Khu trục hạm Đô đốc Vinogradov của Nga và tàu tuần dương USS Chancellorsville Mỹ hôm 7/6 suýt va chạm trên biển Hoa Đông. Hải quân Mỹ và Nga đều cáo buộc chiến hạm đối phương có hành động gây nguy hiểm, suýt dẫn đến tai nạn.
Đây không phải lần đầu tàu chiến hai nước suýt đâm nhau trên biển. Một biên đội tàu chiến Mỹ từng đi vào vùng biển cách phía nam bán đảo Crimea chưa đầy 12 hải lý vào ngày 12/2/1988, khiến hải quân Liên Xô khi đó triển khai lực lượng truy cản một cách quyết liệt.
Trong thập niên 1980, tàu chiến Mỹ di chuyển từ Địa Trung Hải vào Biển Đen khoảng hai hoặc ba lần mỗi năm nhằm phô trương lực lượng, đồng thời thực thi quyền đi qua vô hại qua lãnh hải của những nước giáp Biển Đen, trong đó có Liên Xô.
Trong khi đó, bộ luật do Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua năm 1983 chỉ công nhận quyền đi qua vô hại của tàu chiến nước ngoài ở một số tuyến hàng hải nhất định trên Biển Baltic, Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản, không đề cập tới khu vực Biển Đen.
Liên Xô thường xuyên triển khai tàu chiến, máy bay giám sát chiến hạm Mỹ xuất hiện tại Biển Đen. Moskva cáo buộc sự hiện diện của Washington là nỗ lực phá hoại quan hệ song phương đang cải thiện trong thập niên 1980.
Sau vụ biên đội tàu chiến Mỹ di chuyển cách bờ biển Liên Xô chỉ 6 hải lý vào ngày 13/3/1986, tư lệnh hải quân Liên Xô Vladimir Chernavin đề xuất hàng loạt phương án xua đuổi chiến hạm nước ngoài khỏi lãnh hải, trong đó có biện pháp đâm húc.
Sáng 12/2/1988, tàu tuần dương USS Yorktown và tàu khu trục USS Caron của Mỹ bắt đầu chiến dịch thực thi quyền di chuyển vô hại trên Biển Đen. USS Caron di chuyển cách bán đảo Crimea khoảng 6,5 hải lý, trong khi USS Yorktown ở cách bờ biển Liên Xô khoảng 8,9 hải lý.
Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Liên Xô Mikhail Khronopulo nhận lệnh ngăn chặn nhóm tàu chiến Mỹ. Tàu khu trục Krasnyy Kavkaz được triển khai, nhưng sự cố kỹ thuật khiến nó không thể tiếp tục hành trình. Tàu hộ vệ Bezzavetnyy và tàu hộ vệ chống ngầm SKR-6 sau đó được điều động, dù cả hai đều có kích thước và hỏa lực thua kém chiến hạm Mỹ.
SKR-6 tiếp cận chiếc USS Caron, trong khi Bezzavetnyy bám đuôi USS Yorktown, mọi diễn biến được theo dõi sát bởi các oanh tạc cơ Tu-16 và một tàu do thám Liên Xô.
Báo cáo của chỉ huy USS Yorktown cho biết tàu hộ vệ Bezzavetnyy gửi thông điệp vô tuyến lúc 9h56 với nội dung "Hãy rời khỏi lãnh hải Liên Xô, nếu không chúng tôi sẽ hành động". Bezzavetnyy sau đó áp sát mạn trái phía sau tuần dương hạm Mỹ, tàu chống ngầm SKR-6 cũng rút ngắn giãn cách với USS Caron.
Tới 10h02, SKR-6 đột ngột chuyển hướng sang phải, đâm vào đuôi trái USS Caron khi hai tàu đang di chuyển song song ở cách bờ biển Crimea khoảng 10,5 hải lý. Sau cú đâm, tàu chiến Mỹ chỉ bị trầy xước sơn và không có người bị thương, chiếc SKR-6 cũng không có thiệt hại.
Một phút sau, Bezzavetnyy tăng tốc và đâm mạnh vào mạn trái USS Yorktown. Cú đâm làm mỏ neo phải của tàu chiến Liên Xô bị đứt, còn hai ống phóng tên lửa chống hạm Harpoon của USS Yorktown bị hỏng hoàn toàn. Bezzavetnyy sau đó di chuyển về phía trái và giữ khoảng cách 270 m với tàu chiến Mỹ.
Biên đội tàu chiến Mỹ tiếp tục giữ nguyên hành trình và rời khỏi lãnh hải Liên Xô sau hai giờ. Lúc 13h20, tàu hộ vệ Bezzavetnyy tiếp tục phát cảnh báo tới chiến hạm Mỹ. "Các tàu Liên Xô có lệnh ngăn chặn hành động xâm phạm lãnh hải, biện pháp mạnh nhất là dùng tàu chúng tôi đâm húc các anh", thông điệp này cho biết.
"Chúng tôi đang thực thi quyền di chuyển vô hại theo luật pháp quốc tế", thủy thủ đoàn USS Caron hồi đáp. Tuy nhiên, nhóm tàu chiến Mỹ không trở lại vùng lãnh hải Liên Xô sau sự việc này.
Moskva sau đó ra thông cáo cho biết nhóm tàu chiến Mỹ đã phớt lờ "tín hiệu cảnh báo từ các tàu biên phòng" và "cơ động nguy hiểm trong lãnh hải Liên Xô", trong khi Washington phản đối thông qua đường ngoại giao.
Đây là sự cố căng thẳng nhưng khó gây nguy cơ nổ ra xung đột quân sự, do tàu chiến Liên Xô chỉ nhận lệnh đẩy đuổi và không được phép dùng vũ khí tấn công tàu chiến Mỹ.
"Thành thực mà nói, lúc đó không ai trên đài chỉ huy mặc áo phao dù đã có lệnh. Nhiều thủy thủ tàu Yorktown cũng đứng trên boong cười nói, vẫy tay và chụp ảnh chúng tôi. Hạm trưởng của họ còn xuất hiện với lễ phục hoành tráng nhất. Người Mỹ hành động như thể đang tham gia chương trình giải trí", đại tá Vladimir Bogdashin, chỉ huy tàu hộ vệ Bezzavetnyy, cho biết trong cuộc phỏng vấn sau vụ đâm nhau.
Vũ Anh (Theo WATM)