Theo Fortune, Nvidia đã từ bỏ việc mua ARM từ SoftBank Group do sức ép từ các cơ quan quản lý. Tháng trước, Bloomberg cũng đưa tin Nvidia khi đó đang chuẩn bị dừng thoả thuận trị giá 40 tỷ USD với ARM. Công ty thiết kế chip và chủ sở hữu SoftBank nhận được 2 tỷ USD từ Nvidia, trong đó có 1,25 tỷ USD là phí "chia tay". Nguồn tin của Financial Times cũng xác nhận thương vụ kết thúc vào ngày 7/2.
Trước đó, từ tháng 9/2020, Nvidia thông báo kế hoạch mua ARM với giá 40 tỷ USD, trong đó có 21,5 tỷ USD cổ phiếu và 12 tỷ USD tiền mặt. Số còn lại được trả bằng tiền hoặc cổ phiếu tùy hiệu quả kinh doanh của công ty trong tương lai. ARM sẽ hoạt động như một bộ phận riêng của Nvidia, vẫn đặt trụ sở tại Anh và tiếp tục vận hành mô hình cấp phép mở, đồng thời duy trì tính trung lập với khách hàng toàn cầu.
Tuy nhiên kế hoạch này liên tục bị các cơ quan quản lý phản đối. Cuối tháng 10/2021, Uỷ ban châu Âu EC mở cuộc điều tra do lo ngại việc sáp nhập có thể hạn chế quyền truy cập vào các thiết kế chip trung lập của ARM, dẫn đến giá cao, giảm sự lựa chọn và giảm sự đổi mới trong ngành bán dẫn.
ARM có nguồn gốc từ công ty Acorn của Anh và được SoftBank mua lại với giá 31 tỷ USD vào năm 2016. Không như các công ty sản xuất chip xử lý khác như AMD, Intel, Motorola hay Hitachi, ARM chỉ thiết kế và bán chip thay vì tạo vi mạch CPU, GPU hoàn chỉnh.
Kiến trúc ARM được rất nhiều công ty bán dẫn trên thế giới mua bản quyền, trong đó có Apple, Samsung, Qualcomm... Một số công ty lớn gần đây bắt đầu chuyển sang dùng chip ARM, như máy tính Surface của Microsoft, hay Apple cũng có kế hoạch sử dụng chip này cho máy Mac.
Nvidia là một trong những nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu thế giới, đồng thời đang tập trung vào các lĩnh vực như GPU, ôtô tự lái và AI những năm qua. Tuy nhiên, công ty chưa ghi dấu ấn ở mảng thiết kế CPU hoặc phần cứng di động ngoài dòng chip Tegra được sử dụng trong các thiết bị chơi game, như Nintendo Switch.
Theo Fortune, thương vụ đổ bể gần như không ảnh hưởng đến Nvidia, trong khi ARM sẽ không còn nhận được hậu thuẫn từ gã khổng lồ chip và có thể đối mặt thách thức mới.
Khương Nha (theo Fortune)