17h ngày 31/3/1988, Phó Mỹ Linh, 27 tuổi, đi cùng luật sư đến đồn cảnh sát trình báo bố là Phó Đường, 58 tuổi, chủ xưởng sản xuất thuốc nhuộm nhựa, đã mất tích hơn một tháng. Linh khai mẹ là Mã Khiết Chi từng nhắc đến việc giết chồng.
Sau khi điều tra sơ bộ, cảnh sát bắt Mã Khiết Chi, 58 tuổi, lúc 1h ngày 1/4 với cáo buộc giết người.
Sau đó, cảnh sát bắt em trai của bà Chi là Mã Hiển Khôn, thợ cắt tóc 54 tuổi, và hai người đàn ông khác là Lương Kiệt Trung và Thạch Chí Minh, cáo buộc cả ba âm mưu cướp tài sản của ông Đường vào ngày 21/2.

Mã Khiết Chi được che kín mặt khi áp giải về đồn cảnh sát. Ảnh: On.cc
Chị em bà Chi hầu tòa vào ngày 4/4/1988, còn hai bị cáo Trung và Minh ra tòa vào 8/4.
Trình bày vụ án, công tố viên cho biết vợ chồng bà Chi đã kết hôn hơn 30 năm, có hai con gái. Con gái út đã kết hôn và định cư tại Mỹ. Hai vợ chồng sống cùng con gái lớn Phó Mỹ Linh tại khu chung cư Kornhill Garden vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Tháng 2/1988, bà Chi nghi ngờ chồng nuôi bồ nhí vì mình không đẻ được con trai. Ngày 21/2, bà gọi em trai Mã Hiển Khôn đến nhà, đồng thời thuê hai công nhân xây dựng là Trung và Minh với giá 8.000 HKD mỗi người.
Ba người đàn ông đến căn hộ của vợ chồng bà Chi, trói chân tay ông Đường, bịt miệng và mắt bằng băng dính. Họ yêu cầu ông giao ra 200.000 HKD từ việc bán một bất động sản trước đó, nhưng ông từ chối.
Ba người rời khỏi hiện trường hơn một giờ sau đó bị bà Chi gọi trở lại, yêu cầu trói chân tay ông Đường vào bốn chân giường tầng. Bà yêu cầu chồng chấm dứt quan hệ với tình nhân và đòi 100.000 HKD nhưng không thành công.
Trưa hôm sau, bà Chi cầm bát cháo định đút cho chồng ăn. Lúc này, ông Đường tự giãy khỏi dây trói, chỉ trích vợ hợp mưu với người thân để cướp tài sản, dùng bát cháo đánh vào đầu vợ. Bà cầm búa phản kích và giết chết chồng trong lúc hỗn loạn.
Sau khi gây án, bà Chi sai người giúp việc ra ngoài mua cưa để phân xác, sau đó dùng lò vi sóng và nồi nấu hòng phi tang... Bà Chi cũng lau sạch vết máu trong nhà, dùng mực đỏ che đậy vết máu trên giường và thảm, sau đó thuê hai người chuyển các đồ đạc có liên quan đi.
Linh đã nghe thấy bố mẹ cãi nhau về chuyện ngoại tình vào ngày 22/2. Trở về nhà vào tối đó, cô thấy mẹ đang lau sàn. Khi hỏi bố đâu, bà Chi nói "giết rồi", Linh tưởng mẹ nói đùa. Không lâu sau, bà Chi tìm cớ dọn đến khu Wan Chai sống.
Khoảng một tháng sau, em trai ông Đường đến hỏi thăm tung tích anh, cảm thấy có điều bất thường nên nói chuyện với Linh rồi quyết định trình báo cảnh sát.
Khi cảnh sát đến hiện trường vụ án để tìm kiếm bằng chứng, các vật dụng liên quan như búa, cưa, đồ dùng nhà bếp và đồ nội thất đều đã bị vứt đi và không thể tìm thấy. Căn hộ cũng được dọn dẹp sạch sẽ.
Chuyên gia hóa học tiến hành thí nghiệm và phát hiện có rất nhiều vết máu nhỏ trên sàn nhà, tường, rèm cửa và trần của phòng ngủ và phòng khách mà mắt thường khó nhìn rõ. Ngoài ra còn có vết máu trên hai chiếc tủ được bà Chi chuyển từ hiện trường vụ án đến ngôi nhà mới ở khu Wan Chai. Vết máu cũng được phát hiện trong đường ống ở nhà bếp và phòng tắm. Tuy nhiên, rất khó để xác nhận rằng những vết máu đó thuộc về ông Đường do công nghệ giám định ADN thời đó chưa phát triển.
Sau khi bị bắt, bà Chi thừa nhận giết chồng, quay lại hiện trường cùng cảnh sát để tái hiện vụ việc. Nhưng sau đó bà lại phủ nhận gây án, nói chồng rời nhà đi đâu không rõ.
Dù không tìm thấy thi thể nạn nhân, Mã Khiết Chi vẫn bị buộc tội giết người. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Hong Kong.

Khu chung cư Kornhill Garden, chụp năm 2022. Ảnh: hkwenweipo
Ngày 1/6/1988, bên công tố quyết định hủy bỏ các cáo buộc đối với Trung và Minh, thả tự do tại tòa, còn ông Khôn bị buộc thêm tội giam cầm trái phép. Ngày 12/6, tòa án ra phán quyết rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy bà Chi và ông Khôn đã phạm tội và chuyển vụ án lên tòa án cấp cao để xét xử.
Trên phiên tòa vào ngày 29/9/1988, bên công tố và bên bào chữa tranh luận về việc trạng thái tinh thần của bà Chi có thích hợp để xét xử hay không. Bác sĩ tâm thần đại diện cho bên công tố tuyên bố bị cáo hiểu tính chất của cáo buộc và biết những gì đang diễn ra tại tòa, cho rằng bà Chi đủ khả năng trả lời xét hỏi.
Hai bác sĩ tâm thần đại diện cho bên bào chữa nhận định bà Chi có mối quan hệ không tốt với chồng và bị ảo giác sau thời gian dài chịu đựng. Linh trình lên tòa một bức thư do bà Chi viết, trong đó kể lại việc bà bị chồng giết chết như thế nào và yêu cầu con gái trả thù Phó Đường giúp bà. Qua đó, bên bào chữa cho rằng bà Chi không đủ năng lực hầu tòa.
Ngoài ra, các bác sĩ tâm thần của cả bên công tố và bên bào chữa đều xác định bà Chi mắc chứng tâm thần phân liệt mạn tính, thường nghi ngờ bản thân bị người khác hãm hại, bị ảo giác và không thể phân biệt được giữa tưởng tượng và sự thật.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn ra phán quyết với đa số phiếu rằng Mã Khiết Chi đủ năng lực hầu tòa.
Trong phiên tòa xét xử ngày 4/10/1988, thẩm phán tuyên bố rằng đây là một vụ án bất thường, do không tìm thấy thi thể nên không có đủ bằng chứng để chứng minh bà Chi phạm tội giết người. Hai bác sĩ tâm thần giàu kinh nghiệm đều làm chứng rằng bị cáo bắt đầu mắc chứng tâm thần phân liệt, hoang tưởng bị hại cách đây 20 năm. Theo luật, nếu bị cáo bị bệnh tâm thần vào thời điểm giết người, trách nhiệm hình sự sẽ giảm đáng kể và chỉ có thể bị coi là ngộ sát.
Thẩm phán nhắc nhở bồi thẩm đoàn nếu tin rằng lời thú nhận giết người của bị cáo trước cảnh sát là sự thật, bị cáo nên bị kết tội ngộ sát, nếu không, bị cáo sẽ được thả. Sau khi bồi thẩm đoàn gồm bốn nam và ba nữ nghị án trong sáu giờ, họ bỏ phiếu với tỷ lệ 5-2 và tuyên Mã Khiết Chi phạm tội ngộ sát. Thẩm phán tuyên bà Chi phải điều trị trong bệnh viện tâm thần vô thời hạn.
Khi ra tòa hay khi nghe tuyên án, bà Chi đều không thể hiện cảm xúc, trái ngược với con gái nhiều lần khóc nức nở trên ghế dự thính.
Ngày 7/10/1988, ông Khôn thừa nhận hành vi giam cầm trái phép Phó Đường và bị tuyên án hai năm tù treo. Khi đưa ra phán quyết, thẩm phán cho biết đây là vụ án đặc biệt, cũng là bi kịch gia đình. Bà Chi tìm bị cáo nhờ giúp đỡ, nói rằng ông Đường có quan hệ ngoài luồng và ngược đãi mình. Bị cáo và hai người bạn khi đến hiện trường vụ án để trói ông Đường không mang theo bất kỳ vũ khí nào, cho thấy họ không phải là tội phạm chuyên nghiệp và khả năng tái phạm không cao. Do đó, bị cáo được tuyên mức án nhẹ. Bị cáo đã bị cảnh sát tạm giam hai tháng rưỡi sau vụ việc nên cho hưởng án treo, được thả tự do tại tòa.
Vụ án này được truyền thông gọi là một trong "Thập đại kỳ án Hong Kong", cùng với vụ giấu xác trong Hello Kitty nhồi bông, vụ phi tang nữ tiếp viên hàng không...
Trong nhiều năm, căn hộ xảy ra án mạng thường xuyên bị miêu tả là "nhà ma". Hai năm sau vụ án, căn hộ được bán cho một nhà đầu tư với giá hơn 1,1 triệu HKD, người này sau đó rao bán lại để kiếm lời nhưng không ai mua, chuyển sang cho người nước ngoài thuê.
Sau bảy năm điều trị tại bệnh viện tâm thần, bà Chi được thả vào cuối năm 1995 sau khi các bác sĩ cho rằng tình trạng của bà đã hồi phục. Bà cùng gia đình mai danh ẩn tích.
Vụ án này được chuyển thể thành phim truyền hình Criminal Archives - Husband in Cook (1992), phim điện ảnh My Better Half (1993).
Tuệ Anh (Theo Singpao, Stheadline)