‘Vụ kiện tôm có sắc màu bảo hộ’
Hiệp hội các nhà xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) khẳng định, chi phí rẻ chính là nguyên nhân tôm 6 nước bị kiện rẻ hơn tôm Mỹ. |
Theo thông cáo được Amcham gửi tới Chính phủ Mỹ, cơ quan này yêu cầu Washington xem xét lại việc đánh thuế bán phá giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam. “Thuế bán phá giá chẳng khác gì một biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước”, văn bản chỉ rõ.
Phân tích của Amcham khẳng định, dù tôm là mặt hàng hải sản thông dụng nhất được tiêu thụ tại Mỹ, các nhà sản xuất nước này đã yếu thế trên sân nhà khi chỉ chiếm 13% thị phần. Nguồn cung tôm của Mỹ hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân, và chủ yếu là tôm nuôi trồng và đánh bắt với công nghệ lạc hậu. Vì thế, nhập khẩu tôm giá rẻ từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đem lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng Mỹ.
Trong trường hợp DOC áp thuế bán phá giá tôm, giá mặt hàng này sẽ tăng cao, và chính người dân Mỹ bị thiệt hại. Amcham cũng nhận định rằng, điều này gián tiếp gây tác hại đối với kinh tế Mỹ, và cũng chẳng giúp ích gì cho công nghệ đánh bắt và chế biến tôm lỗi thời của Mỹ.
“DOC cần đưa ra một phán quyết công bằng, minh bạch, trên cơ sở điều tra khách quan và rõ ràng, đảm bảo lợi ích của người dân Việt Nam và Mỹ, cũng như tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước”, thông cáo của Amcham viết.
Đồng thời, Amcham cũng yêu cầu Chính phủ Mỹ xem lại quá trình điều tra đối với các “nền kinh tế phi thị trường” - cơ sở để USITC và DOC tiến hành điều tra vụ kiện cũng như ấn định mức thuế bán phá giá. Theo luật Mỹ, trong trường hợp bên bị kiện là nước được Mỹ coi là “phi thị trường”, DOC có quyền lấy giá so sánh tôm tại bất kỳ một nước nào (thường là nước có giá xuất khẩu tôm cao nhất), có lợi cho bên nguyên. Chẳng hạn, trong vụ kiện bán phá giá cá basa năm 2002-2003, Mỹ đã xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, nên sử dụng giá so sánh là cá basa tại Bangladesh và đã áp thuế bán phá giá rất cao, tới trên 60%.
Amcham hiện có trên 800 thành viên, chủ yếu là các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam. Cơ quan này được - thành lập năm 1994, hiện có hai văn phòng, một tại Hà Nội và một tại TP HCM - là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với Chính phủ Mỹ.
Cách đây ít ngày, trả lời VnExpress, Giám đốc Amcham Hà Nội Adam Sitkoff từng nhận định, vụ kiện bán phá giá tôm chính là một dấu hiệu cho thấy, ngành thuỷ sản Việt Nam đang lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Vụ kiện chính là một hệ quả tất yếu khi các doanh nghiệp Mỹ yếu thế, phải trông cậy vào chính sách bảo hộ.
Kim Minh