Đơn kiện đối với Blistex, công ty sản xuất son thỏi dưỡng môi tại bang Illinois (Mỹ), được gửi đi vào tháng 10. Theo đơn kiện, mỗi sản phẩm của Blistex được ghi trên bao bì là chứa 4,25 g khối lượng tịnh son dưỡng, nhưng khoảng 0,5 g sẽ bị sót lại dưới đáy vì sản phẩm có thiết kế xoay để đẩy lên. Người mua chỉ có thể dùng lượng son ở đáy nếu lấy tay móc ra.
Heather cho rằng nếu biết trước hơn 11% lượng son sẽ không sử dụng được do thiết kế sản phẩm, chị sẽ không mua son của Blistex với giá 2,3 USD hoặc sẽ trả ít tiền hơn. Từ đó, Heather cáo buộc Blistex đã lừa dối khách hàng, vi phạm pháp luật bang Illinois.
Heather khởi kiện "với tư cách cá nhân, cũng như thay mặt mọi cư dân khác gặp trường hợp tương tự tại bang Illinois", nhưng không yêu cầu đòi bồi thường cụ thể. Hiện, vụ kiện chưa được giải quyết.
Khởi kiện vì bị ngã khi nhìn thấy poster phim kinh dị
Tháng 6/2013, khi đang leo cầu thang tại ga tàu điện ngầm thành phố New York, một phụ nữ tên Anjanaffy Njewadda trông thấy poster quảng cáo cho Dexter – phim truyền hình về tên sát nhân hàng loạt. Giật mình, Anjanaffy trượt ngã và bị thương ở chân.
Trong đơn kiện vào tháng 2/2015 đối với Showtime, kênh truyền hình sở hữu Dexter, Anjanaffy cho rằng bị đơn đã bất cẩn và cố ý tạo ra nguy hiểm cho người đi bộ khi đặt tấm poster "gây hoang mang, khiêu khích, shock và sợ hãi" trên cầu thang.
Anjanaffy cũng cáo buộc cơ quan quản lý ga tàu điện ngầm thành phố New York đã bất cẩn khi cho phép đặt poster tại đây.
Phản bác, bị đơn cho rằng phản ứng của Anjanaffy trước hình quảng cáo không phải là sự kiện có thể lường trước nên không đặt ra trách nhiệm bồi thường.
Đồng ý với bị đơn, tòa tối cao bang New York bác bỏ đơn kiện của Anjanaffy vào ngày 30/1, kết thúc 5 năm tố tụng.
Sự cố tràn dầu làm giảm thu nhập
Tháng 4/2010, Deepwater Horizon, giàn khoan dầu di động của hãng dầu khí BP xảy ra sự cố nổ và gây tràn dầu gần bờ biển bang Louisiana. Đây được coi là vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành ngư nghiệp và du lịch của khu vực.
Để khắc phục thiệt hại, BP phải lập quỹ bồi thường cho những cá nhân trong vùng bị tràn dầu với điều kiện chứng minh được thu nhập bị giảm sau sự cố.
Ít lâu sau, David West, cầu thủ chơi cho đội bóng rổ New Orleans Hornets (bang Louisiana), yêu cầu bồi thường vì cho rằng thu nhập bị giảm 1,5 triệu USD sau sự cố. Theo David, đội bóng rổ của anh ta thuộc vào "doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch" và là nạn nhân vụ tràn dầu.
Phản bác, BP chỉ ra rằng David ký hợp đồng 45 triệu USD với đội bóng rổ từ năm 2003, trước khi sự cố xảy ra. Theo đó, thu nhập của David sẽ được trả giảm dần theo từng năm. David vì thế đương nhiên sẽ nhận được ít tiền hơn trong năm 2010 so với năm 2009. Dù vậy, David vẫn được tòa sơ thẩm cho David hưởng khoản thu nhập bị mất.
Vào tháng 3, tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ số 5 đã kết luận David không thể chứng minh bị mất thu nhập do sự cố tràn dầu nên không thể đòi bồi thường từ BP.
Công ty sản xuất bơ thực vật bị kiện vì không bán bơ "thật"
Tháng 10/2018, Jasmine Brown khởi kiện công ty Miyoko’s Kitchen (Mỹ) lên tòa án liên bang ở quận Brooklyn, thành phố New York vì sản phẩm bơ thuần chay.
Theo đơn kiện, "bơ thuần chay" của Miyoko’s Kitchen được làm từ dầu dừa, dầu hướng dương và hạt điều nên thiếu các chất dinh dưỡng (vitamin A, D và canxi) như bơ làm từ sữa. Để có tính chất của bơ, sản phẩm phải có hàm lượng sữa ít nhất 80%, theo tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Jasmine vì thế cáo buộc cách gọi "bơ thuần chay" của Miyoko’s Kitchen đã "mượn ánh hào quang của bơ sữa" bằng cách dùng các từ ngữ quen thuộc để gợi liên tưởng, dù tính chất không giống nhau.
Jasmine cho rằng Miyoko’s Kitchen đã lừa dối hoặc cố ý gây hiểu nhầm cho khách hàng để bán sản phẩm với mức giá 6,99 USD một sản phẩm. Trong đơn kiện, Jasmine đòi 5 triệu USD tiền bồi thường.
Phía Miyoko’s Kitchen cho biết nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng không bị nhầm lẫn, và thực tế đã chọn mua bơ thuần chay chính vì sản phẩm này không chứa nguyên liệu từ động vật.
Vụ kiện đã được hòa giải ngoài tòa vào tháng 5/2019, nhưng thỏa thuận giữa hai bên được giữ kín. Miyoko’s Kitchen cho biết sẽ không phải thay đổi bao bì sản phẩm, song công ty vẫn có thể đối mặt với các vụ kiện bắt chước khác vì sự việc lần này không được giải quyết tại tòa.
Mua chocolate 15 USD, đòi bồi thường 75.000 USD
Trong đơn kiện lên tòa án liên bang tại đặc khu Columbia vào tháng 7, Kevin Fahey cáo buộc công ty chuyên sản xuất kẹo Godiva đã "lừa đảo quy mô lớn" bằng cách in dòng chữ "Bỉ 1926" lên bao bì sản phẩm chocolate. Theo Kevin, người bình thường sẽ hiểu đây là sôcôla làm tại Bỉ và sẵn sàng trả giá cao vì đây là nước "sản xuất chocolate nổi tiếng thế giới".
Tuy nhiên, Kevin cho biết công ty Godiva hiện đặt nhà máy sản xuất ở cả Bỉ và bang Pennsylvania (Mỹ), trong khi vị chocolate sản xuất ở mỗi nước là khác nhau. Như vậy, với dòng chữ "Bỉ 1926", Godiva bị cho là cố ý gây nhầm lẫn về xuất xứ sản phẩm.
Đòi bồi thường 75.000 USD, Kevin khởi kiện với tư cách cá nhân và đồng thời đại diện cho người dân đặc khu Columbia đã mua chocolate của Godiva với giá 15 USD mỗi thanh.
Phía Godiva cho biết dòng chữ "Bỉ 1962" nói lên địa điểm và thời gian công ty được thành lập. Điều này không có nghĩa sản phẩm được bán ra trong thời điểm hiện tại được sản xuất tại Bỉ gần một thế kỷ trước.
Vụ kiện vẫn đang trong quá trình tố tụng. Trước đó, Godiva cũng phải dối diện với cáo buộc tương tự tại tòa án liên bang tại bang California nhưng nguyên đơn đã tự rút đơn.
Những vụ kiện trên được Viện Cải cách pháp lý thuộc Phòng Thương mại Mỹ đưa vào danh sách những vụ kiện phi lý nhất năm 2019. Theo cơ quan này, mục đích của việc lập danh sách mỗi năm là để nâng cao nhận thức người dân về những vụ kiện tụng "vô căn cứ và nực cười" tại Mỹ.
Quốc Đạt (Theo Institute for Legal Reform)