Năm 2001, Yader Castro là học sinh trường trung học AB Miller, thành phố Fontana, bang California. Bố cậu đi làm quá sớm để lái ôtô đưa con đến trường, còn mẹ không biết lái xe. Yader không có giấy phép lái xe, mới chỉ học và lái thử khoảng 20 lần nhưng với sự cho phép của cha mẹ, từ tháng 9/2001 cậu bắt đầu lái ôtô đi học.
Sau vài tháng, cậu bị gọi vào văn phòng trường và bị giáo viên thu chìa khóa với lý do không đủ điều kiện lái xe. Ban giám hiệu yêu cầu Yader gọi cho người nhà đến lấy xe và đón cậu về. Yader kể cho cha mẹ biết, nhưng họ vẫn cho cậu lái xe và dặn đậu ở nhà bạn gần trường rồi đi bộ vào để không bị phát hiện. Ngày 3/12/2001, khi tan trường, Yader vội vã về nhà, qua Đại lộ Cypress. Đây là con đường có hai làn xe trong một khu dân cư, giới hạn tốc độ là 35 dặm một giờ (tương đương 55 km/h).
Tại một ngã tư, Yader vượt một chiếc xe phía trước, rẽ trái và tăng tốc. Nhưng chiếc xe kia có vẻ khiêu khích không muốn cho Yader vượt, khiến cậu rất bực bội. Trên đường khi này, nhiều tốp học sinh cũng đang túa ra cổng trường, đi bộ về nhà trên con đường không có vỉa hè.
Để tránh va vào các bạn, Yader đổi hướng và rẽ về bên phải với tốc độ khoảng 60 dặm trên giờ (96 km/h) nhưng xe cậu trượt bánh. Yader cố gắng đạp phanh vì "cảm thấy có điều gì đó không ổn sắp xảy ra". Cậu hoảng sợ, nhắm mắt lại và gục đầu xuống. Chiếc xe tông vào một cái cây ở phía bên phải đại lộ Cypress, đâm vào hai học sinh đang đi bên phải đường, Karen Medina và Victor Isanoa. Isanoa sống sót; Medina, 14 tuổi tử vong tại chỗ.
Yader đã nhận tội Ngộ sát bằng phương tiện giao thông, trải qua 4 tháng trong giáo dưỡng và 8 tháng trong trại giam. Một tháng sau tai nạn, thành phố Fontana đã sử dụng khoản trợ cấp liên bang trị giá 163.000 USD để xây dựng vỉa hè ở khu vực Karen Medina qua đời.
Nhưng cha mẹ cô chưa coi đó là sự kết thúc. Họ kiện thành phố, cho rằng việc đại lộ đông đúc và gần khu trường học như Cypress lại không có vỉa hè là điều nguy hiểm không thể chấp nhận. Thành phố do đó phải chịu trách nhiệm về việc học sinh buộc phải đi bộ ở lòng đường và gặp tai nạn dẫn đến thương tật, tử vong.
>>Học sinh gặp tai nạn ngoài đường, nhà trường có chịu trách nhiệm?
Cha mẹ Karen không kiện Yader, nhưng thành phố đã khiếu nại chéo, đề nghị cậu và gia đình, cũng phải liên đới trong vụ kiện này.
Tại phiên tòa tháng 9/2004, "lai lịch" của đại lộ tai tiếng được khui lại khi trải qua cả trăm năm vẫn chưa có vỉa hè, trong khi nó chạy qua khu vực đông dân, gồm cả trường trung học AB Miller.
Năm 2000, theo thống kê địa phương, trung bình một ngày trong tuần có 3.400 ôtô di chuyển trên Cypress. Do không có vỉa hè nên học sinh buộc phải đi bộ luôn dưới lòng đường trải nhựa. Mà theo luật thành phố, bất kỳ con đường nào cũng phải có vỉa hè.
Luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân Karen cho rằng, việc xây dựng vỉa hè ở cả hai bên đường Cypress sẽ tốn không quá 20.000 USD và thành phố hoàn toàn có đủ tiền để làm. Nếu không, thành phố cũng hoàn toàn có thể huy động được tiền thông qua phát hành trái phiếu hoặc vốn xã hội hóa.
Vấn đề mất an toàn, theo luật sư đã được nhiều lần cảnh báo. Cụ thể, hai lần họp Hội đồng thành phố Fontana năm 1996 và 1997, ít nhất hai thành viên hội đồng đã liên tục cảnh báo về mối nguy trên đại lộ không vỉa hè, đồng thời kiến nghị thành phố hành động.
Trong đơn xin tài trợ năm 2000 thành phố nộp cho dự án "Đường đến trường An toàn" của bang California, chính thành phố cũng thừa nhận mối nguy này.
Phía nguyên đơn mời chuyên gia kỹ thuật đường bộ đến làm chứng tại tòa và người này khẳng định nếu Cypress có vỉa hè thì tai nạn của Karen sẽ không bao giờ xảy ra.
Chuyên gia cho rằng, thành phố lẽ ra phải xây vỉa hè cho đại lộ Cypress khi trường trung học mở cửa, năm 1991, vì vào thời điểm đó Cypress bắt đầu có "mật độ giao thông cao" cả phương tiện và người đi bộ.
Vỉa hè tăng cường sự an toàn bằng cách tạo ra sự tách biệt giữa lối đi dành cho phương tiện và lối đi dành cho người đi bộ và do đó làm giảm khả năng xảy ra tai nạn. "Không có vỉa hè trên Cypress là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn", vị này nói.
Lý lẽ của thành phố
Đầu tiên, thành phố cho rằng họ có quyền cải tiến vỉa hè, không có nghĩa là họ bắt buộc phải làm vậy.
Họ dẫn Bộ luật Chính phủ, mục 835 quy định, cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm về thương tích do tình trạng nguy hiểm của tài sản công nếu bị hại chứng minh được đủ 3 điều: tài sản công ở trong tình trạng nguy hiểm vào thời điểm xảy ra thương tích; thương tích đó là do tình trạng nguy hiểm của tài sản công trực tiếp gây ra khi nạn nhân và người liên quan đã cẩn trọng khi sử dụng; tình trạng nguy hiểm đó có thể dự đoán trước.
Yêu cầu đòi bồi thường của cha mẹ Karen, theo thành phố, chưa đáp ứng được 3 điều kiện này. Họ cho rằng nếu nguyên đơn muốn cáo buộc việc thiếu vỉa hè là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thì cần phải chứng minh rằng, kể cả Yader lái xe cẩn thận, đúng luật thì tai nạn vẫn xảy ra. Nhưng rõ ràng trong trường hợp này, tai nạn xảy ra do Yader lái xe bất cẩn.
Họ tuyên bố chỉ chịu trách nhiệm với vụ tai nạn nếu như việc đại lộ thiếu vỉa hè là động cơ, nguyên nhân "thúc đẩy việc lái xe cẩu thả" của Yader. Nhưng hồ sơ vụ án hình sự đã cho thấy, Yader gây tai nạn do tránh chiếc xe đi phía trước, chứ không phải vì đường không có vỉa hè.
"Hơn nữa, một chiếc xe mất lái trong nhiều trường hợp hoàn toàn không liên quan đến việc đường có vỉa hè hay không: lốp xe vướng phải đinh và nổ tung; người lái xe bị đau tim. Do đó, chúng tôi phản đối quy kết rằng thiếu vỉa hè là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chết người", phía bị đơn cãi.
Họ cũng phủ nhận quan điểm của nguyên đơn cho rằng "thành phố thừa điều kiện" để tu bổ vỉa hè nhưng không làm. Trái lại, thành phố khẳng định "ngân sách Fontana rất hạn chế".
Trong phán quyết ngày 20/12/2004, bồi thẩm đoàn tuyên cha mẹ Karen thắng kiện. Tòa yêu cầu thành phố Fontana và cha mẹ Yader phải liên đới trả khoản bồi thường 37,5 triệu USD theo tỷ lệ lần lượt 75% và 25%, do thành phố có lỗi lớn hơn.
Ngay sau phiên tòa, thành phố đã kháng cáo toàn bộ bản án và cho rằng số tiền bồi thường "cao một cách quá quắt" và cho biết chỉ tối đa trong khoảng 10 triệu USD.
Trong bản án phúc thẩm ngày 12/6/2007, tòa bác kháng cáo của bị đơn, khẳng định cấp sơ thẩm tuyên "thành phố có lỗi chủ yếu trong tai nạn của Karen", là có căn cứ. Song cấp phúc thẩm đồng ý số tiền 37,5 triệu USD chưa hợp lý. Dù vậy, họ từ chối việc tuyên mức bồi thường mới là bao nhiêu mà yêu cầu một phiên tòa mới, riêng biệt để quyết định mức bồi thường và tỷ lệ của từng bị đơn. Không có thông tin thêm về vụ án sau phiên tòa.
Vào thời điểm xảy ra vụ kiện, thống kê của Hiệp hội vì sự tiến bộ của giao thông đường bộ Mỹ (AAAM), gần 1/3 tổng số vụ tai nạn ôtô ở Mỹ có liên quan đến điều kiện đường sá kém, dẫn đến hơn 2 triệu người bị thương và 22.000 người tử vong. Tổng thiệt hại ước tính do các vụ tai nạn do điều kiện đường sá là 217,5 tỷ USD.
Luật của các tiểu bang đều dành quyền cho người bị tai nạn khởi kiện chính quyền, nếu tai nạn xảy ra do đường không đủ an toàn. Chính quyền có thể phải chịu trách nhiệm khi mặt đường hoặc biển báo đường phố bị hỏng, ổ gà, vết nứt trên bề mặt đường, ánh sáng đường phố không đủ, thiếu bãi đậu xe, giới hạn tốc độ, biển báo không đầy đủ hoặc tín hiệu cho làn đường rẽ, hệ thống thoát nước không phù hợp có thể tạo ra các vũng nước đọng nguy hiểm gần các nút giao thông...
California, nơi xảy ra vụ kiện của cha mẹ Karen, là bang có tỷ lệ tử vong do tai nạn xe hơi cao nhất nước Mỹ. Trên thực tế, chỉ riêng thành phố Los Angeles đã phải chi hơn 19 triệu USD để giải quyết các trường hợp thương tích cá nhân và thiệt hại tài sản do tai nạn vì đường xấu, trong năm 2017.
Mới đây nhất, ngày 17/2, ông Allan Bellinger, cư dân 76 tuổi của New York vừa kiện thành phố khi sửa vỉa hè nhưng làm hàng rào bao bất hợp lý khiến ông phải đi bộ dưới lòng đường một quãng dài và bị bus tông, buộc phải cắt bỏ chân phải". Đơn kiện chưa nêu số tiền ông đòi bồi thường.
Hải Thư (Theo LATimes, Case Text, More Law, Makr Road Safe)