Infected Blood Inquiry, đơn vị phụ trách điều tra bê bối truyền máu nhiễm mầm bệnh ở Anh, ngày 20/5 kết luận hơn 30.000 người đã nhiễm các loại virus như HIV và viêm gan sau khi bị truyền máu và sử dụng chế phẩm nhiễm mầm bệnh trong khoảng thời gian từ thập niên 1970 tới đầu những năm 1990.
Nạn nhân là người cần truyền máu do bị tai nạn, phẫu thuật, người mắc rối loạn máu được điều trị bằng các chế phẩm huyết tương và người có quan hệ với bệnh nhân.
Cuộc điều tra kết luận khoảng 3.000 người đã chết vì máu nhiễm mầm bệnh và sẽ còn nhiều người thiệt mạng thêm. Bê bối "máu bẩn" được coi là thảm họa điều trị lớn nhất trong 8 thập kỷ của Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS).
"Tôi thành thật xin lỗi. Những người có quyền hạn và được tin tưởng đã có cơ hội ngăn chặn sự lây truyền nhưng họ không làm được", Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trước Hạ viện, gọi việc phát hiện bê bối truyền máu nhiễm mầm bệnh là "ngày đáng hổ thẹn với nước Anh".
Thủ tướng Anh Sunak đồng thời cam kết sẽ bồi thường cho các nạn nhân "bất cứ giá nào". Chính phủ Anh ngày 21/5 dự kiến công bố gói hỗ trợ lên đến 12 tỷ USD bồi thường nạn nhân.
Những người bị truyền máu nhiễm mầm bệnh cùng thân nhân đã đấu tranh suốt nhiều năm. Brian Langstaff, chủ tịch của Infected Blood Inquiry, người dẫn dắt cuộc điều tra kéo dài 6 năm, gọi quy mô của bê bối truyền máu là "kinh hoàng".
Cuộc điều tra cho thấy máu từ những người hiến tặng không được sàng lọc kỹ lưỡng. Nhiều chế phẩm từ máu có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Mỹ, quốc gia cho phép người sử dụng ma túy và tù nhân được hiến máu.
Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng nhiều người đã bị truyền máu dù không cần thiết. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy các quan chức y tế Anh nỗ lực che đậy vụ bê bối bằng cách tiêu hủy tài liệu vào năm 1993. Cựu thủ tướng Anh Theresa May là người đã phát động cuộc điều tra vào năm 2017.
Ngọc Ánh (Theo AFP)