Chương trình biểu diễn của Phương Hồng Thủy được tổ chức tại một phòng trà ở TP HCM. Giữa chương trình, các đồng nghiệp của chị lên sân khấu, tặng bánh kem in hình chị. Vũ Linh thay mặt các nghệ sĩ gửi lời chúc đến Phương Hồng Thủy. "Trong những cô đào tôi từng ca diễn chung, mỗi người có nét duyên riêng, nhưng với Phương Hồng Thủy, tôi luôn diễn tình tứ nhất", Vũ Linh nói.
Trong đêm nhạc, cặp nghệ sĩ song ca trích đoạn "Lan và Điệp" (soạn giả Loan Thảo). Phương Hồng Thủy nhiều lần khóc khi diễn cảnh Lan đau đớn vì biết tin Điệp sắp kết hôn. Ở những đoạn xuống vọng cổ, hai giọng ca được khán giả vỗ tay hưởng ứng.
Phương Hồng Thủy kể Vũ Linh là bạn diễn gắn bó nhất với chị trong sự nghiệp ca hát. Năm 1991, khi giải thưởng Trần Hữu Trang lần đầu được tổ chức, Vũ Linh và Phương Hồng Thủy là hai trong sáu nghệ sĩ được trao huy chương vàng. Họ ghi dấu ấn qua các vở diễn chung như Đèn đêm nhỏ lệ (Thạch Tuyền), Sông dài (Hà Triều - Hoa Phượng), Cô đào hát (Hoàng Song Việt)...
Đầu thập niên 2000, Phương Hồng Thủy lấy chồng, sang Mỹ định cư, họ không còn nhiều dịp gặp gỡ. Song mỗi lần chị về Việt Nam tổ chức đêm nhạc thiện nguyện, Vũ Linh đều sắp xếp thời gian tham dự. Vũ Linh kể Phương Hồng Thủy luôn nặng tình với cải lương quê nhà. "Hầu như năm nào, có năm hai, ba lần, Phương Hồng Thủy cũng về nước làm chương trình tái ngộ khán giả", anh nói.
Từ trái qua: Hữu Quốc, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Vũ Linh mừng sinh nhật Phương Hồng Thủy. Ảnh: Trần Anh Khoa. |
Phương Hồng Thủy tên thật là Đinh Hồng Đào, sinh năm 1960. Cuối thập niên 1980, chị là đào chính của Đoàn cải lương Đồng Nai. Năm 1990, Phương Hồng Thủy về Đoàn Nhân dân Kiên Giang đóng cùng Trọng Hữu, tạo thành cặp song ca được khán giả miền Tây hâm mộ. Năm 1996, Phương Hồng Thủy về Nhà hát Trần Hữu Trang, hát cùng Vũ Linh trong vở Cô đào hát. Năm 2006, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm về nghệ thuật ca diễn tuồng cổ. Năm 1981, ông trở về thành phố, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Năm 1983, ông theo hợp tác với gánh Lâm Đồng đi lưu diễn các tỉnh. Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2 và bắt đầu nổi tiếng. Ông gắn bó với các giọng ca nữ như Tài Linh, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy...
Mai Nhật