Sự việc xảy ra năm 1850, ở bang Massachusetts. Ông Brown và ông Kendall là hai hàng xóm và đều nuôi chó. Một ngày nọ, những con chó bắt đầu cắn nhau.
Ông Kendall lấy cây gậy dài khoảng một mét, và bắt đầu đánh lũ chó để tách chúng ra. Ông Brown đứng quan sát từ khoảng cách khá xa. Lũ chó trong quá trình cắn nhau đã di chuyển lại gần khiến ông Brown phải chạy nấp về phía lưng ông Kendall.
Ông Kendall không thấy Brown ra sau lưng mình. Ông Kendall với cây gậy dài hơn một mét trong tay, vung qua vai, lấy đà để can lũ chó nhưng lại vô tình đâm trúng mắt người hàng xóm đằng sau. Ông Brown bị thương nặng, kiện ông Kendall về tội hành hung, đòi bồi thường.
Những vấn đề đặt ra trong phiên tòa sơ thẩm là liệu việc bị đơn can thiệp vào cuộc chiến giữa những con chó có cần thiết, hợp pháp và phù hợp hay không? Và nếu có, đã được thực hiện theo cách đúng đắn chưa? Một cá nhân hành động vô ý và gây thiệt hại cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó ở mức độ nào?
Thẩm phán đã đưa ra một số hướng dẫn luật cho bồi thẩm đoàn làm căn cứ trong quá trình xem xét vụ kiện như sau.
Về khái niệm "sự cẩn trọng", luật Mỹ định nghĩa, các cá nhân đều có nghĩa vụ phải hành xử thận trọng, hợp lý khi hoạt động hàng ngày để đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra, tránh làm tổn hại đến người khác và chính bản thân mình.
Mức độ cẩn trọng cần thực hiện trong mỗi tình huống cụ thể có thể được chia làm 3 loại tăng dần: ít cẩn trọng, cẩn trọng hợp lý và đặc biệt cẩn trọng.
Tòa ví dụ, một người thử súng trên một đầm lầy rộng lớn hoặc trong rừng sẽ được yêu cầu mức độ cẩn trọng thấp hơn khi làm việc này ở một thị trấn, làng mạc có người ở, hoặc thành phố.
Nếu việc đánh chó là hành động cần thiết và bị đơn đã làm việc đó một cách phù hợp, và với sự thận trọng thông thường vào thời điểm xảy ra cú vung gậy thì bị đơn không phải chịu trách nhiệm.
Ngược lại, nếu việc can ngăn chó cắn nhau không phải là hành động cần thiết,bị đơn phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cú đánh. Trừ khi ông Kendall chứng minh đã thực hiện hành động đó với sự cẩn trọng đặc biệt và tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Bị đơn phải chứng minh đã hành động với sự cẩn trọng đặc biệt.
Về phía nguyên đơn Brown, cần xem xét suốt quá trình sự việc xảy ra, ông có thể hiện sự thận trọng thông thường không, đứng cách lũ chó bao xa, có hành động quá khích nào với chúng hay với bị đơn không, có đứng xa tầm vung gậy của hàng xóm không... ? Tóm lại, ông có cẩn trọng đúng mức, có ý thức tự bảo vệ mình không? Nếu không, ông không thể đòi bồi thường. Quy tắc này sẽ được áp dụng bất kể việc bị đơn can hai con chó, là cần thiết hay không cần thiết.
Bồi thẩm đoàn sau đó ra phán quyết rằng bị đơn hành động bất cẩn, can chó cắn nhau không cần thiết. Tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện và bị đơn phải bồi thường thiệt hại.
Ông Kendal không đồng ý kết quả này, kháng cáo lên tòa án cấp cao bang Massachusetts.
Tại phiên phúc thẩm, đối chiếu với 3 mức độ cẩn trọng mà luật quy định, tòa đánh giá hành động ông Kendall can hai chú chó cắn nhau bằng gậy dài một mét cần được xét là trường hợp cần ít cẩn trọng, cẩn trọng hợp lý hay đặc biệt cẩn trọng để tránh gây thương tích cho người khác? Tòa cho rằng trường hợp này, ông Kendall cần hành xử cẩn trọng ở mức thứ hai, là hợp lý.
Và thực tế, ông đã hành xử cẩn trọng hợp lý với việc sử dụng chiếc gậy đủ dài để chính mình không bị thương. Nguyên đơn cũng nhận thức được hai nguy cơ tồn tại quanh mình (chiếc gậy dài, và hai chú chó đang cắn nhau) nên ban đầu chủ động đứng ở một khoảng cách đủ xa cả hai nhân tố trên. Nhưng sau đó, ông lại chủ động dịch chuyển về sau lưng bị đơn, và điều này bị đơn không biết.
Tòa phúc thẩm cũng bác bỏ nhận định của cấp sơ thẩm rằng việc can chó cắn nhau là không cần thiết. Hành động của ông Kendall nhằm tách hai chú chó đang chiến đấu với nhau. Hai con chó đều là tài sản có người sở hữu, một của chính ông ta, và một của ông Brown. Nếu không có sự can ngăn của chủ, hai con chó, chính xác là hai "tài sản" này, có thể bị thương tích thậm chí mất mạng. Do đó, hành động của bị đơn là cần thiết.
"Vậy bị đơn đã hành động với động cơ hợp pháp và đúng đắn; thực hiện bằng các phương tiện thích hợp và an toàn, ở mức độ cẩn trọng hợp lý. Khi giơ gậy lên, ông ta vô tình đánh vào mắt nguyên đơn dẫn đến bị thương. Đây là kết quả của sự ngẫu nhiên thuần túy, không thể tránh khỏi", bản án phúc thẩm nêu.
Tòa phúc thẩm cũng cho rằng việc tòa sơ thẩm yêu cầu bị đơn chứng minh mình đã hành động đặc biệt cẩn trọng là không hợp lý. Mà người đang kiện, tức nguyên đơn, phải là người chứng minh, bị đơn đã hành động bất cẩn dẫn đến tai nạn. Tòa cấp cao Massachusetts do đó hủy án sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại từ đầu.
Hiện không có tài liệu về việc vụ kiện cuối cùng được xét xử ra sao, rất đôi bên đã đi đến thỏa thuận ngoài tòa án do trong quá trình phúc thẩm, bị đơn Kendall đã qua đời.
Vụ án có vẻ nhỏ nhặt này là vụ án đầu tiên và quan trọng nhất đặt nền móng cho sự hoàn thiện của Luật Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (Tort Law) của nước Mỹ: Không phải cứ có thiệt hại là đương nhiên sẽ có một bên nào đó phải bồi thường, hoặc bồi thường tất cả.
Ví dụ, kinh điển cho trách nhiệm này là trong vụ kiện cốc cà phê nóng trị giá 2,9 triệu USD năm 1992 liên quan thương hiệu McDonald.
Theo đó, bà Stella mua cốc cà phê nóng, nhưng không có chỗ để trên ôtô nên đã kẹp giữa hai đùi trong khi cố gắng mở nắp để thêm kem và đường. Chiếc cốc lật úp, cà phê nóng tràn ra hết khiến bà bị bỏng 16%, mức độ ba.
Trong vụ án này, nghĩa vụ về sự cẩn trọng đã được áp dụng trong phán quyết. Cụ thể, bà Stella đã có lỗi trong việc mở nắp cốc café nóng khi đang lái xe làm cho cà phê đổ lên người dẫn đến bị bỏng. Bà đã không hành động cẩn trọng ở mức độ phù hợp, nên bà phải chịu trách nhiệm 20% hậu qủa vụ việc. McDonald phải bồi thường 80% thiệt hại, tức tương đương với lỗi của họ.
Một trong căn cứ để xác định mức độ thiệt hại là xem xét mức độ lỗi, trong đó có cả bị hại.
Hải Thư (Theo Quimbee, Supreme Court of Massachusetts, Havard Law Review, Columbia University)