Biến cố ở tạp chí Charlie Hebdo tại Paris hôm qua được nhận định là vụ khủng bố được lên kế hoạch kỹ càng và mang tính chất quân sự. Giới học giả cho rằng, vụ việc này sẽ làm gia tăng hơn nữa mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa phương Tây và Hồi giáo.
"Đây là thời điểm nguy hiểm với xã hội châu Âu", New York Times dẫn lời ông Peter Neumann, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Chủ nghĩa cực đoan, cho biết. "Đây là kết quả của thái độ cực đoan tăng dần trong cộng đồng người ủng hộ các tổ chức thánh chiến và tầng lớp trung lưu ngày càng bất mãn với giới tinh hoa".
Học giả người Pháp Olivier Roy cho rằng vụ tấn công Charlie Hebdo là vụ khủng bố kinh hoàng nhất diễn ra trên lãnh thổ nước Pháp từ sau chiến tranh Algeria (1954-1962), đánh dấu bước ngoặt về cả số lượng nạn nhân và tính chất vụ việc. "Đây là vụ tấn công nhằm tối đa hóa các tác động. Họ làm điều này để gây sốc trong công chúng và dường như là đã đạt được mục tiêu", chuyên gia này nói.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Francois Heisbourg nhận định rằng đợt tấn công hôm qua có tính chất quân sự, gợi nhớ đến vụ đánh bom khủng bố tại Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 7/2011, do nhóm vũ trang Indian Mudjahideen (IM) thực hiện.
Pháp hôm qua lập tức ban bố tình trạng báo động ở mức cao nhất, nhưng cũng không thể xua đi tâm lý sợ hãi của công chúng về một vụ khủng bố thứ hai tái diễn. "Chúng tôi cảm thấy vô cùng thiếu an toàn", anh Didier Cantat, một người dân Paris 34 tuổi, chia sẻ. "Sự việc đã diễn ra hôm nay, thì có thể sẽ tái diễn trong tương lai, thậm chí là còn tồi tệ hơn nữa".
Người thanh niên này cũng cho biết vụ khủng bố Charlie Hebdo sẽ dấy lên thái độ chống người nhập cư, đặc biệt là với người theo đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo tại Pháp được ước tính là có số lượng lớn nhất châu Âu. "Chúng tôi được dạy rằng đạo Hồi là vì Allah, là vì hòa bình. Nhưng với các chiến binh jihad, tôi không thấy hòa bình đâu, mà chỉ có thù hận", Cantat nói.
Tạp chí Charlie Hebdo từng bị tấn công vào năm 2011, sau khi đăng bức biếm họa về đấng tiên tri Mohammad. Dòng tweet mới nhất của tạp chí này là bức biếm họa về thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS)Abu Bakr al-Baghdadi.
Vụ khủng bố hôm qua cũng khiến một số người Hồi giáo tại Pháp tức giận. "Tôi là người Arab và theo đạo Hồi, nhưng tôi ủng hộ các gia đình, các nhà báo và những người liên quan", chị Ilhem Bonik, người nhập cư gốc Tunisia, cho biết. "Đây là hành vi chống lại đạo Hồi".
Anh Arnaud N’Goma, một nhân viên ngân hàng 26 tuổi, cũng cho rằng vụ tấn công sẽ làm xấu hình ảnh của đạo Hồi. "Một số người khi nghĩ về chủ nghĩa khủng bố, là liên tưởng ngay đến đạo Hồi", anh nói.
Cùng chung quan điểm trên, anh Samir Elatrassi cho biết tâm lý sợ đạo Hồi sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết và người dân sẽ coi người Hồi giáo bình thường như những kẻ khủng bố. "Điều này chỉ làm lợi cho các tổ chức chính trị cực hữu", Elatrassi nói.
Tâm lý chống đạo Hồi
Các tổ chức chính trị cực hữu tại châu Âu nói chung và tại Pháp nói riêng có thái độ chống người dân nhập cư và coi đạo Hồi là mối đe dọa với giá trị quốc gia. Tại Pháp, đảng Mặt trận Dân tộc, tổ chức chính trị cực hữu, đang trỗi dậy mạnh mẽ. Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng, là người cổ súy mạnh mẽ cho tư tưởng coi đạo Hồi là sự đe dọa với các giá trị và chủ quyền quốc gia Pháp.
"Le Pen đi khắp nơi và rao giảng về mối đe dọa lớn đến từ đạo Hồi và cho rằng Pháp không nên tham gia vào cuộc chiến tại Iraq, mà thay vào đó hãy bảo vệ quê hương", ông Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, cho biết. "Vụ tấn công này là hũ mật ngọt cho đảng Mặt trận Dân tộc".
Tại Thụy Điển mới đây cũng xảy ra ba vụ tấn công vào đền thờ Hồi giáo; đảng Dân chủ có tư tưởng chống Hồi giáo giành được 15% sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất.
Tại Đức, tổ chức Những người yêu châu Âu chống Hồi giáo (Pegida) đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn chống dân nhập cư và sự phát triển của đạo Hồi tại thành phố Dresden, miền đông quốc gia này.
Trong khi đó, tại Anh, nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn, đảng Độc lập kêu gọi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), để kiếm soát chặt chẽ hơn vấn đề dân nhập cư, điều mà đảng này cho là mối đe dọa đến giá trị và bản sắc nước Anh.
"Phần lớn xã hội châu Âu tiềm ẩn tâm lý chống Hồi giáo, các tổ chức như trên đang dần lớn mạnh và chiếm vai trò lớn hơn", chuyên gia Neumann bình luận. "Nếu như các vụ việc như hôm qua xảy ra nhiều hơn, thì xã hội châu Âu sẽ càng trở nên phân cực hơn nữa trong những năm sắp tới".
Chuyên gia này cho rằng nhóm người chịu thiệt nhiều nhất trong cuộc xung đột văn hóa này là cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu. "Những người theo đạo Hồi bình thường đang phải nỗ lực để duy trì cuộc sống tại châu Âu", ông nói.
Đức Dương