Sáng 22/10, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng - người thuộc "thế hệ đầu nguồn" của văn học hiện thực Việt Nam những năm 1930 - 1945 - theo giáo sư Phong Lê, và được đánh giá là nhà văn hiện thực xuất sắc cho tới nay.
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912, mất ngày 13/10/1939. Chỉ có 27 năm sống trên đời với gần 10 năm cầm bút nhưng ông đã để lại cho hậu thế một di sản văn chương lớn: 9 tiểu thuyết, 7 phóng sự dài, 2 vở kịch cùng nhiều truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, bài dịch... Ông là cây bút không ngại vạch trần sự tồi tàn, ung nhọt, lố lăng của xã hội đương thời trước cơ chế thị trường - khi đồng tiền lên ngôi, trào lưu Âu hóa làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống và đạo đức...
Tác giả của "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê", "Cạm bẫy người", "Kỹ nghệ lấy Tây", "Cơm thầy cơm cô"... bằng những tác phẩm của mình, đã khái quát được cả một xã hội đảo điên, bát nháo thông qua lối viết trào phúng, châm biếm, giọng văn góc cạnh. Những nhân vật của Vũ Trọng Phụng như Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Văn Minh... trở thành những tên gọi phổ biến chỉ một số loại người trong xã hội.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng. |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh điểm lại cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó bần hàn, bản thân lại triền miên ốm đau nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn gắng gượng gánh vác gia đình. Ông còn xây dựng được một sự nghiệp văn chương rạng rỡ. Ông đã thẳng tay vạch trần mọi trò vè mánh lới của xã hội đương thời.
Hữu Thỉnh nhận định, có bao nhiêu cái hay nhà văn đưa hết vào tác phẩm để rồi con người ông chỉ còn là sự xơ xác, ốm yếu. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhắc lại lời mà những người bạn đương thời nói về Vũ Trọng Phụng. Nhà văn Ngô Tất Tố sinh thời từng nói: "Ông Phụng tuy chết sớm nhưng tác phẩm của ông vẫn còn sống tới mấy chục năm sau. Thế cũng là thọ lắm rồi". Theo Hữu Thỉnh, một thời kỳ dài, những gì họ Vũ viết tưởng chừng bị lãng quên, người ta tưởng không cần đến Vũ Trọng Phụng nữa. Đến nay, những hiện thực xã hội thời Vũ Trọng Phụng lại như sống dậy, bày ra trước mắt. Những biểu hiện của nó còn rõ rệt hơn, đa dạng hơn, mãnh liệt hơn. Và người ta lại mang Vũ Trọng Phụng ra để nói về những gì ông đã viết, lại tấm tắc mà nuối tiếc: "Giá như Vũ Trọng Phụng còn sống đến ngày nay". Theo Hữu Thỉnh, lễ kỷ niệm 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng là cách để "đón Vũ Trọng Phụng về với chúng ta, để ông hiện diện ở đó, phê phán và bổ sung cho chúng ta".
Nhà nghiên cứu Phong Lê gọi Vũ Trọng Phụng là một gương mặt của thế hệ đầu nguồn, thế hệ vàng gồm các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân... Theo Phong Lê, cái riêng của Vũ Trọng Phụng nằm ở giá trị phê phán sắc sảo, quyết liệt, đi vào mặt tối tăm, tồi tàn, nhơ nhớp, tệ nạn trong xã hội thời đó như tệ cờ bạc, mãi dâm... Cho đến bây giờ, đó vẫn còn là những vấn đề nóng trong xã hội khiến cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có tính chất vĩnh cửu. Nhà nghiên cứu Phong Lê nhắc tới án oan của Vũ Trọng Phụng từ năm 1939 đến 1989 khi ông bị quy kết là đi vào tự nhiên chủ nghĩa với lối viết kích động bản năng con người. Cho đến ngày 12/10/1989, khi Viện Văn học tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Vũ Trọng Phụng ở Văn Miếu (Hà Nội), trong không khí đổi mới, trước yêu cầu nhận thức và thẩm định lại các giá trị của quá khứ thì Vũ Trọng Phụng mới trở lại trên văn đàn. Theo Phong Lê, Vũ Trọng Phụng trở lại như một gương mặt xuất sắc của văn học hiện thực và văn học Việt Nam nói chung với "gam màu chói gắt trong bức tranh nhiều góc khuất". Những tác phẩm của họ Vũ hướng tới một điều đó là "không có gì ngoài sự thật".
Ôn lại về nghiệp văn của Vũ Trọng Phụng, giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, Vũ Trọng Phụng là người "gặp thời". Ông viết vào thời buổi thành thị đã hình thành với đầy đủ cục diện, hiện trạng của nó. Thời cuộc đầy đủ tốt xấu, sôi nổi cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, văn hóa đô thị phát triển nảy sinh nhiều hệ lụy. Lớn lên gặp thời buổi nhố nhăng, "trời cho thời và tài năng tiếp nhận cái thời đó" đã mang đến thành công cho Vũ Trọng Phụng. Nhà nghiên cứu cho rằng, Vũ Trọng Phụng thành công khi viết về đề tài đô thị Hà Nội. Các tác phẩm của ông đạt giá trị ở chỗ đi vào các vấn đề đô thị hóa, Âu hóa, tha hóa và nhân quyền với sự thương cảm con người. Về mặt nghệ thuật, Vũ Trọng Phụng xây dựng tiểu thuyết đa tuyến, nhiều hình thái, xây dựng được "siêu tiểu thuyết" như "Số đỏ", "siêu nhân vật" như Xuân Tóc Đỏ. Và chi tiết, ngôn từ cũng làm nên giá trị tác phẩm của ông.
Bút tích "Vỡ đê" của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh: MyLy. |
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân nói về việc giữ gìn di sản của Vũ Trọng Phụng và cho rằng còn không ít tác phẩm chưa sưu tầm hết. Mới đây, Lại Nguyên Ân phát hiện ra các bài tạp văn ký bút danh Ngọa Triều của Vũ Trọng Phụng viết năm 1936 khi tham gia nhóm Hà Nội báo - một nhóm văn chương đối đầu với Tự lực văn đoàn thời kỳ đó. Lại Nguyên Ân cũng viện dẫn cuốn tiểu thuyết "Quý phái" của Vũ Trọng Phụng đến nay mới chỉ tìm được 4 chương, khuyến khích sưu tầm các bản thảo lưu lạc của nhà văn.
Ông Nguyễn Bá Đạo, người cùng làng Vũ Trọng Phụng có mặt tại buổi lễ kỷ niệm kể về đám cưới của nhà văn mà ông từng chứng kiến. Nhà nghèo nhưng đám cưới Vũ Trọng Phụng cũng có xe ôtô do chính nhà văn Nguyễn Tuân đi thuê, có áo the khăn xếp.
Qua đời từ rất sớm nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn còn sống chính bởi tính hiện đại trong cách nhìn nhận và miêu tả hiện thực. Nó là câu chuyện của hôm qua nhưng cũng là những gì đương xảy ra và chưa mất tính thời sự. Và như thế, Vũ Trọng Phụng còn sống mãi trên văn đàn. Lễ kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng nhấn mạnh thêm một lần thực tế đó.
Hà An