Trên bình diện quốc tế, ngoại trừ Trung Quốc đang trong quá trình “hạ cánh cứng”, nhìn chung các nền kinh tế khác đang trong giai đoạn đầu phục hồi với mức tăng trưởng thấp so với mức tiềm năng, lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao. Do vậy, đa số ngân hàng Trung ương sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng dài hơn dự kiến để kích thích tăng trưởng, cải thiện việc làm, ngăn chặn nguy cơ rơi vào giảm phát sau khủng hoảng và củng cố niềm tin vốn đang rất mong manh trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi.
Động thái này dẫn đến dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng tăng tỷ trọng sang loại tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi nhằm mục tiêu đa dạng hóa và tối ưu lợi nhuận.
Trong hoàn cảnh này, Việt Nam dường như được đánh giá hấp dẫn hơn so với một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Kinh tế Indonesia đang gặp vấn đề với thâm hụt cán cân thanh toán, khả năng huy động vốn thấp và chi tiêu quá mức cho trợ giá. Thái Lan lại bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng chính trị tiếp diễn, khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đổ tiền vào thị trường này. Còn tại Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư đang tăng lên, thể hiện qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh trong năm 2013, đạt mức 21,6 tỷ USD. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây cũng giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức “B+” đồng thời nâng triển vọng tín nhiệm từ “ổn định” lên “tích cực”.
Về môi trường trong nước, nền tảng vĩ mô là yếu tố quan trọng nhất tác động đến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Với những chuyển biến trong năm 2013, kinh tế 2014 dự báo sẽ tiếp tục ổn định, đặc biệt trong đầu năm.
Bên cạnh đó, xu hướng nới lỏng chính sách đang dần hiện rõ. Mục tiêu lạm phát năm 2014 khoảng 7% (dù 2013 lạm phát chỉ 6,04%), tăng trưởng tín dụng 12-14% gần như là một thông điệp “ngầm” cho thấy Chính phủ chấp nhận nới chỉ tiêu lạm phát để kích thích tăng trưởng, nhằm đạt mục tiêu trong hai năm cuối của kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Rút kinh nghiệm trong năm 2013, nhiều khả năng tín dụng và đầu tư công sẽ được thúc đẩy ngay trong các quý đầu năm.
Doanh nghiệp cũng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất khi được hỗ trợ bởi tình hình vĩ mô ổn định, chi phí lãi vay giảm về tương đương thời kỳ 2006 - 2007 và dự báo tiếp tục đi ngang trong năm 2014. Việc Việt Nam dự kiến gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU trong 2014 cũng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt cho các doanh nghiêp xuất khẩu.
Như vậy, với kinh tế vĩ mô dự báo tiếp tục ổn định, tỷ giá ít biến động, triển vọng chính sách được nới lỏng hơn và doanh nghiệp đã qua giai đoạn khó khăn, dòng vốn ngoại sẽ có nhiều điều kiện để đổ vào thị trường.
Ngoài ra, việc Ủy ban Chứng khoán xem xét nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng dự thảo về thị trường chứng khoán phái sinh, kế hoạch thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà nước (SCIC) và nhiều doanh nghiệp lớn IPO trong 2014 sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam.
Năm 2013, chỉ số VN- Index tăng trưởng gần 22%, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất Đông Nam Á. Sự tăng trưởng này có đóng góp của dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) khi nhà đầu tư ngoại tăng giá trị mua ròng chứng khoán hơn 70% so với năm 2012. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng mạnh 55% trong năm qua, lên gần 22 tỷ USD, thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Huy
Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khối Khách hàng cá nhân VnDirect