Có kết quả kinh doanh không đến nỗi nào song tháng 7/2012, Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar buộc phải rời sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) chỉ vì muốn đăng ký thêm một ngành mới - "bán buôn, bán lẻ dược phẩm".
Niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2010, Mekophar không thể tránh khỏi việc cổ đông nước ngoài mua cổ phiếu. Song cũng chính bởi có 5% cổ phần nằm trong tay khối ngoại nên đơn vị này được xác định là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc này dẫn đến hệ quả là Mekophar không được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM chấp nhận bổ sung ngành nghề nêu trên, do thuộc danh mục những ngành "cấm" doanh nghiệp ngoại.
Để không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, Mekophar chỉ còn duy nhất một cách là hủy niêm yết để khóa room, tái cơ cấu cổ đông nhằm được cấp giấy đăng ký kinh doanh mới.
Tuy vậy, tình hình sắp tới có thể sáng sủa hơn cho Mekophar và những doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư lấy ý kiến, cơ quan quản lý đã thu hẹp diện "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" chỉ còn là những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên 50% hoặc có quá nửa số thành viên là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, Luật cũng đảm bảo không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu dự án Luật sửa đổi được thông qua, từ 1/7/2015, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ có một sân chơi bình đẳng hơn, các vướng mắc trong thực hiện thủ tục cũng được hạn chế, khắc phục tình trạng lúng túng của nhà đầu, ban soạn thảo nhận xét. Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán lớn tại ở Hà Nội cũng đồng tình với ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và mở thêm cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại.
“Cùng với việc Chính phủ đang xem nới room cho khối ngoại, việc nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng, thuận lợi hơn khi góp vốn vào doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam và nhiều thương vụ M&A thành công hơn”, ông nói.
Nguồn: Bloomberg, VCBS |
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam được nhiều tổ chức đánh giá hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực, khi P/E của cổ phiếu bình quân ở mức khoảng 12,5, thấp hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines và Singapore. Thêm vào đó, nhiều rủi ro đang tiềm ẩn như vấn đề bất ổn chính trị ở Thái Lan, bất ổn tỷ giá ở Indonesia và thiên tai ở Phillipines cũng là những rào cản đáng kể đối với thị trường chứng khoán các nước này.
"Việc thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được dòng vốn đầu tư tốt hơn từ phía khối ngoại năm 2014 là hoàn toàn có cơ sở", báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi không còn bị mất tiền bởi sự không đồng nhất trong những văn bản pháp lý. Thời điểm Mekophar hủy niêm yết, giá cổ phiếu công ty này lên tới trên 50.000 đồng. Anh Minh, một nhà đầu tư trên sàn HoSE khi đó chia sẻ thị trường chứng khoán đã mất đi một “món hàng” tiềm năng, trong điều kiện nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn. Theo dõi báo cáo tài chính của Mekophar, có thể thấy sau khi hủy niêm yết, tình hình kinh doanh của công ty vẫn diễn biến khả quan. Năm 2012, Mekophar lãi 70 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2013 lãi xấp xỉ bằng cả năm ngoái (69,6 tỷ đồng).
Lãnh đạo Mekophar từng cho hay, sau khi công ty được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có bổ sung ngành nghề "Bán buôn, bán lẻ dược phẩm" và Nhà nước có những chính sách thay đổi phù hợp, công ty sẽ niêm yết lại cổ phiếu trên HoSE.
Tuy nhiên, vị chuyên viên công ty chứng khoán cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý hơn trong hoạt động quản trị, minh bạch thông tin khi cơ hội cho nhà đầu tư ngoại trên thị trường ngày càng rộng lớn. "Sức ép mở cửa thị trường khi Việt Nam thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gây áp lực cạnh tranh. Nếu không thay đổi từ lúc này, doanh nghiệp sẽ khó đứng vững trên sân nhà", ông chia sẻ.
Năm 2013, Việt Nam thu hút được gần 22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 55% so với năm 2012 và vượt xa mức kế hoạch đề ra là từ 13-15 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) cũng khá tốt khi nhà đầu tư nước ngoài tăng giá trị mua ròng chứng khoán hơn 70% so với năm 2012.
Hoạt động M&A cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tại Diễn đàn M&A 2013 tổ chức quý III/2013, ông Đặng Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty AVM cho biết thị trường M&A tại Việt Nam sẽ trưởng khoảng 25-30% giai đoạn 2013 - 2017 sau khi leo lên mức kỷ lục 5,1 tỷ USD vào năm 2012, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng.
Sách trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng phản ánh nhà đầu tư nước ngoài đang bị đối xử khắt khe hơn các nhà đầu tư trong nước, gây ảnh hưởng đến cơ hội mua bán sáp nhập (M&A), thậm chí ở cả những ngành nghề kinh doanh đã được mở cửa. Cụ thể, với trường hợp của Mekorpha, tổ chức này nhận định các quy định về đối xử bình đẳng đang bị phớt lờ, bởi theo đúng quy định, các cổ đông nước ngoài được phép sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ doanh nghiệp đang niêm yết. Do vậy, để quá trình đầu tư nước ngoài diễn ra suôn sẻ, Eurocham đã kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm rõ các quy định về quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam. |
Phương Linh