Poon Hiu-wing, 19 tuổi, nói với mẹ rằng cô sẽ đi Đài Loan ngày 8-17/2/2018 với bạn, nhưng không cho biết người đồng hành là ai. Rạng sáng 17/2/2018, mẹ của Poon nhận được tin nhắn từ con gái, thông báo rằng cô sẽ về Hong Kong vào tối hôm đó. Tuy nhiên, cô gái không bao giờ trở về.
Người mẹ trình báo cảnh sát Hong Kong rằng con gái mất tích, còn cha cô đến Đài Loan xin giới chức địa phương giúp đỡ để tìm kiếm con gái.
Người đi cùng Poon đến Đài Loan là bạn trai Chan Tong-kai, 21 tuổi. Hai người quen nhau vào tháng 7/2017 khi làm việc bán thời gian cho cùng một công ty và bắt đầu hẹn hò một tháng sau. Đầu tháng 12/2017, Poon nói với Chan rằng cô đã mang thai 5 tuần, khi Chan đặt phòng và trả tiền cho chuyến đi Đài Loan.
Cảnh sát Hong Kong thẩm vấn Chan vào ngày 13/3/2018 sau khi phát hiện một số giấy tờ của Poon ở căn hộ của anh ta. Chan nói với các nhà điều tra rằng anh ta và bạn gái đã nghỉ tại khách sạn Vườn Tím ở quận Đại Đồng, Đài Bắc. Hai người cãi nhau về cách xếp hành lý sau khi mua một chiếc vali màu hồng từ chợ đêm ngày 16/2/2018. Họ làm hòa và quan hệ tình dục nhưng lại cãi nhau vào 2h sáng 17/2/2018.
Chan nói rằng Poon khi đó tiết lộ rằng cô mang thai với bạn trai cũ và cho anh ta xem video cô quan hệ với người đàn ông khác. Chan nổi giận, đập đầu Poon vào tường, siết cổ và vật lộn với cô trên sàn nhà khoảng 10 phút cho đến khi cô qua đời. Chan sau đó nhét thi thể vào vali, đóng gói đồ đạc của Poon và đi ngủ.
7h ngày 17/2/2018, Chan thức dậy, vứt bỏ đồ đạc của Poon tại một số điểm thu rác gần khách sạn. Camera giám sát của khách sạn ghi lại hình ảnh Chan rời khỏi tòa nhà với một chiếc vali có vẻ nặng. Sau đó, anh ta ngồi tàu qua 15 trạm và phi tang thi thể tại một bụi cây ở công viên gần nhà ga Trúc Vy ở ngoại ô Đài Bắc.
Chan vứt bỏ chiếc vali rỗng và những đồ đạc còn lại của Poon, ngoại trừ điện thoại, máy ảnh kỹ thuật số và thẻ ATM. Sử dụng mật khẩu của Poon, Chan rút 20.000 đôla Đài Loan (647 USD) để mua quần áo, nhưng anh ta sau đó đổi ý, không đi mua sắm mà bắt chuyến bay về Hong Kong đêm 17/2/2018. Trong hai ngày sau đó, Chan sử dụng thẻ ATM của Poon để rút 19.200 đôla Hong Kong (2.450 USD) nhằm thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng của mình.
Ngày 13/3/2018, giới chức Đài Loan tìm thấy thi thể của Poon. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cô đang mang thai ba tháng. Cảnh sát Đài Loan phát lệnh truy nã Chan với tội giết người.
Cảnh sát Hong Kong bắt Chan vào ngày 13/3/2018 và truy tố anh ta với tội danh rửa tiền vì đã rút tiền trái phép từ thẻ ngân hàng của bạn gái.
Dù Chan thú nhận tội giết người, cảnh sát Hong Kong không thể bàn giao anh ta cho Đài Loan để thẩm vấn và điều tra vì không có thỏa thuận dẫn độ giữa hai bên. Vì rào cản này, nhà chức trách Hong Kong không thể tiếp cận chứng cứ giết người còn cảnh sát Đài Loan không thể thẩm vấn được nghi phạm.
Chan hồi tháng 4 nhận tội rửa tiền và bị kết án 29 tháng tù. Vì Chan đã bị giam 13 tháng kể từ khi bị bắt, bản án sẽ kết thúc vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, Chan có khả năng được phóng thích vào tháng 10 năm nay do tù nhân cải tạo tốt có thể được giảm 1/3 bản án.
Vụ án này đã thôi thúc giới chức Hong Kong thúc đẩy dự luật cho phép bàn giao nghi phạm ở Hong Kong cho các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ như Trung Quốc đại lục hay đảo Đài Loan. Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong duy trì hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với Trung Quốc đại lục.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho rằng dự luật sẽ khiến Chan Tong-kai bị trừng phạt thích đáng và có thể bít lại "lỗ hổng" khiến thành phố trở thành "thiên đường" cho các tội phạm từ Trung Quốc đại lục tới đây ẩn náu.
Giới chức Hong Kong nhiều lần nhấn mạnh không phải mọi yêu cầu dẫn độ đều tự động được đáp ứng nếu dự luật này đi vào hiệu lực. Các thẩm phán Hong Kong sẽ đóng vai trò như "người gác cổng", quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không và bị cáo có thể kháng cáo. Dự luật dẫn độ chỉ được áp dụng cho tội ác nghiêm trọng và loại trừ một số tội danh kinh tế như gian lận chứng khoán, trốn thuế, cung cấp thông tin thương mại sai lệch hay xâm nhập máy tính. Bà Lam và các đồng minh khẳng định bất kỳ ai có nguy cơ bị đàn áp chính trị, tôn giáo, tra tấn, xử tử sẽ không bị dẫn độ.
Tuy nhiên, nhiều người Hong Kong phản đối dự luật, bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục. Hai đợt biểu tình lớn được tổ chức nhằm kêu gọi chính quyền xóa bỏ dự luật, dẫn đến những vụ đụng độ bạo lực với cảnh sát.
Chính quyền Hong Kong đã phải hoãn thảo luận về dự luật sau khi người biểu tình ngày 12/6 chặn các lối vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Đài Loan cũng phản đối dự luật vì cho rằng nó khiến cư dân của họ gặp rủi ro khi đến Hong Kong. Trong khi đó, Bắc Kinh ủng hộ quan điểm của chính quyền Hong Kong và cáo buộc thế lực nước ngoài kích động biểu tình.
Phương Vũ (Theo SCMP)