Sau nhiều thập kỷ, cuộc điều tra về vụ việc Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) truyền máu nhiễm HIV cho hàng nghìn người đã kết thúc. Ngày 21/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã lên tiếng xin lỗi về bê bối này. Cuộc điều tra sâu rộng thực hiện từ năm 2017 sắp tới sẽ xác định trách nhiệm của từng bên liên quan.
Hơn 3.000 người chết vì bị truyền máu nhiễm bệnh
Vụ việc bắt đầu từ những năm 1970, khi Yếu tố đông máu VIII mới được phát triển để điều trị người mắc chứng rối loạn chảy máu. Đây là loại thuốc được tách ra từ huyết tương, giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu ở các bệnh nhân hemophilia A (rối loạn chảy máu di truyền).
Tình trạng thiếu máu khiến giới chức phải tìm nguồn máu giá rẻ từ Mỹ. Tuy nhiên, nguồn cung này thường đến từ người hiến tặng có rủi ro cao, từng là tù nhân hoặc người nghiện ma túy. Vì các sản phẩm đông máu được tạo ra bằng cách tổng hợp huyết tương từ hàng chục nghìn người hiến, chỉ lượng nhỏ máu bị nhiễm bẩn cũng có thể lây nhiễm cho cả một lô hàng.
Trước năm 1991, máu hiến tặng ở Anh không được sàng lọc bệnh viêm gan C và các loại virus khác một cách thường xuyên. Kết quả, kể từ 1970 đến đầu những năm 1990, ước tính có khoảng 30.000 người Anh được truyền máu và các sản phẩm từ máu đã nhiễm viêm gan C hoặc HIV. Hơn 3.000 người đã chết và hàng nghìn người khác phải sống chung với biến chứng sức khỏe. Nạn nhân là người cần truyền máu do bị tai nạn, phẫu thuật, người mắc rối loạn máu được điều trị bằng các chế phẩm huyết tương và người có quan hệ với bệnh nhân.
Vào giữa những năm 1970, giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo Yếu tố VIII nhập khẩu từ Mỹ có nguy cơ nhiễm virus cao hơn. Tuy nhiên, nỗ lực giúp Vương quốc Anh tự chủ về các sản phẩm máu trong những năm tiếp theo đã thất bại. Vì vậy, NHS tiếp tục sử dụng nguồn cung từ nước ngoài.
Các nhà vận động xã hội cho biết, người mắc bệnh máu khó đông có thể được cung cấp phương pháp điều trị thay thế, gọi là kết tủa lạnh. Hình thức này kém hiệu quả và khó quản lý hơn, nhưng được tạo ra từ huyết tương của một người hiến tặng, giải quyết được nguy cơ nhiễm trùng hàng loạt.
Cuối tháng 11/1983, chính phủ khẳng định "không có bằng chứng thuyết phục" cho thấy HIV lây truyền qua đường máu. Quan điểm này được cựu bộ trưởng y tế Ken Clarke ủng hộ mạnh mẽ. Đến tháng 4/1985, tất cả thuốc Yếu tố VIII đều được xử lý nhiệt để tiêu diệt virus HIV.
Cuộc điều tra muộn màng
Đến năm 2017, gần 50 năm sau bê bối diễn ra, cựu thủ tướng Theresa May công bố mở cuộc điều tra. Phiên điều trần chính thức đầu tiên tổ chức ngày 20/4/2019, do cựu thẩm phán Tòa án tối cao Sir Brian Langstaff dẫn dắt. Đây là một trong những cuộc điều tra công khai lớn nhất nước Anh. Khoảng 374 người đã đưa ra bằng chứng liên quan đến vụ việc. Giới chức cũng lấy 5.000 lời khai, xem xét 100.000 bộ tài liệu.
Một trong những người đầu tiên lên tiếng là Derek Martindale, người mắc bệnh máu khó đông. Ông được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1985, khi mới 23 tuổi. Bác sĩ khi ấy cho biết ông chỉ còn sống được một năm. Martindale qua khỏi, song anh trai ông, người cũng nhiễm HIV từ vụ việc, qua đời. Cuộc điều tra cũng khai thác các tâm sự đau lòng từ cựu học sinh tại trường nội trú Treloar, nơi hàng chục em mắc bệnh máu khó đông đã nhiễm HIV. Các bác sĩ chuyên khoa làm việc thời điểm đó cũng đưa ra bằng chứng.
Báo cáo ngày 21/5 kết luận vụ bê bối máu bẩn "không phải tai nạn". Đây là kết quả của hàng loạt thất bại y tế gây sốc trong nhiều năm. Báo cáo dài hơn 2.500 trang liệt kê "danh sách sai phạm" từ phía NHS, được thẩm phán Langstaff đánh giá là "nghiêm trọng, cộng lại tạo ra thảm họa".
Ông nhận định NHS đã thiếu sót trầm trọng công tác sàng lọc máu và có thái độ thiếu nghiêm ngặt với nguồn máu hiến tặng, dù biết rằng chính phủ đang nhập khẩu các sản phẩm kém an toàn. Họ cũng liên tục nói với bệnh nhân rằng đây là phương pháp điều trị tốt nhất. Nhắc đến sự việc tại trường Treloar, ông cho rằng NHS đã coi trẻ em là "đối tượng nghiên cứu" sau khi cung cấp các sản phẩm "rủi ro cao".
Báo cáo cũng nêu ra sai phạm khác, gồm thông báo chậm trễ cho bệnh nhân về tình trạng lây nhiễm, một số người biết tin mình bị HIV theo cách "thiếu tế nhị" và "không phù hợp". NHS còn thực hiện một số lần truyền máu thừa thãi, không cần thiết.
Bê bối bị che giấu
Câu hỏi quan trọng được đặt ra trong cuộc điều tra là "có sự che đậy bê bối từ phía NHS và chính phủ hay không".
"Phần lớn sự thật đã bị che giấu", báo cáo nêu rõ. Cuộc điều tra cũng cho biết phần nhiều trách nhiệm đối với sai phạm thuộc về các chính phủ kế nhiệm. Giới chức khi ấy đã không có hành động cụ thể để "bảo vệ danh dự và tiết kiệm chi phí". Đến nay, chưa tổ chức nào liên quan đến vụ bê bối này đứng ra nhận trách nhiệm pháp lý.
Cựu thẩm phán Langstaff đã chỉ trích các chính trị gia, gồm cố Thủ tướng Margaret Thatcher và người kế nhiệm John Major vì liên tục đưa ra các bình luận "không chính xác, gây hiểu lầm và mang tính bảo thủ" về sự an toàn của các sản phẩm. Ông nhận thấy chính quyền bà Thatcher không giải quyết các rủi ro do virus AIDS gây ra, trong khi hồ sơ bệnh nhân quan trọng cũng bị tiêu hủy.
Ông Langstaff lên án Kenneth Clarke, Bộ trưởng Y tế Anh từ năm 1982 đến 1985, đã có lời lẽ khiếm nhã với người bệnh phải chịu đựng tổn thương về thể chất, tinh thần, xã hội và tài chính từ vụ bê bối.
Chính phủ hiện tại cũng bị chỉ trích vì không hành động ngay lập tức đối với các kiến nghị liên quan đến việc bồi thường đưa ra vào năm ngoái. Thủ tướng Rishi Sunak từng không trả lời hai lá thư từ Chủ tịch Hạ Nghị viện Penny Mordaunt năm 2020 về việc đền bù cho gia đình người bệnh. Năm 2021, chính phủ thực hiện nghiên cứu nhằm đưa ra khung bồi thường hợp lý, song không thực hiện lời hứa này.
Chỉ đến đầu năm 2023, một nhóm nhỏ cấp Bộ lần đầu họp để thảo luận về việc khắc phục vấn đề về mặt tài chính. Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội thành lập nhóm khác để phân tích các chi phí liên quan. Tháng 12/2023, chính phủ cho biết đang cử chuyên gia tư vấn về việc bồi thường.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm qua đã mô tả "đây là vụ bê bối tồi tệ nhất trong cuộc đời". Ông nói các gia đình "hoàn toàn có quyền tức giận vì các thế hệ chính trị gia, gồm cả ông khi còn là thư ký Bộ Y tế, đã không hành động đủ nhanh để giải quyết vấn đề".
Các nạn nhân được bồi thường ra sao
Những người nhiễm bệnh đã nhận hỗ trợ tài chính hàng năm từ chính phủ, song thỏa thuận bồi thường cuối cùng chưa thống nhất. Cuối năm 2022, theo lời khuyên từ cuộc điều tra, chính phủ đã thanh toán tạm thời 100.000 bảng Anh cho khoảng 4.000 nạn nhân còn sống sót và một số tang quyến.
Tháng 4/2023, cựu thẩm phán Langstaff cho biết giới chức nên đưa ra khoản bồi thường tạm thời cho con cái và cha mẹ của những người mắc bệnh. Ông đề nghị thiết lập kế hoạch đền bù cuối cùng, với tổng chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD.
Vào hôm 21/4, chính phủ Anh dự kiến công bố gói hỗ trợ lên đến 12 tỷ USD bồi thường nạn nhân.
Thục Linh (Theo BBC, Hepctrust, Daily Mail)