Vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ phơi bày nhiều bí mật
![]() |
Trụ sở Công ty Enron tại Houston. |
Enron được thành lập vào năm 1985, với doanh thu đến 101 tỷ USD trong năm 2000. Họ từng là tập đoàn năng lượng hùng mạnh nhất của Mỹ, hoạt động ở trên 40 nước và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Tổng thống Bush. Thế nhưng, qua nhiều vụ làm ăn man trá, hối lộ, hiện nay các khoản nợ lên đến 15 tỷ USD và công ty hoàn toàn mất khả năng chi trả.
Trước sức ép của các cơ quan điều tra và dư luận Mỹ, Nhà Trắng hôm 10/1 đã thừa nhận, trước khi Công ty Năng lượng Enron sụp đổ, Tổng giám đốc điều hành Kenneth Lay đã tới cầu cứu Bộ trưởng Ngân khố Paul O'Neill và Bộ trưởng Thương mại Don Evans. Song hai ông này quyết định không can thiệp.
Nghị sĩ Henry Waxman tỏ ý bất bình trước thông tin trên: “Rõ ràng Nhà Trắng biết trước việc Enron sắp rớt xuống bờ vực thẳm nhưng lại cố tình phớt lờ, không làm gì để bảo vệ nhân viên và cổ đông của công ty, những người đã mất đi khoản tích cóp cả đời”.
Mối liên hệ chồng chéo
Một loạt tiết lộ mới đã đổ thêm dầu vào đám lửa Enron khi Nhà Trắng thừa nhận những liên hệ chặt chẽ giữa Tổng giám đốc điều hành Kenneth Lay với nhiều thành viên nội các của Tổng thống Bush.
Trung tâm Hội nhập Công cộng (Public Integrity) cho biết, Enron đã góp 500.000 USD cho các hoạt động chính trị của Bush từ khi ông ta bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử chức thống đốc bang Texas. Gần đây nhất hôm 16/10/2001, khi không khí khủng hoảng đang bao trùm lên Enron, công ty vẫn đưa 60.000 USD cho Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa. Các cố vấn kinh tế thân cận nhất của Bush như Larry Lindsey và Robert Zoellick... từng làm cố vấn cho Enron. Lindsey đã nhận 50.000 USD, trong khi nhân vật hoạch định chiến lược chính trị hàng đầu của Bush, Karl Rove, có cổ phần trong công ty nhưng đã kịp bán lấy 68.000 USD từ tháng 6 năm trước.
Phó tổng thống Dick Cheney, dưới áp lực của quốc hội, cũng thừa nhận ông và các phụ tá đã có 6 cuộc gặp với các giám đốc điều hành của Enron trong năm 2001. Tuy nhiên, ông ta cam đoan rằng, cuộc gặp chỉ để bàn thảo về chính sách năng lượng chứ không phải tài chính.
Tổng thống Bush thì khẳng định, ông chỉ biết về chuyện làm ăn của tập đoàn Enron cùng lúc với mọi người khi đã nhận được công bố phá sản chính thức.
Vụ việc còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng Mỹ khi Tổng chưởng lý John Ashcroft ngày 10/1 tự mình rút lui khỏi cuộc điều tra Enron, với lý do hãng đã tài trợ 61.000 USD khi ông chạy đua vào Thượng viện. Toàn bộ văn phòng Houston của Bộ Tư pháp cũng không tham gia điều tra vụ này bởi có một số liên quan với Enron. Trong khi đó, công ty kiểm toán của Enron, Arthur Andersen, lại tuyên bố hàng nghìn trang tài liệu liên quan tới sự sụp đổ của gã khổng lồ này đã bị phá hủy.
Chính phủ Mỹ ra tay
Đáp lại những tranh cãi ngày một gay gắt sau vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ, Tổng thống Bush yêu cầu Ủy ban Ngân sách xem xét lại những quy tắc điều chỉnh quỹ hưu trí của Enron. “Chính quyền sẽ điều tra rõ những vụ việc như trường hợp của Enron, để chắc chắn chúng ta có thể học được gì đó từ quá khứ và quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm”, ông Bush tuyên bố.
Trong nhiều năm làm việc, hàng nghìn nhân viên Enron đã được trả công bằng cổ phiếu và bị ràng buộc bằng điều kiện không được bán đi cổ phần của mình trong công ty. Với những lời hứa hẹn hấp dẫn, không ít người đã dồn hết số tiền tích cóp cả đời mình bỏ vào công ty.
"Đây là bài học đau đớn về kinh nghiệm chớ nên bỏ trứng một giỏ. Tôi đã đầu tư 60% số tiền mình có và sắp cầm một nắm giấy lộn trong tay", ông Boyce, một nhân viên hưu trí 67 tuổi sống tại Minneapolis cho biết. Ông Boyce hiện sở hữu 26.000 cổ phiếu của Enron, cuối năm ngoái có giá 2 triệu USD nhưng nay chỉ còn dưới 10.000 USD.
Hiện Quốc hội Mỹ tiếp tục điều tra về hoạt động đầu tư của Enron cho tới ngày 24/1. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng sẽ lật lại tài liệu để điều tra các vụ làm ăn dối trá, tập trung làm rõ liệu Enron có sử dụng các phương tiện đầu tư mờ ám để che giấu bê bối tài chính dẫn tới việc phá sản công ty. Cuộc điều tra được chỉ đạo từ Washington nhưng có các công tố viên nhiều bang trên khắp nước Mỹ tham gia.
Phong Lan (theo BBC, ABC, Reuters)