Sáng 27/11/1944, máy bay trinh sát từ tàu sân bay HMS Implacable của Anh phát hiện đoàn tàu vận tải Đức ở giữa các đảo Tjotta và Rosoya ở vùng biển phía bắc Na Uy, trong đó có tàu hàng Rigel. Các chỉ huy Anh thấy đây là cơ hội không thể bỏ qua và huy động hàng loạt oanh tạc cơ ngư lôi, oanh tạc cơ bổ nhào và tiêm kích để tấn công, mà không biết rằng họ đang mắc một sai lầm thảm họa.
Rigel là tàu hàng thuộc sở hữu của Na Uy trước Thế chiến II. Sau khi nước này bị Đức xâm chiếm năm 1940, Rigel được quân Đức trưng dụng để vận chuyển binh sĩ và trang thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, trong chuyến ra khơi ngày 27/11, Rigel lại chở theo hàng hóa rất đặc biệt, gồm 95 tù nhân chính trị, hơn 2.200 tù binh chiến tranh, chủ yếu là binh sĩ Hồng quân Liên Xô, còn lại là lính Nam Tư, Ba Lan và các nước khác, cùng khoảng 400 lính canh Đức. Điều này khiến nó được ví như một nhà tù nổi trên biển.
Các phi công Anh nhận lệnh công kích tàu Rigel hoàn toàn không biết điều này. Họ tin rằng mình đang chặn đánh một tàu vận tải chở quân chi viện cho phát xít Đức ở Trung Âu.
Đoàn tàu vận tải Đức chỉ được bảo vệ sơ sài, không thể đối phó các chiến đấu cơ Anh. Tàu Rigel bị tấn công trực diện và nước nhanh chóng tràn vào. Những quả bom do oanh tạc cơ Anh thả xuống phá hủy cầu thang trong hầm hàng, khiến hàng trăm tù binh bên dưới không có cách nào thoát được ra ngoài.
Một số tù binh lên được boong tàu phải tranh giành số bè cứu sinh ít ỏi. "Đó là một cuộc đấu tranh sinh tử. Tôi còn trẻ, mạnh mẽ và đã chiến đấu vì mạng sống của mình", tù nhân tên Asbjorn Schultz nhớ lại. Schultz là một trong số ít tù nhân người Na Uy trên tàu Rigel và cũng là người Na Uy duy nhất sống sót sau thảm kịch.
Những người mắc kẹt trên tàu bị lửa nhấn chìm, trong khi nhiều người thoát ra lại chết đuối. "Mặt biển và không khí bên trên đều lạnh giá. Chiến đấu cơ Anh tiếp tục bắn vào những người đang bơi trên mặt nước và cả những người trên bè cứu sinh", Schultz cho biết.
Schultz tìm cách chèo chiếc bè cứu sinh đến được hòn đảo hoang vắng Rosoya cách đó vài trăm mét. Bạn đồng hành của anh trên bè là một lính Đức và một tù binh Liên Xô.
Cuộc không kích thảm họa của Anh đã khiến gần 2.500 người trên tàu Rigel thiệt mạng, phần lớn là tù binh Liên Xô. Tổng cộng 267 người sống sót, chủ yếu nhờ hạm trưởng Heinrich Rhode đã cho tàu Rigel ủi bãi để ngăn nó chìm hoàn toàn.
Thi thể nhiều nạn nhân sau đó trôi dạt vào bờ biển hoặc mắc lưới của ngư dân địa phương. Hài cốt của những người thiệt mạng trong tàu chỉ được quy tập vào năm 1969 và được chôn cất tại một nghĩa trang quân đội trên đảo Tjotta lân cận.
Duy Sơn (Theo RBTH)