Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa là ba tòa đại điện nằm ở phần đầu và trung tâm Tử Cấm Thành, nơi ở thời xưa của 24 hoàng đế triều Minh và Thanh. Tử Cấm Thành ngày nay gọi là Cố Cung, có diện tích 720.000 m2, gồm hơn 90 viện lớn nhỏ và hơn 8.700 gian phòng.
Ba tòa đại điện chiếm diện tích 150.000 m2, có điểm chung là không trồng bất cứ cây xanh nào xung quanh. Theo các nhà sử học, quyết định "xóa sổ" cây xanh ở khu vực này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho hoàng đế sau một vụ mưu sát vua nhà Thanh.
Năm Gia Khánh thứ 18 (1813), một nhánh Thiên Lý Giáo của giáo phái Bạch Liên do Lý Thanh cầm đầu nổi dậy ở Hà Nam, Sơn Đông và những nơi khác. Ngày 15/9/1813, Lý Thanh dẫn hơn 200 người cải trang thành thương nhân xâm nhập thành Bắc Kinh để tìm cách giết vua Gia Khánh.
Được sự tiếp tay của một số hoạn quan, nhóm thích khách chia làm hai nhánh, tiến vào từ cổng Tây Hoa và Đông Hoa nhưng chỉ 50 người lọt vào cổng Tây Hoa. Bị đánh bất ngờ, thị vệ hoàng cung không kịp trở tay, tháo chạy tới cổng Long Tông. Quân nổi loạn áp sát cung Càn Thanh, nơi ở của vua Gia Khánh.
Quan binh triều đình đóng chặt cổng Long Tông để cố thủ, khiến quân nổi loạn không vào được. Tuy nhiên, phát hiện hàng cây cao bên ngoài tường hoàng cung, nhóm thích khách leo cây, vượt tường vào trong tìm vua. Hoàng đế Gia Khánh lúc đó đang đi tránh nóng ở ngoài Bắc Kinh nên thoát nạn.
Miên Ninh, con trai thứ hai của Gia Khánh, sau này là hoàng đế Đạo Quang, biết tin liền mang theo súng ngắn, lãnh đạo binh lính đi cứu giá. Hơn 1.000 binh lính mang súng bao vây, tiêu diệt hàng chục thành viên quân nổi loạn, trong đó có thủ lĩnh Lý Thanh.
Trở về Bắc Kinh, Gia Khánh ra lệnh điều tra vụ mưu sát, đồng thời ra lệnh chặt hạ toàn bộ cây quanh khu vực ba đại điện ở Tử Cấm Thành. Kể từ đó, cây cối không tiếp tục được trồng lại ở khu vực này để tránh bị thích khách lợi dụng.
Ngoài ra, cây cối không tiếp tục được trồng ở đây là nhằm phòng ngừa hỏa hoạn, do các tòa nhà trong Cố Cung đều xây bằng gỗ nên rất dễ cháy lan. Cung Diên Hy, một trong các tòa thuộc hậu viện của hoàng đế, từng bị hỏa hoạn thiêu rụi.
Sau khi chặt hạ toàn bộ cây xanh, khung cảnh ở trung tâm Tử Cấm Thành đường như còn làm nổi bật uy nghiêm của hoàng đế. Từ cổng chính Thiên An Môn đi vào, qua Đoan Môn, Ngọ Môn, Thái Hòa Môn, các sân ở giữa đều không có cây, dường như nhằm tạo áp lực cho quần thần trên đường vào bái kiến vua.
Điện Thái Hòa là phần trung tâm của Cố Cung, nơi cử hành các sự kiện quan trọng như lễ đăng quang, hôn lễ của hoàng đế, lễ mừng thọ hay Tết Nguyên đán. Sau Điện Thái Hòa là Điện Trung Hòa, nơi hoàng đế nghỉ ngơi và tiếp quan viên. Cuối cùng là Điện Bảo Hòa, nơi hoàng đế thay hoàng bào hoặc chiêu đãi quần thần.
Một lý do nữa khiến cây xanh vắng bóng ở ba đại điện này là phong thủy, đặc biệt là yếu tố ngũ hành. Cố Cung được coi là thuộc mệnh Kim trong ngũ hành, còn cây thuộc mệnh Mộc tương khắc với nhau, nên không được phép mọc tại đây.
Đan Tùng (Theo Xuexili)