Tổng mức cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam trong năm 2007 đạt 4,445 tỷ USD, vượt 700 triệu USD so với năm 2006. Trong đó, các nhà tài trợ song phương cam kết viện trợ cho Việt Nam 2,164 tỷ USD, đa phương 2,101 tỷ USD và từ các tổ chức phi chính phủ 180 triệu USD.
Đứng đầu danh sách các nhà tài trợ là ADB với 1,14 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ hai với 948,2 triệu USD. Năm ngoái Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với 835 triệu USD. Trong năm 2007, Nhật Bản đứng thứ ba cùng Ngân hàng Thế giới (WB) với 890 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, với mức cam kết tài trợ kể trên, Việt Nam dự kiến trong năm 2007 sẽ giải ngân hơn 2 tỷ USD.
Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ trong giải ngân nguồn vốn này.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường pháp lý, tạo ra các thủ tục phù hợp cho các nhà tài trợ cũng như tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau hội nghị về những lo ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam khi có nguồn vốn cam kết lớn, ông Martin Rama, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết, tổng nợ ODA của Việt Nam hiện chiếm 40% GDP.
Theo ông Rama, mức nợ này của Việt Nam vẫn nằm trong phạm vi cho phép nhưng ông cũng cảnh báo, tổng nợ của Việt Nam có thể đạt xấp xỉ 50% GDP, bao gồm cả nợ ưu đãi, trong 5 năm tới. Hiện mỗi năm Việt Nam phải chi 5,5% GDP cho các khoản dịch vụ nợ.
Các nhà tài trợ cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc sử dụng vốn ODA của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. "Hiện Chính phủ chưa hoạt động hiệu quả đến mức cần thiết trong giải ngân ODA. Chính phủ nên xem lại toàn bộ quá trình và không nhất thiết phụ thuộc vào các nhà tài trợ trong giải ngân", ông Klaus Rohland, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, cho biết.
Theo ông Rohland, tốc độ giải ngân của Việt Nam vẫn chậm hơn các nước có cùng điều kiện. Trong khi thời gian giải ngân dự án cùng loại ở các nước khác là 5 năm thì tại Việt Nam mất tới 6-7 năm. Mức giải ngân của năm 2006 ước đạt 1,8 tỷ USD, cao hơn năm 2005 nhưng tính đến nay, tỷ lệ giải ngân của các dự án ODA mới chỉ đạt 13-14%.
"Tốc độ giải ngân nhanh sẽ giúp người dân sớm được hưởng lợi từ các dự án ODA, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần nhanh nhưng còn cần chất lượng hơn", vị giám đốc WB chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam cho biết.
Theo ông Rohland, nguồn vốn ODA trong năm tới sẽ được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010. Việc sử dụng nguồn vốn này phải đi cùng sự cải cách kinh tế, đặc biệt việc mở rộng thị trường tài chính và cải cách ngành ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng nhà nước cần quản lý theo cơ chế thương mại và thay đổi văn hóa kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Phúc, trong thời gian tới, Bộ sẽ gắn trách nhiệm cho người đưa ra quyết định đầu tư dự án ODA. Đồng thời, Bộ sẽ có định hướng trong sử dụng vốn ODA như ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tạo ra động lực phát triển, như điện, các tuyến giao thông huyết mạch. Cũng theo ông Phúc, thay vì chỉ phân bổ nguồn vốn vay cho các đơn vị như trước đây, thời gian tới, Bộ sẽ cho các đơn vị này vay lại với lãi suất cao hơn, nhằm thúc đẩy rút ngắn thời gian giải ngân.
N.C.