Nhà chức trách Tây Ban Nha hồi giữa tháng thông báo đang điều tra thông tin về việc đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid bị đột nhập.
Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin sự việc xảy ra vào ngày 22/2, được thực hiện bởi 10 người mang theo vũ khí giả. Những người này bị cáo buộc vào đại sứ quán thẩm vấn và đánh đập các nhân viên tại đây.
Theo giới chức Tây Ban Nha, vụ đột nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đèn đường gần đại sứ quán chỉ hoạt động ở cường độ thấp vào ngày xảy ra vụ cướp. Các hệ thống an ninh khác xung quanh tòa nhà sứ quán đều bị vô hiệu hóa.
Chiều 22/2, công dân Mexico Adrian Hong Chang gọi điện đến đại sứ quán và yêu cầu gặp tùy viên thương mại Yun Sok-so. Hai người từng gặp nhau hai tuần trước, khi Hong Chang đóng giả là một doanh nhân quan tâm đến các cơ hội làm ăn ở Triều Tiên.
Hong Chang sau đó đưa 9 người vào. Họ mang theo dao, thanh sắt và súng giả, tấn công nhân viên ở đây, bịt miệng và trói họ bằng còng tay và dây cáp rồi lấy đi máy tính, ổ cứng, USB và điện thoại di động. Nhóm cố gắng thuyết phục Yun Sok-so đào tẩu nhưng ông này khước từ.
Trong lúc những người lạ mặt xông vào đại sứ quán, một phụ nữ Triều Tiên đã thoát ra ngoài và kêu cứu, khiến cư dân xung quanh phát hiện và gọi báo cảnh sát.
Khi cảnh sát gõ cửa đại sứ quán, Hong Chang đã thuyết phục các sĩ quan tin rằng anh ta là một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên và mọi thứ bên trong đại sứ quán vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường. Vài giờ sau, Hong Chang tới Lisbon và bắt chuyến bay tới New York, Mỹ.
Hong Chang được cho là thủ lĩnh nhóm Dân phòng Cheollima, tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên. 5 ngày sau vụ đột nhập, Hong Chang đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại New York, dường như nhằm cung cấp thông tin liên quan tới sự cố trong đại sứ quán.
Dân phòng Cheollima hôm nay thừa nhận đứng sau vụ đột nhập. Tuy nhiên, trong một thông báo đăng trên trang web của nhóm, Dân phòng Cheollima khẳng định sự việc ở đại sứ quán Triều Tiên "không phải một cuộc tấn công" và họ đã phản ứng lại "một tình huống khẩn cấp" bên trong đại sứ quán.
Vụ đột nhập diễn ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, làm dấy lên những đồn đoán cho rằng nhóm tìm cách lấy thông tin về cựu đại sứ Triều Tiên ở Tây Ban Nha Kim Hyok-chol.
Kim bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha hồi tháng 9/2017 sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6 và phóng tên lửa đạn đạo qua phía bắc Nhật Bản. Ông hiện đóng vai trò là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên với Mỹ.
Dân phòng Cheollima phủ nhận việc hợp tác với FBI hay tổ chức nước ngoài nào khác. "Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội không liên quan tới hoạt động này. Chúng tôi đã nhận thức được và xin lỗi vì mọi sự bất tiện gây ra cho chính quyền Tây Ban Nha, những người bị bất đắc dĩ lôi vào một tình huống khó khăn", thông báo từ Dân phòng Cheollima có đoạn.
Dù vậy, nhóm xác nhận việc một thành viên của họ đã liên lạc với FBI để "chia sẻ một số thông tin nhất định có giá trị tiềm năng to lớn". "Những thông tin này được chia sẻ tự nguyện và theo yêu cầu của họ, không phải chúng tôi", thông báo nêu.
Thẩm phán Tây Ban Nha Jose de la Mata cho rằng toàn bộ 10 nghi phạm đột nhập sứ quán Triều Tiên đã đến Mỹ. Ông dự định yêu cầu Mỹ dẫn dộ những người nói trên đến Tây Ban Nha, nơi họ có thể đối mặt án tù 28 năm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino khẳng định Washington không liên quan đến vụ đột nhập.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)