Tòa thượng thẩm thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm qua tuyên án tử hình với công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn ma túy, trong một vụ án được coi là "rất hy hữu" trong lịch sử tố tụng Trung Quốc và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với Canada, theo AFP.
Schellenberg, 36 tuổi, là công dân ở thành phố Abbotsford, tỉnh British Columbia, Canada. Theo AbbyNews, Schellenberg từng bị cảnh sát thành phố Abbotsford bắt và ngồi tù một năm và chịu quản thúc hai năm vào tháng 2/2010 với tội danh vận chuyển, buôn bán ma túy. Sau khi ra tù, đến tháng 8/2011, anh này tiếp tục bị bắt cũng với tội danh liên quan đến ma túy, dù đang trong thời gian quản chế. Tòa án tối cao tỉnh British Columbia năm 2012 kết án Schellenberg hai năm tù.
Được trả tự do 16 tháng sau đó, Schellenberg quyết định đi du lịch tới Đông Nam Á, thăm một loạt quốc gia như Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore và Thái Lan, trước khi đặt chân tới Trung Quốc. Schellenberg bị bắt ngày 19/11/2014 trong một chiến dịch chống ma túy của công an Trung Quốc tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông khi họ phát hiện đường dây vận chuyển ma túy đá từ Trung Quốc tới Australia.
Schellenberg bị cáo buộc âm mưu trộn lẫn hơn 222 kg ma túy đá với hạt nhựa rồi nhồi vào trong lốp xe hơi xuất khẩu tới Australia, nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Trong phiên tòa sơ thẩm ở Đại Liên vào tháng 11/2018, các thẩm phán cho rằng Schellenberg phạm tội buôn bán ma túy và kết án anh ta 15 năm tù cùng mức phạt 150.000 tệ (22.000 USD). Schellenberg sẽ bị trục xuất khỏi Trung Quốc vĩnh viễn sau khi chấp hành xong hình phạt.
Tuy nhiên, Schellenberg và luật sư quyết định nộp đơn kháng cáo lên tòa thượng thẩm thành phố Đại Liên, khẳng định mình chỉ là một du khách bình thường và bị một người Trung Quốc gài bẫy. Trong đơn kháng cáo, Schellenberg cho biết sau khi tới Liêu Ninh, anh ta được bạn bè giới thiệu một người phiên dịch tên là Xu Qing mà không biết rằng mình sắp bị dính líu vào một tổ chức buôn bán ma túy xuyên quốc gia.
Tòa án thành phố Đại Liên tổ chức phiên phúc thẩm một tháng sau đó để xem xét lại vụ án của Schellenberg. Theo Eva Dou, phóng viên của tờ WSJ tham dự phiên phúc thẩm, Schellenberg khai trước tòa rằng anh ta không ý thức được rằng mình đang bị Xu Qing gài bẫy, cũng không biết về kế hoạch vận chuyển một lượng lớn ma túy đá từ Trung Quốc tới Australia.
Schellenberg cho biết anh ta nghĩ Xu chỉ là một người bạn dẫn mình đi thăm thú Trung Quốc và giúp đỡ vài việc vặt mà không ý thức được rằng mình đang bị dẫn dụ vào một âm mưu buôn ma túy đá.
"Chính Xu Qing đã mật báo thông tin với cảnh sát. Xu không bị trừng phạt và không xuất hiện ở cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Schellenberg cáo buộc Xu đã đánh cắp toàn bộ số tiền trong thương vụ buôn bán ma túy này và sau đó gài bẫy anh ta. Luật sư đề nghị tòa điều tra xem Xu có phải là đặc tình của cảnh sát hay không", Dou viết trên Twitter.
"Toàn bộ vụ án này đều là do Xu Qing, hắn ta là một kẻ buôn bán ma túy xuyên quốc gia và là một tên tráo trở", Schellenberg nói với các thẩm phán thông qua người phiên dịch trong phiên phúc thẩm ngày 28/12. Schellenberg tuyên bố rằng vụ này được giật dây bởi Khamla Wong, một công dân Canada từng bị bắt vào năm 2016 với tội danh liên quan đến ma túy.
Tuy nhiên, những lời biện hộ này của Schellenberg không thuyết phục được các công tố viên Trung Quốc. Họ cho rằng Schellenberg có vai trò quan trọng trong một đường dây buôn ma túy từ Trung Quốc tới Australia, thậm chí là có thể dính líu tới các băng đảng xuyên quốc gia. Họ khẳng định mức án sơ thẩm đối với anh ta là quá nhẹ và cần được xem xét lại.
Thẩm phán nhất trí rằng các bằng chứng mới do công tố viên đưa ra đã thay đổi mức độ nghiêm trọng của vụ án và ra phán quyết xử lại từ đầu. Trung Quốc cho phép các quan chức đại sứ quán Canada và ba phóng viên quốc tế có mặt trong phiên tòa này.
Trong phiên xử lại ngày 14/1, công tố viên đưa Xu ra trước tòa với tư cách người làm chứng, người không nhìn vào Schellenberg trong suốt hai giờ cung cấp lời khai trước tòa. Khi bị Schellenberg và luật sư chất vấn, đặc biệt là khi được hỏi về khoản tiền 180.000 tệ mà anh ta được cho là nhận từ bị cáo, Xu tuyên bố không nhớ và chỉ đọc lại thông tin trong một bản ghi chép.
Hai bị cáo khác người Trung Quốc cũng liên quan trong vụ này và đã bị kết án, trong đó một người lĩnh án chung thân, người còn lại bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành án. Sau khi nghị án, tòa cho rằng mức phạt 15 năm tù đối với Schellenberg là quá nhẹ và quyết định tuyên anh ta mức án nặng nhất là tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản. Luật sư của Schellenberg xác nhận thân chủ của mình sẽ kháng cáo.
Ở Trung Quốc, buôn bán ma túy là tội danh đặc biệt nghiêm trọng và bị cáo thường phải nhận các mức án nghiêm khắc. Phiên tòa xử Schellenberg diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đang căng thẳng liên quan đến vụ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver và có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ.
"Việc xử lại ở Trung Quốc là hiếm khi xảy ra và xử lại với mức án nặng hơn còn hy hữu hơn nữa", Donald Clarke, giáo sư về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington, nhận xét. "Có vẻ như số phận của Schellenberg sẽ bị định đoạt mà không liên quan gì tới việc anh ta có tội hay không".
Giáo sư Clarke hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra được lời giải thích hợp lý cho những điều bất thường trong vụ án này. "Nếu không, tôi cho rằng vụ này không còn cách giải thích nào khác ngoài một lời đe dọa đơn thuần", ông nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bác bỏ mọi cáo buộc về động cơ chính trị hay sức ép ngoại giao trong vụ xử Schellenberg. "Hãy hỏi những người chỉ trích rằng các cơ quan tố tụng có liên quan của Trung Quốc đã vi phạm luật nào khi ra lệnh xử lại", ông Lục nói. "Nếu không có điều luật nào bị vi phạm, tôi hy vọng những người đó ngừng nghi ngờ một cách vô cớ rằng người khác chính trị hóa các vấn đề luật pháp như cách họ đang làm".
Chính phủ Canada cũng cho rằng không có sự liên quan giữa phiên tòa xử Schellenberg với vụ Mạnh Vãn Chu. Tuy nhiên, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định bản án đối với công dân Canada này là "cực kỳ đáng lo ngại" và cho rằng chính phủ Trung Quốc "hành xử tùy tiện".