Đài truyền hình Nhật Bản NHK hôm nay dẫn lời quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản nói rằng vụ tai nạn ở sân bay Haneda hôm 2/1 có thể xảy ra do "cơ trưởng Cảnh sát biển (JCG) hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu".
Theo quan chức này, kiểm soát không lưu tại sân bay Haneda đã cho phép máy bay Japan Airlines chở 379 người hạ cánh và yêu cầu phi cơ tuần thám Bombardier DHC-8-315Q của JCG dừng chờ trên đường lăn sát đường băng để tránh nguy cơ va chạm.
Máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản khi đó chuẩn bị cất cánh để hỗ trợ chiến dịch cứu hộ nạn nhân trận động đất mạnh 7,6 độ ở miền trung nước này ngày 1/1. Haneda là sân bay đông đúc nhất nước này, đón hơn 26,5 triệu lượt khách năm 2021.
Tuy nhiên, Genki Miyamoto, 39 tuổi, cơ trưởng máy bay Cảnh sát biển, dường như đã hiểu nhầm chỉ thị của kiểm soát viên không lưu và thông báo với JCG rằng đã được "cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh" ngay trước khi xảy ra tai nạn.
Giới chức Nhật Bản chưa bình luận về thông tin, nhưng đang tích cực điều tra nguyên nhân tai nạn, trong đó dữ liệu về chỉ thị của kiểm soát viên không lưu cùng các hệ thống chỉ dẫn tại sân bay là đầu mối quan trọng.
"Câu hỏi rõ ràng là liệu máy bay JCG có tiến vào đường bay hay không, nếu có thì tại sao", Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không tại công ty tư vấn Cirium Ascend có trụ sở tại Anh, cho hay.
Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân hai máy bay va chạm trên đường băng, bởi các tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố gây ra.
Máy bay Airbus A350 của hãng Japan Airlines va chạm với phi cơ JCG đang chuẩn bị cất cánh tại sân bay Haneda ở Tokyo chiều tối 2/1. Toàn bộ 379 người trên chiếc A350 thoát hiểm an toàn, trong khi cơ trưởng phi cơ Cảnh sát biển bị thương nặng và 5 người trong tổ bay thiệt mạng. Cả hai máy bay đều bị cháy rụi sau sự cố.
Tai nạn xảy ra khi trời tối, khiến tầm quan sát của phi công trong buồng lái bị hạn chế. Chiếc Bombardier của Cảnh sát biển Nhật Bản lại có kích thước tương đối nhỏ so với máy bay Airbus A350, nên phi công dân sự lúc hạ cánh sẽ rất khó nhận ra nó đang tiến vào đường băng.
Một yếu tố khác có thể dẫn đến va chạm là thiết kế cánh nằm ở phía trên thân của chiếc Bombardier, khiến toàn bộ đèn bên trong khoang bị cánh che khuất và trở nên khó quan sát hơn từ trên cao.
Flight Safety Foundation (FSF), tổ chức an toàn hàng không tại Mỹ, cho rằng sai sót liên lạc, điều phối không lưu thường đóng vai trò không nhỏ trong các vụ tai nạn hoặc suýt va chạm trên đường băng. Tình trạng thiếu các hệ thống điện tử để cảnh báo nguy cơ va chạm dưới mặt đất cũng là mối lo ngại với các chuyên gia.
"Nhiều sự cố nghiêm trọng có thể đã được ngăn chặn nếu có những công nghệ tăng cường khả năng nhận thức môi trường xung quanh, giúp kiểm soát không lưu và phi công phát hiện nguy cơ va chạm trên đường băng", Hassan Shahidi, CEO của FSF, nêu quan điểm.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nhật Bản (JTSB) đã cử 6 chuyên gia đến hiện trường ở sân bay Haneda và bắt đầu quá trình điều tra toàn diện từ sáng 3/1. Nguồn tin am hiểu tình hình nói rằng các cơ quan chức năng Pháp, nơi sản xuất máy bay Airbus A350, và Anh, quốc gia sản xuất hai động cơ Rolls-Royce dùng trên phi cơ, cũng tham gia điều tra.
Steve Creamer, cựu giám đốc cấp cao tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), nói rằng ngăn chặn va chạm giữa máy bay đang hạ cánh với phi cơ dưới mặt đất là một trong 5 ưu tiên hàng đầu với an toàn hàng không toàn cầu.
Các hệ thống tự động ngày càng phổ biến, nhưng trách nhiệm phòng tránh va chạm trên đường băng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kiểm soát không lưu và phi công, những người có thể bị mất tập trung bởi khối lượng công việc quá lớn và tầm nhìn kém vào ban đêm.
"Tôi nghĩ cuộc điều tra sẽ tập trung nhiều vào các chỉ thị từ kiểm soát không lưu, cũng như phi công Japan Airlines đã thấy gì trong sự việc và liệu họ có thực sự thấy máy bay khác trên đường băng hay không", John Cox, cựu chuyên gia điều tra tai nạn máy bay tại Mỹ, nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo NHK, Reuters)