Mata Hari có tên khai sinh là Margaretha Geertruida Zelle. Sinh ngày 7/8/1876 tại Leeuwarden, Hà Lan, Zelle nổi bật với mái tóc và đôi mắt đen, khác biệt so với bạn bè. Bố Zelle là chủ một tiệm bán mũ, khá giàu có và rất yêu thương con gái.
Cuộc sống của Zelle sớm vấp phải khó khăn. Cha cô phá sản vào năm 1889, bố mẹ ly hôn và mẹ cô qua đời năm 1891. Cha cô tái hôn năm 1893 và gửi Zelle cùng các anh chị em cô đến sống với người cha đỡ đầu Visser.
Cô bị cho là có mối quan hệ tình ái với hiệu trưởng tại ngôi trường ở Leiden, nơi cô đang theo học để trở thành giáo viên mầm non. Visser cho Zelle dừng học và cô bỏ trốn đến sống với người chú ở The Hague. Zelle 16 tuổi vào thời điểm đó, nên các nhà sử học tin rằng cô có thể đã bị lạm dụng tình dục.
Ở tuổi 18, cô phải lòng người lính Hà Lan 39 tuổi Rudolf MacLeod. Hai người kết hôn năm 1895 và chuyển đến sống tại đảo Java, Indonesia, vào thời điểm đó là thuộc địa mang tên Đông Ấn Hà Lan. Cô đã nghiên cứu sâu về văn hóa Indonesia trong nhiều tháng và gia nhập một vũ đoàn địa phương.
Nhưng số phận lại tiếp tục thử thách cô. MacLeod thường xuyên uống rượu và có nhân tình, khiến cô vô cùng đau buồn. Cặp đôi có hai con, cả hai đều lâm bệnh nặng vào năm 1899. Con trai họ qua đời khi mới hai tuổi, chỉ con gái sống sót.
Sau cái chết của con trai, MacLeod rời quân đội, cặp đôi trở về Hà Lan và ly hôn vào năm 1902. Thời gian đầu, con gái chủ yếu ở với mẹ nhưng Zelle gặp khó khăn khi tìm việc bởi có rất ít việc làm dành cho phụ nữ. Không có tiền nuôi con, Zelle phải đưa ra quyết định khó khăn. Cô giao con gái cho chồng cũ và chuyển đến Paris, Pháp vào năm 1903.
Zelle vật lộn kiếm sống tại Pháp. Từ dạy piano đến dạy tiếng Đức, cô cố gắng kiếm tiền bằng mọi cách có thể. Năm 1904, Zelle thú nhận trong một lá thư rằng cô đã phải chuyển sang bán dâm để trang trải cuộc sống. Cô cũng làm người mẫu cho các họa sĩ.
Một người bạn đề nghị Zelle làm vũ công, công việc thay đổi cuộc đời cô. Đến năm 1905, cô không chỉ đạt được thành công trong nghề nghiệp mới mà còn tạo dựng được thân phận mới.
Tự nhận mình là nghệ sĩ Ấn Độ giáo, con gái một vũ công đền thờ Ấn Độ hay một người châu Âu sinh ra ở đảo Java, cô lấy nghệ danh "Mata Hari", có nghĩa là "con mắt ban ngày" trong tiếng Mã Lai.
Cô thu hút được đám đông hâm mộ vì biểu diễn những màn múa khêu gợi dưới các mác "vũ điệu thiêng". Phân đoạn nổi tiếng nhất trong màn trình diễn của cô là dần dần cởi bỏ trang phục cho đến khi chỉ mặc áo ngực nạm đá quý và một số đồ trang trí trên cánh tay và đầu, thậm chí để lộ cả vùng kín. Sau khi ra mắt ở Paris, cái tên Mata Hari đã được biết đến khắp châu Âu.
Hầu hết người châu Âu thời đó không biết nhiều về Đông Ấn Hà Lan nên những tuyên bố của Mata Hari về xuất thân được tin là thật. Màn biểu diễn của cô thành công vì nó đã nâng điệu nhảy thoát y lên vị thế cao hơn là "giáo dục" khán giả về một nền văn hóa và lối sống khác. Cô tạo dáng chụp ảnh gợi cảm và hòa mình vào giới giàu có.
Đến năm 1910, nhiều vũ công khác bắt đầu bắt chước cô. Ban đầu Mata Hari được coi là nghệ sĩ phóng khoáng nhưng nhiều nhà phê bình sau đó chỉ trích cô theo đuổi chủ nghĩa phô diễn rẻ tiền và thiếu giá trị nghệ thuật. Sự nghiệp của Mata Hari sa sút sau năm 1912. Ngày 13/3/1915, cô thực hiện màn biểu diễn cuối cùng.
Cô đã có mối quan hệ tình ái với nhiều sĩ quan quân đội cấp cao, chính trị gia và người có ảnh hưởng ở nhiều quốc gia. Điều đó dẫn đến bi kịch cho Mata Hari khi Thế chiến I nổ ra.
Thế chiến I bắt đầu từ tháng 7/1914 đến tháng 11/1918, giữa Khối Hiệp ước gồm Pháp, Anh, Nga cùng các nước khác với Liên minh Trung tâm gồm Đức, Áo-Hung, Đế quốc Ottoman và các nước khác.
Do Hà Lan có lập trường trung lập, Hari không gặp khó khăn khi đi lại giữa các quốc gia. Mata Hari có mối tình mãnh liệt với Đại úy Vadim Maslov, phi công người Nga 23 tuổi phục vụ cho người Pháp. Maslov thuộc Lực lượng Viễn chinh Nga gồm 50.000 người được gửi đến Mặt trận phía Tây vào mùa xuân năm 1916.
Mùa hè năm 1916, Maslov bị thương trong trận không chiến với quân Đức, khiến Mata Hari phải xin phép đến thăm người yêu tại bệnh viện ở gần mặt trận. Các đặc vụ Phòng Nhì, cơ quan tình báo quân sự Pháp, ra điều kiện rằng cô sẽ được phép gặp Maslov nếu đồng ý làm gián điệp cho Pháp.
Trước Thế chiến, Mata Hari đã vài lần biểu diễn trước Thái tử Đức Wilhelm, một vị tướng trên Mặt trận phía Tây. Phòng Nhì tin rằng cô có thể quyến rũ Thái tử để lấy được bí mật quân sự và hứa thưởng cho cô một triệu franc nếu cung cấp được thông có giá trị. Tuy nhiên, Thái tử Wilhelm thực tế đóng vai trò rất ít trên chiến trường, hình ảnh của ông là do chính phủ Đức tô vẽ để lấp đi những tin tức xấu.
Cuối năm 1916, Mata Hari đến Madrid, gặp tùy viên quân sự Đức Arnold Kalle và nhờ ông sắp xếp một cuộc gặp với Thái tử. Trong thời gian này, Mata Hari đã đề nghị chia sẻ bí mật của Pháp với Đức để đổi lấy tiền, mặc dù không rõ cô làm vậy vì lòng tham hay vì cố gắng sắp xếp cuộc gặp với Thái tử Wilhelm.
Tháng 1/1917, Kalle truyền các tin nhắn vô tuyến tới Berlin, mô tả rằng có một điệp viên mang mật danh H-21 đang làm việc cho Đức với những miêu tả trùng khớp với Mata Hari. Phòng Nhì chặn các tin nhắn này và xác định H-21 là Mata Hari.
Thực tế, các tin nhắn này được gửi bằng mật mã mà tình báo Đức biết rằng người Pháp đã giải được. Tình báo Đức thất vọng vì Mata Hari không cung cấp được thông tin đáng giá mà chỉ kể những câu chuyện về đời sống tình dục của các chính trị gia và tướng lĩnh Pháp. Vì vậy, Đức quyết định loại bỏ Mata Hari bằng cách cố tình tạo ra những tin nhắn nói trên để khiến vũ công bị người Pháp bắt.
Tháng 2/1917, Mata Hari bị bắt tại khách sạn ở Paris. Cô bị xét xử ở tòa án binh vào ngày 24/7/1917 với cáo buộc làm gián điệp cho Đức và gây ra cái chết của ít nhất 50.000 binh sĩ, dù họ không thể đưa ra bằng chứng cụ thể.
Pierre Bouchardon, quan chức Phòng Nhì từng phụ trách liên lạc với Mata Hari, lập luận rằng thân phận giả mà cô đã tạo ra chứng minh vũ nữ là kẻ dối trá, lừa lọc. Mata Hari thừa nhận cô đã nhận 20.000 franc từ một người tình cũ là nhà ngoại giao Đức để bù đắp số tài sản đã bị chính quyền Đức tịch thu. Tuy nhiên, Bouchardon khẳng định đây là khoản tiền Đức trả cho cô vì đã làm gián điệp.
Mata Hari bác bỏ điều này, khẳng định cô không cung cấp cho Đức bất kỳ thông tin nào có giá trị. "Tôi là một ả lẳng lơ? Đúng. Nhưng tôi không bao giờ là kẻ phản bội".
"Tôi có những mối quan hệ quốc tế nhờ công việc vũ công, không gì hơn thế. Tôi thực sự không làm gián điệp, thật tệ là tôi không thể tự bảo vệ mình", Mata Hari viết trong lá đơn cầu cứu gửi đại sứ quán Hà Lan tại Paris.
Bất kể Mata Hari có tội hay không, số phận của cô đã an bài. Cô bị xử bắn vào ngày 15/10/1917. Một số nhân chứng kể rằng cô đã hôn gió với đội xử bắn trước khi họ nổ súng.
Các chuyên gia sau này đánh giá Mata Hari là "vật tế thần". Vào năm 1917, quân đội Pháp có lục đục nội bộ và gặp nhiều thất bại trên chiến trường. Vì vậy, họ đã phóng đại vai trò của vũ nữ trong chiến tranh để biến cô thành mục tiêu đổ lỗi.
Nhà sử học Canada Wesley Wark khẳng định Mata Hari chưa bao giờ là một điệp viên quan trọng. Nhà sử học người Anh Julie Wheelwright cho rằng Mata Hari "không tuồn cho cả hai bên bất cứ thông tin gì mà bạn không thể tìm thấy trên báo chí địa phương ở Tây Ban Nha".
Mata Hari thường được miêu tả là một người phụ nữ nguy hiểm, quyến rũ, thao túng đàn ông một cách dễ dàng. Nhưng Norman Polmer và Thomas Allen, hai sử gia người Mỹ, nói rằng cô "ngây thơ và dễ bị lừa, là một nạn nhân của đàn ông".
Mata Hari Foundation, tổ chức Hà Lan nghiên cứu tư liệu về vũ nữ, cho rằng chính phủ Pháp nên minh oan cho cô. "Có thể cô ấy không hoàn toàn vô tội, nhưng rõ ràng cô ấy không phải là điệp viên cao cấp có thông tin khiến hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng như Pháp đã cáo buộc", tổ chức ra tuyên bố.
Vũ Hoàng (Theo ATI)