![]() |
Khách hàng sẽ có cơ hội sử dụng điện thoại công nghệ CDMA giá rẻ. Ảnh: Anh Tuấn |
Công ty Thông tin viễn thông điện lực (VP Telecom - trước là ETC) vừa trình Bộ Bưu chính Viễn thông bảng giá cước điện thoại cố định không dây (WLL) áp dụng từ tháng 8. Với công nghệ CDMA, công ty hy vọng sẽ chiếm được một lượng lớn khách của mạng di động 095 do S-Fone đang nắm giữ.
Theo phương án mà VP Telecom trình Bộ, cước liên lạc nội vùng sẽ có mức cao nhất là 700 đồng/phút.
Ngoài ra, cước liên vùng, công ty dự kiến sẽ chia thành 3: Vùng 1 gồm 537 cặp tỉnh (gọi từ tỉnh này sang tỉnh khác) với mức cước 909 đồng/phút. Vùng 2 với 539 cặp tỉnh, cước là 1.636 đồng/phút, vùng 3 gồm 750 cặp tỉnh với mức cước tương ứng là 2.273 đồng/phút. Riêng vùng đặc biệt gồm 4 tuyến liên lạc Hà Nội - Hà Tây, Thái Bình - Nam Định, Bắc Ninh - Bắc Giang, Tiền Giang - Bến Tre và ngược lại, cước sẽ áp dụng mức cước chung là 636 đồng/phút (các mức cước này chưa bao gồm VAT).
Hiện nay, dịch vụ WLL đã được thử nghiệm tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Đồng Nai. Nếu được Bộ Bưu chính Viễn thông chấp nhận, VP Telecom dự kiến sẽ triển khai dịch vụ WLL trên phạm vi toàn quốc.
CDMA (Code Division Multiple Access - Truy cập đa phân mã) được xây dựng trên cơ sở sử dụng các kỹ thuật trải phổ, cho phép phân tích những tín hiệu trùng hợp nhau theo thời gian và tần số, và tất cả các tín hiệu cùng chia sẻ phổ tần (1,25 MHz). Với hiệu suất tái sử dụng tần số trải phổ cao và điều khiển năng lượng, nó cho phép quản lý số lượng thuê bao cao gấp 5-20 lần so với công nghệ GSM. Áp dụng kỹ thuật mã hóa thoại mới, CDMA nâng chất lượng thoại lên ngang bằng với hệ thống điện thoại hữu tuyến. |
Ông Hoàng Văn Nhuần, Phó giám đốc VP Telecom, cho biết, với tốc độ đường truyền 128 Kbps của WLL, khách hàng có thể sử dụng hiệu quả các dịch vụ giá trị gia tăng như tải hình ảnh, chuông nhạc đa âm sắc, kết nối Internet.
Dịch vụ WLL cho phép khách hàng lựa chọn 1 trong 2 loại máy với các mức giá khác nhau. Loại 1 giống như của S-Fone không cần SimCard và có thể chọn số thuê bao theo ý muốn. Loại 2 giống như mạng CityPhone có sử dụng SimCard.
Giới chuyên môn cho rằng, giống như CityPhone với mạng WLL giá rẻ, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn. "Dù chưa chính thức tham gia thị trường nhưng VP Telecom cũng là một đối thủ mà không chỉ S-Fone, Viettel, CityPhone mà ngay cả các mạng của VNPT cũng cần phải tính đến", một chuyên gia nhận xét. Rút kinh nghiệm từ S-Fone, dù có công nghệ vượt trội nhưng sau một năm triển khai mạng này mới chỉ thu hút được 60.000 thuê bao. Trong khi CityPhone dù vẫn còn nhiều hạn chế về vùng phủ sóng chất lượng mạng nhưng họ đã nhanh chóng vượt qua con số thuê bao mà mạng này hiện có.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó giám đốc kinh doanh Viettel, nhận xét, VP Telecom có lợi thế về cơ sở hạ tầng như đường điện, hệ thống tổng đài, mạng lưới mà nhiều doanh nghiệp khác không có được. Do vậy, dù họ mới chỉ cung cấp mạng điện thoại cố định nội vùng song với mức cước dự rẻ như dự kiến, Viettel cũng cần phải tính đến việc chuẩn bị cho mình phương án mới.
Ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng kinh doanh của VinaPhone, cho rằng, về cơ bản mạng WLL cũng giống như mạng di động nội tỉnh (GSM) mà công ty đang dự kiến triển khai. Hiện tại mạng này đã được thử nghiệm thành công tại 2 tỉnh Hưng Yên và Nghệ An. Nếu được lãnh đạo VNPT chấp nhận từ nay đến cuối năm, mạng này sẽ nhanh chóng triển khai tại nhiều tỉnh trên toàn quốc. "Với công nghệ CDMA, mạng WLL sẽ là một đối thủ mạnh của mạng di động nội tỉnh sử dụng công nghệ GSM của VinaPhone", ông Việt nói.
Trước sự lo lắng của các đối thủ khác về sự có mặt của mạng điện thoại cố định không dây sử dụng công nghệ CDMA, một đại diện của S-Fone nói: "Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi cứ phải chạy đua với các đối thủ khác". Khi nào mạng di động 095 phủ sóng trên phạm vi toàn quốc thì CityPhone hay WLL đều không phải là đối thủ của S-Fone.
"S-Fone đã rất khó khăn khi triển khai dịch vụ di động CDMA thì VP Telecom cũng vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục chờ xem cách thức họ thực hiện như thế nào", vị đại diện này nói.
Các chuyên gia viễn thông cho rằng, trên thực tế, VP Telecom đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ từ năm 2001 nhưng đến nay họ mới tiến hành triển khai. Trước mắt, công ty lúc này còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại cần phải tính đến. Kết thúc đợt thử nghiệm vào giữa tháng 8, VP Telecom đặt kế hoạch mở thêm dịch vụ ở hầu hết các tỉnh thành nhưng việc họ có làm được hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào VNPT. Vì không phải lúc nào bưu điện tỉnh cũng thực hiện đúng thời hạn kết nối tối đa là 45 ngày.
Tuy nhiên, với sự tham gia của Viettel, VP Telecom và chiến lược ồ ạt giảm cước của VNPT, thị trường viễn thông hứa hẹn một cuộc chạy đua quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu từ ngày 1/8.
Hồng Anh