Chính quyền Trung Quốc từ ngày 6/2 áp dụng các biện pháp ngày càng quyết liệt ở Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus họ corona mới (nCoV), gồm kiểm tra từng nhà, tập trung người bệnh và đưa họ vào các trung tâm cách ly lớn là những bệnh viện dã chiến. Bà Tôn yêu cầu nhân viên y tế đến từng nhà ở Vũ Hán, kiểm tra thân nhiệt của từng người và tìm hiểu tất cả những người đã tiếp xúc gần bệnh nhân nhiễm nCoV.
Giới chức Vũ Hán đã bắt đầu đưa bệnh nhân đến các bệnh viện dã chiến được cải tạo từ một sân vận động, một trung tâm triển lãm và một khu tổ hợp. Khi thị sát bệnh viện dã chiến được thiết lập tại sân vận động Hồng Sơn, bà Tôn nói rằng bất cứ ai cần điều trị nên được tập trung lại và buộc phải cách ly. "Phải chặt đứt đường lây lan của virus", bà nói.
Những động thái cấp bách, dường như được ứng biến này diễn ra khi tỷ lệ tử vong do dịch nCoV ở thành phố 11 triệu dân vào ngày 6/2 là 4,1%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ ở những khu vực còn lại là 0,17%. Với việc người bệnh bị dồn vào các trại cách ly với chăm sóc y tế hạn chế, người dân ở Vũ Hán ngày càng cảm thấy bị bỏ rơi.
Những biện pháp mới gây liên tưởng đến các biện pháp thực hiện để chống lại đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã giết hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không chắc những biện pháp này sẽ thành công.
Không rõ các bệnh viện dã chiến mới có được trang bị đầy đủ thiết bị hoặc có đủ nhân sự để chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân và ngăn virus lây lan hay không. Những bức ảnh chụp bên trong sân vận động cho thấy những dãy giường nằm gần nhau, chỉ cách nhau bằng bàn, ghế thường được sử dụng trong lớp học.
Vũ Hán đã bị phong tỏa từ ngày 23/1. Hạn chế giao thông cũng được áp đặt với các thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người. Tại Trung Quốc đại lục, 636 người đã thiệt mạng, 31.161 người nhiễm bệnh. 638 người tử vong và 31.481 người nhiễm trên toàn thế giới.
Báo đảng People's Daily tuần này mô tả việc ngăn dịch là "cuộc chiến của nhân dân". Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lệnh hạn chế ra vào tỉnh Hồ Bắc đang làm chậm việc cung cấp thuốc, khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác, bất chấp các cam kết của Bắc Kinh cùng các công ty tư nhân và các tổ chức từ thiện rằng hàng viện trợ đang tới. Các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu các biện pháp của chính phủ có gây khó khăn quá mức cho người dân hay không, trong khi chúng dường như không có hiệu quả lớn trong công tác phòng dịch vì số ca nhiễm đều tăng hàng nghìn mỗi ngày.
"Tình hình gần như một thảm họa nhân đạo vì không có đủ nguồn cung y tế", Willy Wo-Lap Lam, từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Trung văn Hong Kong, nói. "Người dân Vũ Hán dường như bị bỏ rơi".
William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, cho biết những thách thức mà các cơ quan y tế Trung Quốc phải đối mặt rất lớn. "Khi cả nhân lực và cơ sở vật chất đều chịu áp lực quá lớn, những điều đáng tiếc sẽ xảy ra và sẽ có người qua đời", ông nói. "Không thể xử lý lượng bệnh nhân tăng đột biến như vậy trong một thời gian dài".
Tuy nhiên, Schaffner cũng đặt câu hỏi về các biện pháp mới, bao gồm rủi ro đối với các bệnh nhân nCoV và người những người chăm sóc họ trong các trung tâm cách ly. "Chuyện gì xảy ra với những người bị bệnh? Họ có được chăm sóc không và ở mức độ nào? Còn cả những người chăm sóc cho bệnh nhân nữa, tại sân vận động hay hội trường trường học, liệu họ có thể chăm sóc hiệu quả và giữ an toàn cho bản thân không?".
Các chuyên gia khác cho rằng việc tập trung số lượng lớn người bệnh trong các cơ sở giống như nhà ở tập thể có nguy cơ vô tình tạo ra điều kiện để lây lan một loạt bệnh truyền nhiễm. "Nhiều người trong số này vốn có những vấn đề sức khỏe khác", Thomas M. File Jr., chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ nói. "Bạn đặt họ ở gần nhau thì họ có nguy cơ truyền nhiễm những bệnh khác thậm chí còn dễ lây hơn nCoV như bệnh lao, có thể lây truyền qua không khí".
Wang Chen, chuyên gia về bệnh đường hô hấp là chủ tịch của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết các bệnh viện dã chiến được thiết lập nhằm ngăn lây nhiễm nCoV trong các hộ gia đình và khu vực lân cận. "Nếu một lượng lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ ở nhà hoặc vẫn tiếp xúc với cộng đồng thì họ sẽ trở thành nguồn lây lan virus chính", ông nói.
Tuy nhiên, một bài đăng ngày 6/2 được chia sẻ rộng rãi trên Weibo nói rằng điều kiện tại trung tâm triển lãm Vũ Hán, nơi được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, rất kém. Người viết kể rằng các sự cố về điện và vấn đề với hệ thống sưởi khiến mọi người "rét run khi đi ngủ".
Người này cũng cho biết ở đây dường như thiếu nhân viên và thiết bị. "Các bác sĩ và y tá không ghi chép triệu chứng và phát thuốc, thiếu thiết bị oxy nghiêm trọng".
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang thắt chặt quản lý các hãng tin và mạng xã hội sau một thời gian thả lỏng, không kiểm duyệt những lời chỉ trích về phản ứng ban đầu của chính phủ.
China Media Project, nhóm hợp tác với Đại học Hong Kong, đăng một chỉ thị từ Cục Quản lý Mạng Trung Quốc, cáo buộc một số công ty mạng xã hội "tham gia bất hợp pháp vào việc đưa tin liên quan đến dịch bệnh".
Họ nói rằng những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Sina Weibo, Tencent và ByteDance, sẽ bị giám sát đặc biệt nhằm đảm bảo "một môi trường mạng thuận lợi để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch".
Phương Vũ (Theo NYTimes)