Giáo sư Greg Barton, chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa khủng bố, thuộc Đại học Monash, Australia, nhận định có thể tay súng đang bắt giữ con tin ở tiệm cafe Lindt, Sydney, không hành động một mình. Kế hoạch khủng bố đã được chuẩn bị kỹ càng để gây tác động tối đa, Telegraph dẫn lời ông nói.
Barton nhấn mạnh rằng địa điểm xảy ra vụ bắt cóc, một quán cafe đối diện đài truyền hình, là rất đáng chú ý, và việc y dùng những lá cờ đen mang thông điệp tiếng Arab dường như để thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
"Vụ việc được đưa tin càng lâu thì chúng càng tiến gần hơn tới mục đích. Chúng sẽ muốn vụ việc được kéo dài nhất có thể và đưa ra nhiều lời đe dọa nhất có thể", giáo sư Jeff Lewis từ đại học RMIT, Melbourne, bình luận.
"Hắn có khả năng là thành viên của một mạng lưới đang hoạt động ở các nhánh khủng bố, có thể là ở nước ngoài", giáo sư Barton nói. "Nếu đó là một thanh niên trẻ hành xử nóng giận và không có mục đích thì sẽ an tâm hơn. Một người đàn ông lớn tuổi là yếu tố nguy hiểm".
Tuy nhiên, ông Barton cho rằng vụ bắt cóc không quá bất ngờ bởi các thủ lĩnh phiến quân toàn cầu đang tích cực kêu gọi các chiến binh tấn công trên chính quê hương họ hơn là sang Iraq và Syria.
"Chúng ta có rất nhiều những thanh niên đầy giận dữ, người luôn tồn tại ý tưởng rằng sẽ trở thành đàn ông chỉ bằng cách thực hiện các hành động như chiến đấu ở nước ngoài. Chúng ta cũng có không ít những chàng trai trẻ, luôn phải chịu ảnh hưởng bởi một ai đó biết cách ve vuốt lòng tự trọng và nhu cầu thuộc về một nơi nào đó của họ", ông nói. Đây chính là nền tảng chiêu mộ của IS.
Malcolm Moore, cây bút từ Telegraph, thì cho rằng vụ bắt cóc ở Sydney có thể là đợt tấn công mới nhất của những nhóm cực đoan Hồi giáo đơn lẻ nhằm phản ứng lại trước các hành động quyết liệt chống IS của phương Tây.
Tuy nhiên, James Brown, nhà nghiên cứu quân sự tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, cho rằng dường như tay súng đang nắm giữ con tin ở khu trung tâm Australia hôm nay chưa qua đào tạo, huấn luyện. "Nhiều khía cạnh trong vụ việc lần này có vẻ khác thường nếu so sánh với kiểu tấn công khủng bố định hướng tuyên truyền thường thấy ở nước ngoài", SMH dẫn lời ông nói.
"Chưa có nhóm nào, ví dụ như IS, đứng ra nhận trách nhiệm. Có vẻ đây không phải là một kế hoạch phối hợp nhằm gửi đi thông điệp. Ở những nơi như Kabul và Baghdad, các cuộc tấn công khủng bố thường đi kèm với những nỗ lực tinh vi nhằm đưa ra thông điệp và quảng bá bộ mặt của nhóm chịu trách nhiệm", Brown cho biết thêm.
Vũ Hoàng