Ngày hội bóng đá thế giới đã diễn ra 19 lần. Hầu hết các vua phá lưới đều không thể đưa đội tuyển của mình đến chức vô địch, trong đó có cả Eusebio, Gerd Muller và Just Fontaine. Năm cầu thủ hiếm hoi làm được điều này là Ronaldo (Brazil, năm 2002, tám bàn), Paolo Rossi (Italy, 1982, sáu bàn), Mario Kempes (Argentina, 1978, sáu bàn), Garrincha và Vava (Brazil, 1962, bốn bàn).
Năm 2010, David Villa ghi được năm bàn như Thomas Muller nhưng theo cách tính mới của FIFA, cầu thủ người Đức giành giải vua phá lưới nhờ số đường chuyền dọn cỗ cao hơn. Villa do vậy chỉ có danh hiệu vô địch cùng Tây Ban Nha.
World Cup 2010 cũng là giải đầu tiên FIFA áp dụng cách tính bổ sung số đường chuyền dọn cỗ. Trước đó có hai giải, năm 1994 và 1962, xảy ra tình trạng có nhiều hơn một cầu thủ đồng giành vua phá lưới.
Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong một kỳ World Cup là Just Fontaine, với 13 lần lập công cho Pháp vào năm 1958. Đây cũng là giải duy nhất mà ngôi sao này tham dự.
Ghi nhiều hơn Fontaine hai bàn sau bốn lần góp mặt, Ronaldo hiện dẫn đầu danh sách tổng với 15 lần lập công. Miroslav Klose chỉ kém một bàn, xếp thứ hai.
Năm nay Klose tiếp tục tham dự và có cơ hội chiếm vị trí dẫn đầu. Tuyển Đức của tiền đạo 36 tuổi này nằm cùng bảng với Bồ Đào Nha, Ghana và Mỹ.
Danh sách vua phá lưới qua 19 kỳ World Cup:
Năm 2010, Thomas Müller (Đức) - 5 bàn (xem video).
2006, Miroslav Klose (Đức) – 5 (xem video).
2002, Ronaldo (Brazil) – 8 (xem video).
1998, Davor Suker (Croatia) – 6 (xem video).
1994, Hristo Stoichkov (Bulgaria, video), Oleg Salenko (Nga) – cùng 6 bàn
1990, Salvatore Schillaci (Italy) – 6
1986, Gary Lineker (Anh) – 6
1982, Paolo Rossi (Italy) - 6
1978, Mario Kempes (Argentina) – 6
1974, Grzegorz Lato (Ba Lan) – 7
1970, Gerd Müller (Đức) – 10
1966, Eusebio (Bồ Đào Nha) – 9
1962, Garrincha, Vava (cùng Brazil), Drazan Jerkovic (Nam Tư), Valentin Ivanov (Liên Xô), Leonel Sanchez (Chile) ,Florian Albert (Hungary) – cùng 4 bàn
1958, Just Fontaine (Pháp) – 13
1954, Sandor Kocsis (Hungary) – 11
1950, Ademir (Brazil) – 9
1938, Leonidas (Brazil) – 7
1934, Oldrich Nejedly (Tiệp Khắc) – 5
1930 Guillermo Stábile (Argentina) – 8
Thúy An