"Cuộc chiến Nga phát động ở Ukraine đã vi phạm luật pháp quốc tế", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn ngày 20/2. "Theo luật quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ, trong đó có việc tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga ở bên ngoài lãnh thổ Ukraine".
Tổng thư ký NATO từng đề cập tới quyền tự vệ của Kiev trước Moskva, song đây là lần đầu tiên ông công khai khẳng định Ukraine có quyền tự vệ bằng cách tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.
Điều này có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra. Ông nhiều lần cảnh báo Ukraine không được sử dụng khí tài do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, cho rằng điều này có thể khiến xung đột leo thang.
Mỹ và các thành viên NATO trước đây cấm Ukraine sử dụng những khí tài được họ viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga, do lo ngại chiến sự vượt tầm kiểm soát. Phương Tây ban đầu cũng trì hoãn chuyển giao nhiều loại vũ khí tầm xa cho Ukraine, do sợ rằng Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công mục tiêu bên ngoài lãnh thổ.
Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài, quan điểm này dần thay đổi. Pháp, Anh năm ngoái đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG có tầm bắn 250-560 km, trong khi Washington chuyển giao cho Kiev phiên bản ATACMS tầm bắn 165 km.
Trung tướng Serhiy Nayev, Tư lệnh Bộ chỉ huy Liên quân, cơ quan tham mưu cấp cao trong quân đội Ukraine, hồi đầu tháng tiết lộ Kiev sẽ nhận tiêm kích F-16 và tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300-500 km trong gói viện trợ sắp tới. Giới phân tích nhận định đây có thể là vũ khí trang bị cho tiêm kích F-16, như dòng JASSM của Mỹ.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, hiện được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể.
F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. Mẫu tiêm kích này được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Hà Lan ngày 6/2 thông báo sẽ cung cấp thêm 6 tiêm kích F-16 cho Ukraine, nâng tổng số máy bay mà nước này cam kết chuyển giao cho Kiev lên 24 chiếc.
Ngoài Hà Lan, Đan Mạch và Bỉ cũng đã công bố kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine. Kiev dự kiến tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên trong năm nay, sau khi phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện.
Phạm Giang (Theo Ukrainska Pravda, Newsweek)