Cách đây 100 năm, ngày 20/10/1912, ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một mái tranh bần hàn, một cậu con trai ra đời và được đặt tên là Vũ Trọng Phụng. Đó là kết quả tình yêu của người chồng làm nghề thợ tiện và người vợ làm nghề khâu vá.
Ngày 13/10/1939, Vũ Trọng Phụng qua đời khi mới 27 tuổi nhưng sự nghiệp cầm bút của ông còn vang dội đến hôm nay.
Năm 7 tuổi, Vũ Trọng Phụng mồ côi cha. Chỉ được hoàn thành chương trình tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải vào đời lăn lộn kiếm sống. Ban đầu Vũ Trọng Phụng làm thư ký đánh máy cho hãng buôn Gôda, sau đó làm công nhân xếp chữ cho nhà in Viễn Đông. Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng công bố truyện ngắn đầu tiên Chống nạn lên đường trên tờ Ngọ Báo và chính thức theo đuổi nghề cầm bút.
Trong khoảng thời gian 9 năm, từ 1930 đến 1939, Vũ Trọng Phụng viết được 28 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 8 tập phóng sự, 6 vở kịch và dịch thuật cuốn Giết mẹ của Victor Hugo. Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng còn viết hàng trăm bài tranh luận, phê bình về văn học, văn hóa và các vấn đề xã hội khác. Sức lao động khủng khiếp ấy được Vũ Trọng Phụng lý giải đơn giản nhằm kiếm tiền nuôi bà nội, mẹ, vợ và con gái. Chân dung Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời được nhà văn Lan Khai khắc họa: "Cao độ thước sáu, mảnh khảnh, vai vuông và lưng hơi gù, hay đội cái khăn xếp, mặc cái áo sa trơn và đi giày Gia Định".
Vì căn bệnh lao phổi, Vũ Trọng Phụng khép lại cuộc đời tài hoa đoản mệnh trong nghèo túng và xót xa. Hầu hết những nhà văn lừng lẫy nhất đầu thế kỷ 20 đều có điếu văn tiếc thương Vũ Trọng Phụng: Ngô Tất Tố, Tam Lang, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Hoàng Cầm, Nguyên Hồng... Nhà văn Ngọc Giao kể lại, trước khi chết, Vũ Trọng Phụng nhờ bạn dìu đến nhà in để thu thập bản thảo của mình, rồi nắm tay bạn dặn dò: "Khi liệm xác tao, nhớ cho tao gối đầu lên bản thảo. Đó là điều yêu sách cuối cùng nhờ ở lũ chúng bay còn sống sót. Đừng quên nhá!". Còn nhà văn Thanh Châu cảm thán: "Trước cửa căn nhà lẹp xẹp số 73 đường Cầu Mới, nếu có một ngày mà đất nước này biết ơn những đứa con đã hy sinh cho đất nước, thì con cháu chúng ta sẽ có khi được đọc trên tấm biển đồng khắc những chữ này: Đây là nơi nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã từ trần!".
Khi xuất hiện đã tạo thành hiện tượng trên văn đàn, trải qua nhiều biến cố lịch sử, càng ngày tác phẩm của Vũ Trọng Phụng càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Sau ngày thủ đô được giải phóng, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về văn chương đều đánh giá rất cao Vũ Trọng Phụng. Học giả Đào Duy Anh lúc tiếp chuyện các chuyên gia Liên Xô (cũ) đã khiêm tốn bày tỏ do hoàn cảnh mất mát chiến tranh và loay hoay khốn khó nên văn học Việt Nam cận đại không có được những tác phẩm xuất sắc và lớn lao như vài nơi khác. Lập tức một nữ chuyên gia Liên Xô vặn lại: "Chứ các anh có Vũ Trọng Phụng thì sao?". Rõ ràng, văn chương của Vũ Trọng Phụng đã vượt ra khỏi biên giới từ nửa thế kỷ trước. Và đến bây giờ nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều quốc gia!
Trong di sản đồ sộ mà Vũ Trọng Phụng để lại cho chúng ta, nhiều hình tượng nhân vật đã bước ra khỏi tác phẩm để song hành với cuộc sống như: Xuân Tóc Đỏ, cụ Cố Hồng, ông Văn Minh, bà Phó Đoan, nghị Hách, thị Mịch... Văn phong trào lộng của Vũ Trọng Phụng có khi đáo để có khi chua cay cũng chỉ nhằm phơi bày cái xấu xa, cái điêu ngoa, cái gian trá luôn đe dọa phẩm giá con người. Nếu nói không ngoa, từng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có thể khám phá và triển khai một luận văn tiến sĩ đầy đặn và bổ ích. Tuy nhiên, sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng được dựng xây trên ba cái trụ lớn là ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê đều công bố lần đầu tiên vào năm 1936!
Tiểu thuyết Giông tố phê phán những bất công và thối nát trong xã hội thực dân nửa phong kiến, trực tiếp chỉ ra bộ mặt đểu cáng của những kẻ đang chiếm giữ lợi thế nhất thời. Tiểu thuyết Số đỏ lên án thói trưởng giả đua đòi và cảnh báo sự lưu manh hóa của thị dân. Tiểu thuyết Vỡ đê phản ánh cơ cực của những người dân chân lấm tay bùn và lên tiếng bênh vực cho những người lương thiện.
Được mệnh danh là "vua phóng sự Bắc kỳ", những trang viết Đời cạo giấy, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Vẽ nhọ bôi hề hay Lục xì vẫn được xem như cẩm nang cho nhiều thế hệ cầm bút. Điều mà hậu sinh phải học hỏi và noi gương Vũ Trọng Phụng là thái độ thẳng thắn và sòng phẳng hiện rõ trong từng đánh giá. Và tâm tư của Vũ Trọng Phụng đến hiện tại vẫn còn nguyên giá trị để độc giả suy ngẫm. Trong tác phẩm Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng nhắc nhở: "Nếu ở đời này, trong tình bằng hữu còn thấy có dây những vết nhơ bẩn của tài lợi, trong nhiều cuộc hôn nhân còn thấy có cái tính cách buôn bán, và trong mọi sự buôn bán vẫn còn có nhiều mặt trái thì trong sự cờ bạc có lẽ mọi ngón bịp chỉ là lẽ rất tự nhiên".
Có một giai đoạn, vì tầm nhìn hạn chế, người ta vu cho văn chương Vũ Trọng Phụng là "dâm thư" và có hành vi cực đoan với tác phẩm của ông. Từ ngày đất nước thống nhất và mở cửa hội nhập, những đóng góp của Vũ Trọng Phụng lại lay động trái tim người Việt Nam.
Hội thảo văn chương quy mô nhất ngay sau đổi mới là hội thảo về Vũ Trọng Phụng, được tổ chức ngày 6/12/1987 tại TP HCM và tiếp tục tổ chức ngày 31/12/1987 tại Hà Nội. Và từng ngày, công chúng lại chứng kiến tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được chuyển thể sang điện ảnh, chuyển thể sang sân khấu. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng vừa qua, một bộ tem có hình ảnh và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã được phát hành như một cách tôn vinh nhà văn lớn.
Trên thế giới, những nhà văn có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội luôn được thiết lập thành một ngành học riêng. Ở Trung Quốc, người ta đã có ngành Lỗ Tấn học, ngành Kim Dung học thì tại sao giáo dục Việt Nam không thể có ngành Vũ Trọng Phụng học?
Tuy Hòa