Việc môn tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung trở thành môn tự chọn trong kỳ thi THPT Quốc gia gây nhiều phản ứng trái chiều cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Ở góc độ của mình tôi cho rằng đây là một hiệu ứng tích cực vì người học vì nhu cầu tiếp cận với thế giới và trang bị cho bản thân một năng lực ngoại ngữ sẽ tích cực hơn và vì thế việc học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh sẽ chất lượng hơn.
Việc học gì thi đấy là tâm lý của nhiều người, trong đó có cả những thầy cô giáo. Mặc dù đã thay sách, đổi mới phương pháp nhưng việc dạy và học tiếng Anh hiện nay vẫn theo phương cách là giảng dạy, luyện tập và thi cử.
Thông qua những phương pháp sư phạm, người giáo viên sẽ truyền thụ đến người học những kiến thức cần đạt được theo từng cấp độ lớp học. Người học tiếng Anh sẽ được chỉ dẫn những cách làm thế nào để đạt kết quả tốt khi làm bài kiểm tra hay bài thi.
Người học sẽ trải qua những kỳ thi để đánh giá kết quả học tập của mình. Điều đáng nói ở đây là hầu hết những bài thi đều được thiết kế theo kiểu kiểm tra kiến thức chứ không phải kiểm tra kỹ năng.
Cái vòng luẩn quẩn này làm cho nhiều người Việt Nam khó sử dụng tiếng Anh vào thực tế cuộc sống cho dù đạt điểm cao tại các kỳ thi.
Hiện nay, việc học tiếng Anh đã thay đổi rất nhiều và dần dần mục đích của người học hướng đến việc sử dụng một "sinh ngữ" - ngôn ngữ sống hơn là một môn học.
Không có gì ngạc nhiên khi các bạn học sinh ở vùng nông thôn mạnh dạn giao tiếp tiếng Anh với du khách nước ngoài hay tự tin trình bày đề tài trong những cuộc thi hùng biện. Nếu cách đây hơn mười năm, những việc như thế là những hiện tượng lạ thì giờ đây đã trở nên bình thường.
Ý thức việc học ngoại ngữ đã dần thẩm thấu trong cộng đồng. Định hướng cho việc tiếp cận tiếng Anh đã được các bậc cha mẹ chú trọng hơn thay vì là học để có điểm cao như trước. Việc đánh giá theo chuẩn năng lực quốc tế với những kỳ TOEIC, IELTS và TOEFL đã nâng chất việc dạy và học tiếng Anh và thay đổi tư duy giảng dạy của những người thầy.
Nói không quá lời, nếu người thầy dạy tiếng Anh không trau dồi họ sẽ bị tụt hậu so với học trò mình bởi những người trẻ có nhiều nguồn tiếp cận thông tin và thực hành kỹ năng bên ngoài ghế nhà trường.
Môi trường sống luôn có tác động đến tâm sinh lý con người. Những gì diễn ra hàng ngày đan xen vào chuỗi hoạt động học tập, sinh hoạt, làm việc chính là những tác nhân ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động.
Trong thế giới phẳng, việc có được khả năng ngoại ngữ và tin học sẽ giúp ích rất nhiều cho những người trẻ trong việc định hướng tương lai. Nếu không muốn ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh là rào cản ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phải biết học hỏi và trau dồi để có thêm kinh nghiệm cho việc phát triển bản thân trong việc hội nhập và phát triển.
Lê Tấn Thời
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.