Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, cả nước thu hút được 8,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư ngoại, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, FDI đã có sự chuyển dịch giữa các vùng, khi Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung vươn lên dẫn đầu, tiếp đến là trung du và miền núi phía Bắc. Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Hồng tụt xuống vị trí thứ ba và thứ tư.
So với cùng kỳ năm 2012, thu hút vốn FDI vào vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng hơn 100 lần, vào Bắc trung Bộ và duyên hải miền trung cũng gấp 15 lần. Ngược lại, vốn đổ vào đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ lại giảm hơn 40%.
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung dẫn đầu về thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm. Nguồn: FIA |
Trước đó, Đông Nam Bộ luôn là khu vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với các tỉnh thành phố có khu công nghiệp phát triển sớm, tập trung ngành công nghệ cao như Bình Dương, TP HCM. Năm 2012, khu vực này thu hút tới hơn 6,2 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần một nửa cả nước. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Bắc trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ thu hút được 1,9 tỷ USD, chiếm gần 1,5%.
Một số dự án thu hút vốn ngoại lớn không thể không kể đến tại 2 khu vực dẫn đầu là dự án 2 tỷ USD của Samsung tại Thái Nguyên, dự án 2,8 tỷ USD của Nhật Bản đầu tư nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa và dự án nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô buýt trị giá 1 tỷ USD tại Bình Định.
Các chuyên gia nhận định, chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động và những cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước liên tục đã trở thành động lực để các tỉnh này hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, Chính phủ cũng đã đầu tư xây dựng một cảng hàng không sân bay Thọ Xuân. Hay để phát triển vùng kinh tế Tây Bắc, nhưng con đường cao tốc cũng được triển khai từ Hà Nội lên Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Đặc biệt, tại miền Trung, các khu công nghiệp như Nhơn Hội, Chu Lai lại có diện tích gấp 2 - 3 lần khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hay Bình Dương, thuận lợi cho các dự án lọc hóa dầu tỷ đô cần tiêu tốn nhiều đất đai.
Bình Định đang kỳ vọng vào 'siêu' dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD. Ảnh: Trí Tín |
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương này cũng đã chú trọng hơn tới xúc tiến đầu tư và cải cách năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận mới đây đã ra tận Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cho khu công viên trên cao nguyên đá hay các dự án phụ trợ cho 2 nhà máy điện hạt nhân. Lãnh đạo Bình Định liên tục sang Nhật Bản, Thái Lan để kêu gọi đầu tư. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có một chương trình dài hạn để xúc tiến đầu tư cho các tỉnh Tây Bắc.
Tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, Lào Cai, Bình Định cũng lọt vào tới top 5, cao hơn cả Bình Dương, TP HCM, Đà Nẵng. Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Cài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - địa phương dẫn đầu bảng xếp PCI năm 2011 cho biết, để có được kết quả trên, tỉnh phải thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để nắm tình hình, ngoài ra còn đầu tư hẳn một website về PCI.
Đi kèm với các điều kiện trên, mỗi địa phương lại có chính sách ưu đãi với những dự án đầu tư lớn tại địa bàn. Chẳng hạn, Samsung khi đầu tư vào Thái Nguyên được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm thuế trong 5 năm tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ, không chỉ tạo điều kiện tối đa về đất đai cho doanh nghiệp đầu tư, tỉnh cũng có những chính sách riêng cho để hút vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.
GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (VAFIE) cũng nhận xét, hiện chính sách ưu đãi không còn chú trọng theo ngành mà sẽ gắn với vùng lãnh thổ. "Đầu tư may mặc, da giày vào Hà Nội, Vĩnh Phúc có thể không có ưu đãi gì, nhưng nếu đầu tư lĩnh vực này ở Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái thì chắc chắn có ưu đãi lớn", ông nói.
Tuy nhiên, bên cạnh việc có các "siêu" dự án nước ngoài sẽ giúp GDP của tỉnh tăng trưởng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thì cũng còn ý kiến lo ngại về hiệu quả của các dự án, như ngân sách tỉnh thực thu được bao nhiêu, sản phẩm dự án liệu có được tiêu thụ và có tác động tới môi trường hay không?
GS - TSKH Nguyễn Mại lấy ví dụ với dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan tại Bình Định, nếu được chấp thuận thì đây sẽ là dự án vốn ngoại lớn nhất tại Việt Nam từ trước đây nay, tuy nhiên, hiện dự án "thiếu tính khả thi" về đầu ra, khi cả nước đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng 50% nhu cầu và sắp tới sẽ có thêm lọc dầu Nghi Sơn và Vũng Rô. Hoặc như dự án của Samsung, dù đóng góp 20 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng chỉ đóng có 150.000 USD tiền thuế cho ngân sách.
Do đó, ông khuyến nghị lãnh đạo các tỉnh phải "tỉnh táo" trong việc cho phép các dự án nước ngoài triển khai trên địa bàn. "Phải cân nhắc kỹ thu hút vốn vào ngành nào cho phù hợp, có tạo sự phát triển bền vững tại địa phương không", vị này nói.
Huyền Thư