Việc xảy ra ngày hôm đó (26/8/1928) ám ảnh Donoghue. Khi phàn nàn về dị vật trong cốc, Donoghue và người bạn đi cùng chỉ nhận được cái nhún vai không mấy để tâm từ chủ quán cà phê tên Francis Minghella. Donoghue lập tức bỏ về nhưng không quên ghi lại thông tin in trên nhãn chai bia gừng: "Sản xuất bởi công ty David Stevenson tại ngõ Glen, thị trấn Paisley".
Qua ba ngày, Donoghue đi khám bác sĩ sau do bị những cơn đau nhói ở bụng. Ba tuần sau, bà phải nhập viện cấp cứu vì bị viêm dạ dày ruột nặng và sốc.
Cho rằng nguyên nhân ốm do nhìn thấy xác con ốc sên, Donoghue tìm kiếm luật sư để kiện chủ quán Minghella và David Stevenson, Giám đốc công ty sản xuất chai bia gừng. Thời ấy, việc thuê luật sư được cho là chỉ dành cho người giàu, còn Donoghue chỉ là nhân viên bán hàng, xuất thân trong gia đình công nhân.
Nếu xảy ra vào thời nay, Donoghue có thể sẽ nhận được khoản bồi thường lớn. Nhưng vào năm 1928, những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nhân với các doanh nghiệp lớn là điều hiếm và nếu có cũng không thành công.
Nhiều luật sư đều cho rằng Donoghue không có cơ hội thắng kiện vì pháp luật về bồi thường thiệt hại cá nhân khi ấy chỉ áp dụng nếu có thiệt hại xảy ra với người trực tiếp mua sản phẩm bị lỗi, tức nếu hai bên từng phát sinh quan hệ hợp đồng mua bán.
Trong tình huống này, bạn của Donoghue mới là người trả tiền cho chai bia gừng. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là nếu sản phẩm bản thân tiềm tàng nguy cơ gây nguy hiểm, hoặc nhà sản xuất biết rõ có nguy hiểm nhưng cố ý lừa dối khiến khách hàng lầm tưởng là an toàn.
Donoghue không nản chí, tìm gặp luật sư tư vấn Walter Leechman dù người này từng đại diện một số vụ tương tự nhưng đều thua kiện. Leechman đồng ý miễn phí giúp Donoghue đấu tranh với quy định pháp lý khi ấy.
Sau gần một năm chuẩn bị tài liệu và rà soát văn bản luật, Donoghue và Leechman chỉ đệ đơn khởi kiện với Stevenson, yêu cầu 500 bảng Anh tiền bồi thường thiệt hại cá nhân và 50 bảng Anh án phí. Nếu quy đổi ra tiền hiện nay, khoản bồi thường trên tương đương 35.000 bảng Anh.
Trong đơn kiện, Donoghue cáo buộc Stevenson cần bồi thường vì chai bia là loại không trong suốt nên người dùng không thể xác minh độ nguy hiểm của sản phẩm trước khi dùng. Nhà máy của ông ta không lắp đặt hệ thống làm sạch chai lọ hiệu quả dù đây là điều cần thiết khi sản xuất bia gừng. Sự thiếu hiệu quả của hệ thống này được cho là xuất phát từ việc chai lọ tại nhà máy của Stevenson được để ở nơi thường xuyên có ốc sên bò qua.
Việc Stevenson không làm tròn nghĩa vụ bị cáo buộc đã dẫn tới thiệt hại về sức khỏe của Donoghue. Từ sau khi nhìn thấy con ốc sên trong chai bia, Donoghue thường xuyên nôn mửa, bị đau nhói ở dạ dày, và chịu ảnh hưởng từ chứng trầm cảm tâm lý. Do đó, bà bị coi là không thích hợp để làm việc, bị mất thu nhập và còn phải trả chi phí chữa bệnh.
Phía Stevenson phản bác, cho hay nhà sản xuất chỉ có trách nhiệm bồi thường với người đã giao kết hợp đồng với mình (ở đây là người trực tiếp mua chai bia gừng). Tình tiết Donoghue đưa ra không thể được xác minh, và khoản bồi thường là quá lớn. Bất cứ bệnh tật nào Donoghue gặp phải đều chỉ xuất phát từ tình trạng sức khỏe yếu kém.
Dù vậy, tòa án Scotland đồng ý với lập luận của Donoghue. Thẩm phán phụ trách nhận định rằng Stevenson phải có nghĩa vụ bảo vệ bất cứ ai sử dụng sản phẩm do ông ta sản xuất. Theo thẩm phán, thực phẩm bị nhiễm bẩn khi được rao bán là một trong những mặt hàng tiềm ẩn nguy hiểm bậc nhất. Stevenson cần chịu trách nhiệm với hành vi cẩu thả gây nguy hiểm.
Sau hai lần kháng cáo lần lượt của hai bên, vụ kiện được đưa lên Thượng nghị viện – tòa án có thẩm quyền cao nhất tại Vương quốc Anh. Nhiều tháng trôi qua, Thượng nghị viện cuối cùng cũng ra phán quyết có lợi cho Donoghue vào ngày 12/10/1933.
Thẩm phán tại Thượng nghị viện nhận định rằng Stevenson đã gây thiệt hại cho Donoghue khi để con ốc sên lọt vào chai bia gừng. Một năm sau phán quyết của Thượng nghị viện, Stevenson chết. Người thừa kế di sản sau đó hòa giải và trả cho Donoghue 200 bảng Anh, tương đương 18.000 bảng Anh hiện nay.
Vụ Donoghue kiện Stevenson đã trở thành tiền lệ mang tính cột mốc trong lịch sử pháp lý của Anh. John Fanning, giảng viên cao cấp tại Đại học Luật Liverpool, cho biết phán quyết của vụ kiện đã cho thấy luật pháp có thể bảo vệ người mua và người sử dụng khi gặp phải sản phẩm bị lỗi, từ đó đặt ra nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do lỗi bất cẩn. Vụ kiện ảnh hưởng trực tiếp tới pháp luật của Vương quốc Anh và gián tiếp tới các nước có hệ thống pháp luật theo họ Thông luật, ngoại trừ Mỹ.
Lý do Donoghue kiên quyết kiện tới cùng trong khi không đủ tiền theo kiện và bị dư luận chỉ trích là "điên loạn" và "dối trá" hiện vẫn chưa được giải mã.
Năm 2018, 90 năm sau khi Donoghue nhìn thấy con ốc sên trong chai bia, thị trấn Paisley đã tưởng nhớ tới người phụ nữ dũng cảm này bằng cách dựng tượng đồng ngay gần nơi từng là quán cà phê năm nào. Dựa trên bức ảnh duy nhất của Donoghue lúc sinh thời, họa sĩ khắc họa người phụ nữ nở nụ cười trên môi, mỗi tay bế một đứa cháu để đại diện cho cán cân công lý.
Quốc Đạt (Theo Scottish Legal, The Guardian, Narratively)