"Sự kiện mới đây tại Sepang đã gây ra những tác hại lớn khi xáo trộn cuộc đua và đầu độc bầu không khí xung quanh môn đua xe hai bánh. Chúng ta đang làm mất đi truyền thống rất đỗi tự hào về tinh thần thượng võ vốn là di sản bấy lâu nay của môn thể thao này", Chủ tịch FIM Vito Ippolito nói hôm qua 3/11.
Vụ va chạm giữa tay đua từng bảy lần vô địch thể thức MotoGP Valentino Rossi (đội Yamaha) và thần đồng 22 tuổi Marc Marquez trong khuôn khổ GP Malaysia hôm 25/10 khiến làng đua xe thể thao dậy sóng. Hàng loạt cuộc khẩu chiến, bút chiến đã diễn ra, trên cả kênh thông tin chính thức, lẫn mạng xã hội, từ phía các tay đua, đội đua chủ quản cũng như các cổ động viên và nhiều chuyên gia.
Trong khi Repsol Honda và Marquez đổ lỗi Rossi hành xử nguy hiểm và không đáng mặt đàn anh, tay đua người Italy và Yamaha lại cho rằng Marquez là kẻ xấu chơi trước và không tôn trọng đối thủ. Bất kể đúng hay sai, danh tiếng của Rossi chắc chắn sẽ sứt mẻ đáng kể sau scandal đạp đối thủ đàn em vừa qua. Marquez, sau cuộc đua ở Sepang, thì nói rằng anh rất thất vọng với hành động của Rossi trên đường đua và trong phòng nghỉ sau cuộc đua.
Trong mắt lượng fan khổng lồ của anh trên khắp thế giới, Rossi được coi như một người hùng vô tội, trước một gã trẻ tuổi lếu láo và hiếu chiến là Marquez. Vì thế, dù Rossi đã bị phạt sau vụ việc ở Sepang vì có hành động gây nguy hiểm, mất an toàn và điều đó phần nào làm mất đi hình ảnh một tay đua huyền thoại, trên các trang mạng xã hội, nhiều CĐV cho rằng tay đua Italy đã hành xử đúng tại Sepang. Còn Marquez thì bị cho là liên tục chơi xấu và khiêu khích đàn anh, để giúp đỡ đồng hương Jorge Lorenzo. Nhiều ý kiến cực đoan còn cho rằng chính Marquez mới là người có lỗi và cố tình áp sát chiếc M1 của đàn anh để “ăn vạ”.
Ippolito vì thế phải nhắc nhở các tay đua về ý thức trách nhiệm của họ với cộng đồng, với tôn chỉ của làng MotoGP: "Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân. Nhưng những lời nói và hành động đó đều có thể gây hậu quả. Các tay đua đều phải nhận thức rõ điều này. Mỗi tay đua đều có hàng nghìn người hâm mộ dõi theo, lắng nghe lời nói và hành động của họ. Vì thế, chúng tôi đều quan tâm tới họ không chỉ ở thể thức MotoGP, mà còn ở các giải đua khác để đảm bảo họ là tấm gương tốt nhất để phản ánh tinh thần thượng võ của môn đua xe motor vốn có và cũng là cái đích mà chúng tôi hướng tới".
"Trách nhiệm giám sát, giữ gìn sự trong sáng và tinh thần thượng võ là thuộc về tất cả mọi người, các đội đua và những nhà tài trợ. Dù đúng hay sai, họ cũng không nên đẩy mâu thuẫn đến mức cực điểm. Như vậy, họ đang gây hại lớn tới môn thể thao này, cũng như toàn thể cộng động và làm ảnh hưởng tới những mục đích tốt đẹp mà chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người", Ippolito nhấn mạnh.
"Các tay đua, đội đua, nhà sản xuất và những nhà tài trợ không những cần tôn trọng các quy tắc, luật lệ đã có mà còn cần chấp nhận những quyết định của nhà quản lý, dù có ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân. Nếu không họ đang góp phần đẩy môn thể thao này vào tình trạng vô chính phủ và hủy hoại quá trình phát triển và tương lai của MotoGP", chủ tịch FIM nói thêm khi nhắc đến việc Rossi kháng án kỷ luật từ vụ va chạm với Marquez.
Minh Phương