Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ 25/8. Động thái kiểm soát chưa từng có này áp dụng với toàn bộ dịch vụ kỹ thuật số hoạt động tại EU, buộc các công ty chịu trách nhiệm pháp lý với những nội dung xấu như tin giả, thao túng người tiêu dùng hoặc hoạt động tội phạm trên nền tảng của mình.
DSA được chia thành nhiều cấp độ, trong đó những yêu cầu chặt chẽ nhất sẽ áp dụng với 17 tập đoàn công nghệ được mô tả là "nền tảng trực tuyến cực lớn" như Facebook và Amazon, cùng hai "công cụ tìm kiếm cực lớn" là Google và Bing. Đây là những nền tảng có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên tại EU.
Những doanh nghiệp không tuân thủ quy định sẽ đối mặt với những khoản phạt khổng lồ, lên tới hàng trăm triệu euro, và có nguy cơ bị cấm hoạt động.
Các quy định của DSA xoay quanh năm vấn đề then chốt. Đầu tiên là sản phẩm phi pháp, trong đó nền tảng phải đối phó với hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ trái phép. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là Amazon và Facebook Marketplace.
Thứ hai, nhà quản lý EU yêu cầu Big Tech ngăn chặn nội dung bất hợp pháp, trong đó có tin giả, can thiệp bầu cử, tội phạm thù ghét, quấy rối và lạm dụng trẻ em trên mạng.
Big Tech cũng bị cấm chạy quảng cáo hướng vào trẻ em dựa trên dữ liệu cá nhân, đồng thời phải tái thiết kế hệ thống để bảo đảm "mức độ riêng tư, bảo mật và an toàn cao cho trẻ nhỏ". Họ cũng cần chứng minh với Ủy ban châu Âu (EC) về những động thái đã được tiến hành.
Những doanh nghiệp vận hành mạng xã hội sẽ không được sử dụng dữ liệu cá nhân, như chủng tộc, giới tính và tôn giáo của người dùng để chạy quảng cáo hướng đối tượng.
Cuối cùng, EU cấm hoàn toàn những biện pháp thao túng và khuyến khích người tiêu dùng mua những thứ mà họ không cần. Kết quả thanh tra 399 cửa hàng trực tuyến do giới chức tiêu dùng tại các nước thành viên EU tiến hành trong năm 2023 cho thấy 40% trong số này dựa vào "các thủ đoạn thao túng để lợi dụng điểm yếu hoặc đánh lừa người tiêu dùng".
Cao ủy tư pháp EU phát hiện 42 trang web dùng bộ đếm ngược và hạn chót giả để hối thúc người dùng mua hàng, trong khi 70 cửa hàng che giấu những thông tin quan trọng như chi phí vận chuyển hoặc những giải pháp rẻ tiền hơn sản phẩm được hào bán.
Doanh nghiệp không tuân thủ DSA có thể chịu phạt tương đương 6% doanh thu toàn cầu, thậm chí bị cấm hoạt động tại châu Âu nếu tái phạm nhiều lần.
Trong vài tháng qua, EC đã đề xuất thử nghiệm DSA với 19 nền tảng công nghệ lớn nhất tại châu Âu, nhằm đánh giá liệu họ có thể "phát hiện, xử lý và giảm nhẹ những mối đe dọa mang tính hệ thống" hay không. Ít nhất 5 nền tảng tham gia quá trình này, gồm Facebook, Instagram, Twitter, TikTok và Snapchat. EC cho rằng cả 5 nền tảng sẽ còn nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho DSA.
Phần lớn trong số 19 doanh nghiệp Big Tech cho biết sẽ có những biện pháp để tuân thủ đạo luật. Tuy nhiên, Kingsley Hayes, trưởng bộ phận pháp lý về dữ liệu và quyền riêng tư tại công ty luật Keller Postman, nhận xét: "Các nền tảng sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ cách thức hoạt động, đặc biệt khi những quy định mới xâm phạm mô hình kinh doanh cốt lõi của họ". Amazon và nhà bán lẻ thời trang Đức Zalando đang khởi kiện tại tòa nhằm phản đối EU đưa họ vào danh sách áp dụng quy định chặt chẽ nhất.
Điệp Anh (theo Guardian, Reuters)