Sáng 27/2/1992, bà Stella Liebeck, 79 tuổi, ngồi ghế sau của chiếc Ford Probe do cháu trai cầm lái. Hạ cửa sổ xe, họ đặt một suất ăn nhanh mang đi của cửa hàng McDonald's ở Albuquerque, New Mexico.
Vì những chiếc ôtô này hồi đó không có giá để cốc, bà giữ cốc cà phê nóng giữa hai đầu gối trong khi cố gắng mở nắp để thêm kem và đường. Chiếc cốc lật úp, cà phê nóng tràn ra hết khiến bà Liebeck bị bỏng 16%, mức độ ba. Bà phải trải qua nhiều ca ghép da ở đùi và bẹn kéo dài 8 ngày.
Bà Liebeck sụt 9 xuống 38 kg. Sau thời gian nằm viện, bà vẫn phải được chăm sóc y tế trong ba tuần, bị biến dạng da vĩnh viễn.
Khi hóa đơn y tế lên đến 10.000 USD, bà liên hệ với McDonald's và yêu cầu được bồi thường.
Con gái của bà Liebeck nói, gia đình viết một lá thư cho McDonald's yêu cầu bồi thường cho các hóa đơn y tế, quan trọng hơn, hãng phải kiểm tra nhiệt độ của cốc cà phê khi phục vụ khách hàng.
"Cà phê của các người phải cực kỳ nóng mới gây ra vết thương kinh khủng đến vậy. Hãy xem lại máy làm cà phê và điều chỉnh nó nếu nó bị hỏng", gia đình Liebeck gửi đi bức thư với những lời thống thiết". McDonald's đáp lại bằng lời đề nghị bồi thường 800 USD.
Bà Liebeck phẫn nộ quyết định liên hệ với luật sư để đệ đơn kiện lên Tòa án quận New Mexico với cáo buộc McDonald's đã "sơ suất nghiêm trọng" khi bán cà phê "nguy hiểm một cách phi lý". Bà yêu cầu McDonald's bồi thường 125.000 USD.
Tai nạn của người phụ nữ 79 tuổi không phải là trường hợp cá biệt. Trong vòng 10 năm trước đó, McDonald's từng nhận hơn 700 báo cáo về thương tích do cà phê của mình, bao gồm cả báo cáo về bỏng độ ba, cấp độ nguy hiểm nhất, song họ chỉ thanh toán một vài khoản đền bù nhỏ.
Vào thời điểm đó, McDonald's yêu cầu cửa hàng thuộc chuỗi nhượng quyền phải pha cà phê ở nhiệt độ 90-96 độ và bán ở nhiệt độ 82-87, tức nóng hơn 10 độ C so với cà phê được pha các máy pha cà phê gia đình hoặc tiệm khác.
Phiên tòa xét xử diễn ra trong 9 ngày, từ 8 đến 17/8/1994. Bác sĩ phẫu thuật của bà Liebeck nhận định, chất lỏng ở nhiệt độ nếu đó tiếp xúc với da trong hơn một vài giây sẽ gây bỏng ở mức độ nghiêm trọng. "Nếu bạn may mắn, nó sẽ gây bỏng độ hai," ông nói. "Nếu không may mắn, bạn sẽ bị bỏng độ ba hoặc bỏng toàn bộ, cần phải ghép da và phẫu thuật". Bác sĩ sau đó đưa ra các bức ảnh về cuộc ghép da bị bỏng của bà Liebeck.
Phía McDonald's nói cà phê của họ phải được phục vụ ở nhiệt độ đó để sản phẩm có vị ngon hơn. Các chuyên gia cà phê đảm bảo với công ty rằng "nhiệt độ nóng là cần thiết để chiết xuất hoàn toàn hương vị trong quá trình pha cà phê". Hơn nữa, khách mua cà phê thường là những người đi làm, phải lái xe trên đường. Họ sẽ vừa lái xe vừa để thưởng thức cà phê nên nhiệt độ ban đầu cao sẽ giữ cà phê nóng trong suốt chuyến đi.
Bị đơn này cũng cho rằng nguyên nhân thuộc về bà Liebeck vì đã giữ chiếc cốc giữa hai chân và vì da của người lớn tuổi mỏng hơn và dễ bị tổn thương hơn.
Theo luật sư của McDonald's, số lượng hơn 700 khiếu nại về cà phê nóng trước đó là không đáng kể về mặt thống kê, so với tổng số với hàng tỷ cốc cà phê hãng bán ra hàng năm.
Trong khi đó, 9 ngày diễn ra phiên toà là 9 ngày truyền thông thế giới chao đảo. Một số người cho rằng đây là vụ kiện tụng "vớ vẩn nhất". "Họ nói bà Liebeck tham lam và muốn có tiền, sẵn sàng làm bất cứ điều lố bịch gì để có bồi thường. Vài bình luận ác ý nói: "Bà mua cà phê và tự làm đổ nó. Nhân viên McDonald's đâu có lấy cà phê và ném vào người bà".
Bà Liebeck vào thời điểm đó chỉ đáp: "Tôi không đeo đuổi vụ kiện vì tiền. Tôi tham gia vì không muốn người khác phải trải qua điều tương tự".
Sau bảy ngày lấy lời khai và bốn giờ nghị án, các bồi thẩm viên đã đứng về phía nữ nạn nhân. Áp dụng các nguyên tắc so sánh sơ suất, bồi thẩm đoàn nhận thấy McDonald's cần chịu trách nhiệm 80% về sự việc và bà Liebeck có 20% lỗi.
Toà buộc McDonald’s bồi thường cho bà Liebeck 2,9 triệu USD, tương đương lợi nhuận hai ngày bán cà phê thời điểm đó. Một tháng sau, chủ tọa phiên tòa đã giảm tổng tiền xuống còn 640.000 USD. Cuối cùng, để tránh những gì có thể xảy ra trong nhiều năm kháng cáo, bà Liebeck và McDonald's sau đó đã đạt được thỏa thuận bí mật.
Dù tiền bồi thường của bà bị giảm đi nhưng thế giới vẫn luôn nhớ đến nó với cái tên "vụ kiện 2,9 triệu USD". Sự việc cũng khiến các tập đoàn thực phẩm và đồ uống phải thận trọng hơn khi phục vụ đồ uống nóng.
Các cốc cà phê của MacDonald’s sau đó được bổ sung một phần lót bằng bìa cứng ngoài thân cốc, in với phông chữ lớn "Cẩn thận: Đồ nóng".
Vụ kiện của bà Liebeck thậm chí còn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô. Nếu chiếc xe bà Liebeck ngồi có giá để cốc, chấn thương có thể đã tránh được. Một số ôtô đã có chỗ để cốc từ những năm 1950, nhưng không phải mẫu xe nào cũng có chúng. Tai nạn của bà Liebeck đã chứng minh rằng chúng cần thiết.
Sau vụ kiện, McDonald's phục vụ cà phê ở nhiệt độ thấp hơn 10 độ C so với trước đó. Kể từ vụ kiện của bà Liebeck, nhiều người đã đi theo trào lưu kiện cà phê nóng của các chuỗi đồ ăn nhanh lớn, không chỉ đối với McDonald's mà cả Burger King, Dunkin 'Donuts, Starbucks, Continental Airlines và các công ty khác.
Hải Thư (Theo Dailymail UK, NTY, SpoonUniversity, RD)