Năm 2020, series phim tài liệu thể thao "The Last Dance" (Vũ khúc cuối) kể về sự nghiệp huyền thoại Michael Jordan thành công tới mức ngay cả những người không hâm mộ bóng rổ cũng phải chú ý. Đó là câu chuyện giàu cảm xúc, về một chàng trai trẻ vụt sáng thành ngôi sao, cùng Chicago Bulls vô địch NBA ba năm liền trước khi giải nghệ, rồi tái xuất để lần thứ hai giúp Bull lập hat-trick vô địch.
"The Last Dance" cũng là tựa đề được nhiều tờ báo quốc tế dùng để mô tả lần trở về Man Utd của Cristiano Ronaldo. Không còn là một chàng trai trẻ vô danh như khi ra mắt trước Bolton năm 2003, Ronaldo giờ đã là một siêu sao ở buổi hoàng hôn sự nghiệp. Đưa Man Utd trở lại đỉnh cao bóng đá Anh - hay mơ mộng hơn là châu Âu - sẽ là vũ khúc cuối hoàn hảo cho một cầu thủ luôn đi tìm những thách thức mới trong sự nghiệp.
Ngày 16/8/2003, Ronaldo trình làng Ngoại hạng Anh khi vào sân thay người trong trận thắng 4-0 trước Bolton. Khi đó, khán giả chỉ biết đây là một tài năng trẻ với gương mặt còn lấm tấm mụn, đeo niềng răng được nhiều đại gia châu Âu săn đón. Còn với Sir Alex Ferguson và các cầu thủ Man Utd, họ trực tiếp chứng kiến tài năng của Ronaldo từ trận giao hữu Sporting Lisbon cách đó không lâu. Màn trình diễn trong màu áo Sporting Lisbon của Ronaldo khiến John O'Shea "lên cơn tiền đình" còn các cầu thủ Man Utd tìm cách thuyết phục Sir Alex ký hợp đồng với cầu thủ số 28 này ngay lập tức.
Trước Bolton, những pha đảo chân, đi bóng kỹ thuật của Ronaldo được phô diễn triệt để tới mức huyền thoại George Best còn khẳng định rất nhiều năm rồi mới lại được chứng kiến một trận ra mắt hay đến nhường ấy. Bản thân Best tự hào về hậu bối kế thừa chiếc áo số 7: "Đã có nhiều cầu thủ được ví như Best mới, nhưng Ronaldo là trường hợp đầu tiên khiến tôi cảm thấy đó là một lời khen!".
Khi Ronaldo trở lại khoác áo Man Utd lần thứ hai, trang Instagram của Ngoại hạng Anh lập tức đăng tải các video Ronaldo phô diễn kỹ thuật đảo chân hay thực hiện đường chuyền kiểu rabona kèm theo thông điệp: "Tiếp tục phô diễn đôi chân nhảy múa này nhé, Cristiano!". Giai đoạn 2006-2009, Ronaldo là ác mộng của các hậu vệ phải tại Anh và châu Âu. Sau một lần đối đầu với Man Utd và được hỏi liệu Ronaldo có để lại "sẹo tâm lý" cho Bolton hay không, HLV Sam Allardyce đã thốt lên: "Sẹo ư? Không, chúng tôi cần được phẫu thuật mới đúng!"
Tuy nhiên, sẽ rất khó để một cầu thủ sắp bước sang tuổi 37 tiếp tục có những pha đi bóng qua người đẹp mắt từng làm nên thương hiệu CR7 tại Anh. Trong thực tế, Ronaldo đã thay đổi nhiều về lối chơi kể từ ngày rời sân Old Trafford để tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao ở độ tuổi nhiều cầu thủ đã treo giày. Trước kia, lối chơi của Ronaldo đạt hiệu quả tối đa khi anh cầm bóng. Nhưng từ khoảng năm năm trở lại đây, sở trường của anh lại nằm ở những pha di chuyển không bóng. Từ một cầu thủ ham biểu diễn màu mè giai đoạn đầu ở Man Utd chuyển sang sự kết hợp giữa biểu diễn và hiệu quả trong một thập niên sau đó, giờ đây Ronaldo là cầu thủ "sống bằng những khoảnh khắc" theo nhận định của Gary Neville.
Ronaldo của hiện tại thường xuyên nhận bóng từ ngoài 16m50, chuyền bóng lại trong đồng đội trước khi di chuyển vào vòng cấm để chờ thời cơ dứt điểm một chạm. Anh tới Man Utd với tư cách đương kim Vua phá lưới Serie A và Euro ở tuổi 36, cho thấy sự sắc bén vẫn chưa chịu thua phép thử thời gian. Tại Euro 2020, bàn thắng vào lưới tuyển Đức là ví dụ tiêu biểu cho lối chơi của Ronaldo: bứt tốc qua 97 mét từ sân nhà sau một pha phạt góc của Đức và có mặt trong vòng cấm đối phương trong vỏn vẹn 15 giây để thực hiện pha đệm bóng gọn gàng vào lưới trống trong tư thế không bị ai kèm.
Sự có mặt đúng lúc, đúng chỗ là phẩm chất mà Ole Gunnar Solskjaer đang tìm kiếm. Sau trận mở màn tưng bừng hạ Leeds 5-0, "Quỷ Đỏ" nhanh chóng bị kéo lại mặt đất với trận hoà 1-1 trước Southampton. Đó là trận đấu mà trung phong Anthony Martial chơi mờ nhạt, còn lão tướng Edinson Cavani vẫn chưa thể xung trận. Một cầu thủ có thể kết thúc trận đấu trong những khoảnh khắc, không phung phí những đường kiến tạo từ Paul Pogba và Bruno Fernandes là điều Solskjaer chờ đợi ở Ronaldo hơn là những pha đi bóng lắt léo - điều mà bản hợp đồng mới Jadon Sancho có thể thực hiện tốt.
Rất nhiều thứ đã thay đổi tại Anh từ lần cuối Ronaldo còn chơi bóng cho Man Utd. Man City, từ một gã nhà giàu mới nổi, vươn lên thành một thế lực mới và được dẫn dắt bởi HLV thành công bậc nhất lịch sử Pep Guardiola. Liverpool của Jurgen Klopp đã vô địch Ngoại hạng Anh và cho thấy sức mạnh khi chào đón sự trở lại của Virgil Van Dijk. Tân vương châu Âu Chelsea tiếp tục cho thấy khát vọng chinh phục với "quả bom tấn" Romelu Lukaku. Thời của "Tứ đại gia" hai thập niên trước đã không còn và ngay cả cuộc đua tranh suất dự Cup châu Âu giờ cũng khắc nghiệt hơn bội phần vì sự cạnh tranh từ Tottenham hay Leicester City.
Trong khi đó, Man Utd vẫn đang từng bước nỗ lực tìm lại vị thế xưa. Giai đoạn hậu Ronaldo, "Quỷ Đỏ" vẫn có thêm hai chức vô địch Premier League và một lần lọt vào chung kết Champions League. Nhưng kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu năm 2013, từ David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho rồi Solskjaer đều thất bại trong việc đưa Man Utd trở lại ngôi cao ở Ngoại hạng Anh. Trên bình diện châu lục, Man Utd chưa từng đi xa hơn tứ kết trong tám năm qua và thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng Champions League mùa trước.
Cùng thời gian đó, Ronaldo đoạt một Euro, một Nations League cùng tuyển Bồ Đào Nha, bốn Champions League, hai La Liga và hai Scudetto, chưa kể một loạt danh hiệu lớn nhỏ khác. Nếu muốn tiếp tục giành những danh hiệu, lần trở về nước Anh này của Ronaldo có một lựa chọn khác là Man City. Theo The Athletic, Man City hơn Man Utd 17,4 điểm trung bình năm mùa giải gần đây nhất. "Gã hàng xóm ồn ào", như Sir Alex mô tả năm xưa, chiếm tới một nửa số chức vô địch Ngoại hạng Anh trong 10 năm qua, trong khi Man Utd chỉ một lần đăng quang.
Theo các trang tin chuyển nhượng, Ronaldo có lúc đã rất gần Man City. Nhưng với việc chọn trở về Old Trafford, cầu thủ Bồ Đào Nha đã giữ nguyên vẹn di sản và vị thế một huyền thoại trong mắt người hâm mộ Man Utd. Ronaldo không chỉ được kỳ vọng đóng góp những bàn thắng, mà còn trở thành một tấm gương mẫu mực trên sân tập. Sancho hay những cầu thủ tấn công trẻ khác như Marcus Rashford, Mason Greenwood đều có thể được học hỏi nhiều từ Ronaldo.
18 năm trước, Ronaldo đến Old Trafford với tư cách một cầu thủ trẻ và bước vào phòng thay đồ với những cựu binh dày kinh nghiệm Roy Keane, Paul Scholes hay Ryan Giggs. Còn giờ đây, vai trò dẫn dắt ấy thuộc về anh. Không chỉ có tài năng được kiểm chứng với năm Quả Bóng Vàng, Ronaldo còn nổi tiếng về nghị lực không ngừng tự hoàn thiện bản thân, sự chuyên nghiệp trên sân tập cũng như khát khao chiến đấu. Solskjaer chắc chắn muốn Rashford hay Greenwood không chỉ học cách di chuyển, dứt điểm như Ronaldo trong thi đấu, mà còn noi theo đàn anh ở sự chăm chỉ, tận hiến ngay cả trên sân tập.
Di sản của Ronaldo tại Man Utd thậm chí còn lung linh hơn bội phần nếu trong lần thứ hai khoác áo "Quỷ Đỏ", anh có thể đưa đội nhà trở lại đỉnh cao Ngoại hạng Anh. Michael Jordan đã là huyền thoại của Chicago Bulls từ trước khi anh bất ngờ giải nghệ năm 1993, nhưng lần trở lại thứ hai, vào năm 1995 để vực dậy đội bóng rổ nhà nghề Mỹ này, mới thật sự biến ông thành biểu tượng bất tử.
Đưa người đồng đội cũ tái xuất là một canh bạc với Solskjaer, khi quỹ thời gian chơi bóng đỉnh cao của Ronaldo không còn nhiều, trong khi vị trí tiền vệ phòng ngự là sự bổ sung cần thiết hơn. Nhưng ánh hào quang của quá khứ vẫn chưa phai trong mắt những ai yêu mến Man Utd. Trong buổi lễ đăng quang Ngoại hạng Anh mùa 2006-2007, người nâng cao cúp vô địch ngay sau Ronaldo là Solskjaer. Chắc chắn đó là viễn cảnh mà cả Ronaldo lẫn Solskjaer đang mơ tới, và là cái kết đẹp nhất có thể cho "Điệu luân vũ cuối cùng" của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Thịnh Joey