Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ban hành Quy định sử dụng vỉa hè trong kinh doanh từ tháng 4/2007. Theo đó, cá nhân, công ty có nhu cầu phải nộp đơn online qua Cơ quan quản lý đường bộ và giao thông vận tải (RTA) xét duyệt. Kèm theo, giấy phép kinh doanh và sơ đồ phần vỉa hè định xin sử dụng.
Đơn sẽ được xử lý trong lâu nhất là 2 ngày và người xin cấp phép có thể tự in giấy phép trong trường hợp được chấp thuận. Giấy có hiệu lực một năm, phí cấp mới hoặc gia hạn là 220 AED (60 USD). Với cơ sở có bày biện bàn ghế ra vỉa hè, phí này sẽ tăng thêm 10.000 AED nữa (2.700 USD).
Giấy này chỉ được cấp cho cá nhân hoặc công ty sở hữu nhà hàng, quán cà phê hoặc khách sạn, máy bán hàng tự động, không xét các loại hình kinh doanh khác.
Khi sử dụng, các cơ sở kinh doanh phải chừa tối thiểu 2 m chiều rộng vỉa hè cho người đi bộ. Bàn ghế và tấm che nắng không được chắn tầm nhìn của phương tiện giao thông; không được ghim, vít, neo bất cứ thứ gì vào vỉa hè, thậm chí không được trải thảm.
Các loại bàn ghế, cột kèo không được cao quá một mét. Tivi, máy chiếu gây xao lãng người điều khiển phương tiện, các bức tượng, tác phẩm điêu khắc... bị cấm đặt ở vỉa hè do ảnh hưởng việc đi bộ.
Nếu vi phạm các quy tắc này, tùy mức độ, chủ nhà hàng sẽ bị xem xét tước giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Tại Thái Lan, buôn bán trên vỉa hè từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa. Thủ đô Bangkok có 22,55 km2 vỉa hè, chiếm 1,44% diện tích toàn thành phố, có hơn 111.000 quán ăn uống.
Một trong những khía cạnh rắc rối của việc quản lý vỉa hè là thẩm quyền với vỉa hè thuộc về chính quyền thành phố trong khi mặt đường ngay cạnh vỉa hè do cảnh sát quản lý. Vì vậy, cảnh sát sẽ không thể phạt người đậu xe trái phép trên vỉa hè, còn chính quyền thành phố không thể làm gì với việc bán hàng trái phép lấn lòng đường.
Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm dọn sạch vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi lên vỉa hè và bán hàng rong lấn chiếm.
Chính sách "vỉa hè gọn gàng" của Bangkok hướng tới các khu vực mật độ dân số cao, nhiều quán vỉa hè, bao gồm Silom, Ramkhamhaeng, Chatuchak, Khao San, Ratchadamnoen, Bobae, Tha Tian và Sukhumvit. Cụ thể, chính quyền cấm bán hàng rong tại đây vào ban ngày, chỉ được hoạt động từ 19h đến 22h.
Năm 2011, thành phố có tổng cộng 773 địa điểm được cấp phép kinh doanh tạm thời trên vỉa hè, con số hiện đã được giảm xuống còn 171 vào năm 2022.
Cư dân Bangkok vui mừng vì không còn phải đi bộ dưới lòng đường song 1,5 triệu người bán hàng rong và kinh doanh vỉa hè bị ảnh hưởng, phàn nàn vì giảm thu nhập. Do đó, Bangkok dự kiến học tập mô hình của Singapore, gom hết những hàng quán vỉa hè về khu vực riêng.
Tại đất nước có nhiều đô thị lớn như Australia, mỗi thành phố sẽ có quy tắc và điều kiện sử dụng vửa hè riêng, được ban hành và xét duyệt bởi Hội đồng thành phố.
Nhà chức trách nhìn chung khuyến khích kinh doanh ngoài trời, do đóng góp có giá trị cho bản sắc văn hóa của một khu vực, tăng trưởng kinh doanh, việc làm. Chỉ riêng thành phố Sydney đã có hơn 500 khu vực ăn uống ngoài trời và khu vực vỉa hè.
Dù vậy, Hội đồng thành phố vẫn sẽ khiến các chủ quán phải "vật lộn" với rất nhiều quy tắc trước khi cấp phép. Dù có khác biệt nhất định ở từng thành phố, song hầu hết các Hội đồng yêu cầu chủ kinh doanh phải để lại không gian đi bộ tối thiểu 3,4 m.
Chi phí cho giấy phép không cố định, thậm chí khác biệt theo từng khu vực của một thành phố. Ở Sydney, có thể từ 200 đến 700 AUD mỗi năm, trong khi ở các thành phố khác, giấy phép có thể 3-7 năm mới phải gia hạn.
Ở New South Wales, giấy chỉ được cấp cho chủ cơ sở kinh doanh có bảo hiểm trách nhiệm cộng đồng tối thiểu là 20 triệu AUD. Đây là loại hình bảo hiểm bồi thường cho bên thứ ba những tổn thất vật chất bất ngờ hoặc bệnh tật phát sinh từ hoạt động kinh doanh và xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và trong phạm vi địa lý quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài các điều kiện an toàn, các hội đồng còn quy định về loại và kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ đồ đạc, bàn ghế, ô dù được bày ở vỉa hè để đảm bảo bộ mặt thành phố có bản sắc đồng nhất. Chân ghế, chân bàn phải bọc mềm để tránh tiếng ồn, tránh hư hỏng mặt đường. Đặc biệt, Autralia cấm sử dụng mọi đồ đạc bằng nhựa khi kinh doanh vỉa hè, trừ khi quán có biện pháp ngăn chặn việc bị gió thổi bay, ảnh hưởng đến người đi bộ.
Tương tự, tại Vương quốc Anh, việc kinh doanh vỉa hè được các Hội đồng thành phố quy định từ những năm 1990, tự quyết mức phí. Trước dịch Covid-19, giấy phép thường có hạn từ 6 tháng hoặc một năm, lệ phí 100-200 bảng và sẽ không được hoàn lại nếu đơn đăng ký bị từ chối.
Đây là nguồn thu lớn, đem lại cho các thành phố 1-1,5 triệu bảng mỗi năm, đợt cao điểm xin cấp giấy phép thường vào mùa hè, khi các hoạt động vui chơi nghỉ dưỡng ngoài trời đỉnh điểm sôi động.
Dù vậy, nó khiến cư dân phản đối nhiều, do tình trạng ồn ào, lộn xộn, mất vệ sinh và ẩu đả đường phố. Sau đại dịch, các thành phố của Anh lên kế hoạch thu phí cao hơn để xoa dịu người dân, song cũng kéo dài thời hạn giấy phép để không khiến người kinh doanh cảm thấy bị "ngược đãi".
Ví dụ, từ tháng 7/2022, Hội đồng Thành phố Westminster đã tăng phí gia hạn giấy phép từ 100 lên 350 bảng, phí đăng ký mới từ 200 lên 500 bảng, đồng thời kéo dài thời hạn cho giấy phép từ một năm lên 2 năm.
Hải Thư (Theo UKgov, RTA UAE, National Thailand)