54 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh sách bị đơn cuối năm 2004 đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp mức thuế phá giá thấp nhất là 4,3%, cao nhất 25,76%. Thuế áp cao khiến các doanh nghiệp phải chịu mức ký quỹ (bond) khổng lồ nếu muốn xuất hàng vào Mỹ, hậu quả là thị trường này gần như đóng cửa đối với tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời hạn DOC cho phép 2 bên vụ kiện đăng ký xem xét lại mức thuế phá giá vào ngày 28/2 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp bị đơn Việt Nam đều thận trọng đối với quyết định nộp hồ sơ vì e ngại nhiều rủi ro, bởi sau khi xem xét, mức thuế phá giá có thể bị DOC áp cao hơn so với hiện tại.
Tôm Việt Nam lại bước tiếp vụ kiện phá giá tại Mỹ. Ảnh: SGGP. |
Trao đổi với VnExpress chiều nay, Phó tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, đến hôm nay, khi SSA đã chính thức yêu cầu DOC xem xét lại thuế thì doanh nghiệp bị đơn trong nước dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận theo hầu tòa. Vấn đề là lần này DOC sẽ chọn những doanh nghiệp nào để tiến hành kiểm tra trước khi quyết định áp mức thuế phá giá mới.
Các doanh nghiệp bị đơn cũng tỏ ra hết sức dè dặt khi đề cập đến vấn đề chuẩn bị hồ sơ theo đuổi tiếp vụ kiện tôm. "Phía Mỹ kiện thì phải theo, nhưng chưa biết tình hình xoay theo hướng nào", Tổng giám đốc Công ty Kim Anh Đỗ Ngọc Quý, doanh nghiệp bị áp mức thuế phá giá cao nhất Việt Nam, cho biết và khẳng định, khó có thể biết được mức thuế áp tiếp theo sẽ giảm hay tăng.
Để chuẩn bị cho việc hầu tòa lần này, chiều mai, VASEP cùng Ủy ban tôm Việt Nam sẽ có buổi họp bàn với 54 doanh nghiệp bị đơn và các luật sư được thuê bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp về các biện pháp ứng phó và xem xét tình hình mới. Theo ông Hòe, rút kinh nghiệm vụ kiện lần trước, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo hơn các bằng chứng, hồ sơ để chứng minh tôm Việt không bán phá giá vào thị trường Mỹ.
Các nước cùng là bị đơn với Việt Nam trong vụ kiện là Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Thái Lan và Ecuador.
Phan Anh