Đầu mùa hè năm 2022, Cơ quan Tình báo An ninh Canada nhận được thông tin về một kế hoạch ám sát nhắm vào Hardeep Singh Nijjar, thủ lĩnh phe ly khai người Sikh đang sống tại Surrey, vùng ngoại ô Vancouver. Họ lập tức cảnh báo với Nijjar về mối đe dọa này để đề phòng.
Dù vậy, hôm 18/6, khi chiếc xe chở Nijjar tiến vào bãi đậu tại đền thờ Guru Nanak Sikh Gurudwara của người Sikh ở Surrey, hai người đàn ông cao to bịt mặt tiến đến gần và nổ súng. Nijjar thiệt mạng tại chỗ, còn hai sát thủ tháo chạy về phía một chiếc xe đang chờ gần đó.
Cảnh sát Canada tới nay chưa bắt được nghi phạm nào liên quan tới vụ ám sát, nhưng phát biểu trước quốc hội hôm 18/9, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết "có những bằng chứng đáng tin cậy về mối liên hệ tiềm tàng giữa đặc vụ của chính phủ Ấn Độ với vụ sát hại công dân Canada Hardeep Singh Nijjar".
New Delhi lập tức bác bỏ, gọi đây là cáo buộc "vô lý", đồng thời yêu cầu Canada trấn áp các nhóm chống Ấn Độ hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Ấn Độ ngày 19/9 trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Canada, vài giờ sau khi Ottawa trục xuất một quan chức hàng đầu Ấn Độ. Những động thái "ăn miếng trả miếng" này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang leo thang nhanh chóng liên quan đến vụ ám sát Nijjar.
Một phần nguyên nhân khiến căng thẳng giữa New Delhi và Ottawa bị đẩy lên cao bắt nguồn từ việc Nijjar, 45 tuổi, là thủ lĩnh người Sikh nổi tiếng ở tỉnh British Columbia, tây Canada. Ông ủng hộ thiết lập "nhà nước độc lập" mang tên Khalistan cho người Sikh tại khu vực miền bắc Ấn Độ, thậm chí là một phần Pakistan.
Nijjar sinh ra tại quận Jalandhar thuộc bang Punjab, phía bắc Ấn Độ, và chuyển đến Canada vào năm 1997, nơi ông kết hôn, có hai con trai, nhập tịch và kiếm sống bằng nghề sửa ống nước, theo Cơ quan Giám sát Chủ nghĩa Cực đoan Khalistan của Viện Quản lý Xung đột Độc lập, trụ sở tại New Delhi.
Ban đầu, ông có liên hệ với nhóm ly khai người Sikh Babbar Khalsa International (BKI), theo Cơ quan Điều tra Quốc gia Ấn Độ. New Delhi đã liệt BKI vào danh sách "tổ chức khủng bố", cáo buộc họ được Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI) của Pakistan tài trợ. Tuy nhiên, Islamabad phủ nhận cáo buộc này.
Năm 2016, truyền thông Ấn Độ đưa tin Nijjar bị nghi ngờ chủ mưu một vụ đánh bom ở bang Punjab, nơi có đa số người theo đạo Sikh, và huấn luyện những kẻ khủng bố ở một thành phố nhỏ phía đông nam Vancouver.
Nijjar bác bỏ, nói với báo Vancouver Sun rằng ông bận rộn đến mức không có đủ thời gian tham gia vào hoạt động chính trị của cộng đồng người Sikh hải ngoại.
"Tất cả các cáo buộc đó đều là rác rưởi. Tôi đã sống ở đây 20 năm, đúng không? Hãy nhìn vào hồ sơ của tôi. Chẳng có gì cả. Tôi là một người làm việc chăm chỉ. Tôi có công việc kinh doanh của riêng mình trong lĩnh vực sửa ống nước", Nijjar nói với tờ báo.
Dù vậy, trong một bức thư ngỏ cùng năm, Nijjar tuyên bố ông là "người theo chủ nghĩa dân tộc đạo Sikh, tin tưởng và ủng hộ quyền tự quyết và độc lập của người Sikh tại Punjab".
Theo một thông báo năm 2020 từ chính phủ Ấn Độ, Nijjar sau đó trở thành chỉ huy Lực lượng Hổ Khalistan (KTF), "tích cực tham gia vào việc vận hành, kết nối, đào tạo và tài trợ" cho các thành viên của nhóm.
Ấn Độ cũng liệt Nijjar vào danh sách "khủng bố" với lý do ông tham gia vào việc "khuyến khích các cuộc bạo loạn và nổi dậy" cũng như "cố gắng châm ngòi bất hòa giữa các cộng đồng sắc tộc khác nhau" ở trong nước.
Ấn Độ lo các hoạt động của cộng đồng người Sikh ở nước ngoài, đặc biệt là Canada, có thể khiến phong trào ly khai bùng phát trở lại. Bang Punjab của Ấn Độ từng rung chuyển vì phong trào ly khai bạo lực vào những năm 1980, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Canada là một trong những quốc gia có tỷ lệ người gốc Ấn cao nhất thế giới, với khoảng 1,4 triệu người trên tổng dân số gần 40 triệu. Canada cũng có tỷ lệ người Sikh cao nhất, chỉ sau Punjab, với khoảng 770.000 người theo tôn giáo này, theo kết quả điều tra dân số năm 2021.
Đối với những người ủng hộ thành lập "nhà nước Khalistan độc lập", Nijjar là một thủ lĩnh nổi bật, có ảnh hưởng mạnh mẽ và được bầu làm người đứng đầu đền thờ Guru Nanak Sikh Gurudwara.
Truyền thông Canada cho biết sau khi Nijjar bị ám sát, hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Ấn Độ ở Vancouver, cáo buộc có "bàn tay nước ngoài" tham gia vào vụ giết hại ông.
Họ mô tả Nijjar là người "hiền hòa" và "khiêm tốn", bác bỏ cáo buộc rằng ông có dính líu đến bạo lực. "Ông ấy là một người đáng kính, làm việc chăm chỉ, một người đàn ông của gia đình", Gurkeerat Singh, người tham gia biểu tình, nói.
Hôm 18/9, Moninder Singh, người phát ngôn của Hội đồng Sikh Gurdwara ở British Columbia, nói với CTV News rằng làn sóng ủng hộ Nijjar sau khi ông qua đời là dấu hiệu cho thấy thủ lĩnh người Sikh này được nhìn nhận thế nào trong cộng đồng.
Cái chết của Nijjar "đã gây chấn động cộng đồng người Sikh trên toàn thế giới, trong đó có cả Punjab", Singh nói.
Song tại Punjab, các chính trị gia địa phương cho biết Nijjar và phong trào của ông ít được biết đến, bất chấp những cáo buộc của chính phủ Ấn Độ nhằm vào ông.
"Nijjar đã sống ở nước ngoài nhiều năm trước và không còn ai nhớ tới hay nhắc đến ông ấy", Raman Arora, nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền ở thành phố Jalandhar, tỉnh Punjab, nói. "Phong trào Khalistan đã chết ở đây suốt nhiều thập kỷ qua".
Nhưng giới quan sát lo ngại căng thẳng giữa Canada và Ấn Độ liên quan đến cái chết của Nijjar có thể tiếp tục leo thang, khiến các nước phương Tây phải "chọn phe" trong bối cảnh họ đang nỗ lực củng cố quan hệ với Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ấn Độ gần đây tìm cách thể hiện mình là nước dẫn dắt các quốc gia đang phát triển, hay còn gọi là Nam Bán cầu. Đây là những nước mà Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, trong đó có Canada, đang tìm cách lôi kéo trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Phương Tây tới nay vẫn kêu gọi các bên kiềm chế và chờ đợi kết quả cuộc điều tra mà Canada đang tiến hành. Tuy nhiên, nếu các điều tra viên Canada cho rằng Ấn Độ có liên quan, Mỹ và các đồng minh sẽ phải lựa chọn ủng hộ Canada hoặc Ấn Độ trong cuộc tranh cãi.
"Các lãnh đạo chắc chắn sẽ không muốn căng thẳng hiện nay giữa Canada và Ấn Độ leo thang thành cuộc đối đầu giữa một cường quốc Đại Tây Dương với một đất nước đứng đầu khối đang phát triển, điều có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao của phương Tây hiện nay", bình luận viên James Landale của BBC nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, CTV News, BBC)