Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/4 đã nộp bảo lãnh 175 triệu USD cho số tiền phạt 464 triệu USD mà ông bị thẩm phán Arthur Engoron của tòa sơ thẩm New York tuyên hồi tháng 2. Điều này chấm dứt hành trình gian nan mà Trump đã trải qua vài tháng qua để tìm được bên bảo lãnh khoản phạt cho mình, tránh nguy cơ bị chính quyền New York tịch thu tài sản.
Theo hồ sơ tòa án, công ty bảo hiểm Knight Specialty Insurance Company (KSIC), trụ sở bang California, là bên đã đứng ra bảo lãnh cho ông Trump. Đây là công ty con trong tập đoàn Hankey Group, chủ tịch là tỷ phú Don Hankey, người được mệnh danh là "ông vua cho vay lãi cao để mua ôtô" Los Angeles.
Quyết định của tỷ phú Hankey được coi là động thái quan trọng cứu vớt Trump khỏi cuộc khủng hoảng tài chính vì số tiền phạt quá lớn. Trước đó, nhóm luật sư của ông Trump thông báo đã tiếp cận 30 công ty bảo hiểm, nhưng không ai dám đứng ra bảo lãnh cho án phạt gần 500 triệu USD.
Tỷ phú Hankey, 80 tuổi, cho biết KSIC đã liên hệ đội ngũ ông Trump để bàn về phương án bảo lãnh khi biết cựu tổng thống gặp khó. "Tôi nghe tin họ đang tìm bên bảo lãnh và đây là nghiệp vụ của KSIC. Chúng tôi có khả năng thanh toán và tôi rất vui được cung cấp dịch vụ", Hankey kể. Tuy nhiên, nhóm của Trum dường như không đồng ý với thỏa thuận hợp tác cùng KSIC.
Đến ngày 25/3, tòa phúc thẩm New York đồng ý giảm mức bảo lãnh xuống còn 175 triệu USD và yêu cầu Trump thực hiện trong vòng 10 ngày. Trump khi đó tuyên bố ông có đủ tiền để tự nộp bảo lãnh, Hankey kể với Washington Post.
Nhưng đội ngũ của Trump bất ngờ nối lại thương lượng với KSIC, hỏi liệu phía Hankey có sẵn sàng tham gia hay không và tỷ phú này đồng ý.
Luật sư của ông Trump ban đầu đề xuất thế chấp bằng 20% tiền mặt và 80% trái phiếu. KSIC đánh giá đây là "những trái phiếu hạng A, đáng đầu tư". Cựu tổng thống sau đó quyết định thế chấp toàn bộ bằng tiền mặt.
Hankey cho biết KSIC tính "phí phải chăng" với ông Trump, nhưng từ chối nêu cụ thể. Thông thường các công ty bảo hiểm thu tiền phí tương đương 1-3% giá trị bảo lãnh. Số tiền này không được hoàn lại, bất kể kết quả kháng cáo của cựu tổng thống.
Thỏa thuận với KSIC cho phép Trump có thể giữ lại tiền và "ít nhất ông ấy vẫn có thể sinh lời từ tài sản thế chấp".
Theo Hankey, KSIC đồng ý ra tay "giải cứu" Trump một phần vì nhất trí với những gì cựu tổng thống biện hộ trước tòa, rằng các doanh nghiệp vẫn thường thổi phồng giá trị một số tài sản của mình, miễn là không ảnh hưởng đến các khoản vay của ngân hàng hay công ty bảo hiểm.
Hankey nói công ty dịch vụ tài chính Westlake Financial Services của ông đã cung cấp khoản vay cho 1,5 triệu khách hàng và "giá trị một số tài sản trong hồ sơ tín dụng gửi đến công ty thường được thổi phồng". "Tỷ lệ thổi phồng tài sản là 75% số hồ sơ xin vay", theo Hankey.
Tỷ phú này làm ăn bằng cách cho những khách hàng có điểm tín dụng thấp hoặc hồ sơ tín dụng "không đẹp" vay tiền với lãi suất cao để có thể mua xe hơi, phương tiện đi lại được coi là không thể thiếu ở Mỹ.
Lãi vay của Hankey cao hơn so với lãi ngân hàng và khách hàng sẽ bị phạt nếu tất toán sớm khoản vay. Tuy nhiên, khách hàng vay tiền của Hankey thường là những người không có nguồn tiền nào khác để mua ôtô, nên họ thường chấp nhận phí và lãi cao.
Hankey sau đó mở rộng hoạt động kinh doanh ra mảng tài chính, công nghệ, bất động sản và bảo hiểm, điều hành Hankey Group, đế chế có 8 công ty con, với tài sản được Forbes ước tính là 7,4 tỷ USD.
"Tôi là chủ tịch hội đồng quản trị của một số công ty. Chúng tôi chỉ đang làm ăn và cố tránh các vấn đề chính trị hay chọn phe", Hankey cho biết, thêm rằng ông từng quyên tiền cho cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ.
"Chúng tôi rất vui vì có thể hỗ trợ cựu tổng thống trong tình thế hiện tại", ông Hankey trả lời ABC News. "Tôi muốn nói rằng đây là một quyết định nghiêng về làm ăn hơn, nhưng tôi cũng là một người ủng hộ ông ấy".
Tỷ phú này khẳng định đã và sẽ hậu thuẫn Trump, nhưng không phải là một nhà tài trợ lớn, thêm rằng việc ông ủng hộ ông Trump không liên quan đến quyết định bảo lãnh án phạt cho cựu tổng thống.
Tuy nhiên, Lisa Rubin, chuyên gia pháp lý của MSNBC, cho rằng quan hệ giữa Hankey và Trump phức tạp hơn thế.
"Tỷ phú Hankey làm giàu từ ngành xe hơi và còn là cổ đông lớn nhất tại Axos Bank", bà Rubin viết. "Axos Bank rất quen thuộc bởi đây là công ty tài chính đã tái tài trợ cho các khoản vay thế chấp của ông Trump liên quan Tháp Trump và khu nghỉ dưỡng Trump National Doral Miami năm 2022".
Theo Rubin, hai khoản vay này lần lượt trị giá 100 triệu USD và 125 triệu USD, đáo hạn vào năm 2032. Axos được cho còn có quan hệ làm ăn với gia đình Jared Kushner, con rể ông Trump.
Tháp Trump và Trump National Doral Miami đều nguy cơ bị chính quyền New York tịch thu trong trường hợp ông Trump không thể nộp bảo lãnh tiền phạt. Theo giới quan sát, nếu không ai đứng ra bảo lãnh, các tài sản bị tịch thu của ông Trump có thể bị bán tháo để New York thu tiền về. Động thái sẽ khiến giá trị tài sản của ông Trump giảm đáng kể.
Trong khi đó, Dan Alexander, cây viết của Forbes, mô tả Hankey là một người thú vị.
"Ông ấy làm giàu từ các khoản cho vay mua xe hơi trong những trường hợp mà bên khác không muốn nhận", Alexander trả lời phỏng vấn CNN. "Ông ấy sẽ nhìn vào các con số và nói 'được, ông Trump có tài sản thế chấp', 'tôi có thể bảo lãnh và chúng ta sẽ kiếm được tiền từ thương vụ này'".
Alexander đánh giá việc KSIC bảo lãnh án phạt là thắng lợi cho ông Trump, bởi New York chưa thể tịch thu tài sản của cựu tổng thống và phải chờ nhiều tháng, cho đến khi tòa phúc thẩm ra phán quyết cuối cùng. Tòa phúc thẩm New York dự kiến bắt đầu nghe tranh luận vào tháng 9 và chưa ấn định thời điểm cụ thể.
Ông Trump cũng giảm thiểu được thiệt hại tài chính, bởi trong trường hợp ông không có khả năng nộp phạt, KSIC sẽ chịu trách nhiệm chi trả. Hiện chưa rõ KSIC sẽ thu hồi tiền bảo lãnh bằng cách nào nếu ông Trump kháng cáo thất bại và không có khả năng nộp phạt.
Như Tâm (Theo CNN, ABC News)