đảm bảo Ukraine sẽ không sử dụng những loại vũ khí uy lực này, đặc biệt là sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2 nói rằng Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.
Phạm Giang (Theo Sputnik, War Zone, Reuters)