Kết thúc phiên giao dịch 28/7, giá cổ phiếu đại gia công nghệ Trung Quốc đã lao dốc 23% trong tháng này, khiến vốn giảm khoảng 170 tỷ USD. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy đây là vụ bốc hơi giá trị vốn hoá mạnh nhất thế giới giai đoạn này. Đồng thời, 9 trong 10 doanh nghiệp giảm giá trị mạnh thế giới tháng này là của Trung Quốc.
Tencent là một trong những tâm điểm của chiến dịch nhắm vào một số công ty công nghệ khổng lồ - được coi là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh dữ liệu và sự ổn định tài chính của Trung Quốc. Tình trạng bán tháo cổ phiếu của hãng công nghệ này càng mạnh vào đầu tuần này sau khi Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quản lý đối với cả lĩnh vực từng phát triển tốt trước đây là giáo dục tư nhân.
"Tôi chưa thấy cuộc đàn áp kết thúc. Bảo mật dữ liệu là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong những năm tới. Đó là một trạng thái bình thường mới", Paul Pong, giám đốc điều hành tại Pegasus Fund Managers cho biết và nói thêm vốn hoá sẽ phải được điều chỉnh để phù hợp với chính sách này, nhất là đối với những gã khổng lồ công nghệ như Tencent.
Cơn bão các quy định siết chặt quản lý đã khiến Tencent chịu các hình phạt như mất quyền phát nhạc trực tuyến độc quyền và bị phạt tiền vì vi phạm quy định chống độc quyền. Tuần này, công ty cũng thông báo tạm ngừng đăng ký người dùng mới của WeChat và được lệnh phải khắc phục những sự cố liên quan đến ứng dụng dành cho thiết bị di động.
Bất chấp những lo ngại về các biện pháp trừng phạt hơn nữa từ các cơ quan quản lý, đa số nhà phân tích vẫn khuyến nghị mua cổ phiếu Tencent khi nó đang bắt đầu có vẻ rẻ. Giá mục tiêu trung bình của các nhà phân tích là 736,4 đôla Hong Kong, cao hơn 65% so với giá chốt phiên 28/7.
Pong nhận định cổ phiếu Tencent giá dưới 500 đôla Hong Kong là điều hấp dẫn, nhưng cần theo dõi doanh thu của công ty này sắp tới. Theo ông, nếu Tencent có thể đặt mức tăng trưởng 20-30%, cổ phiếu này có thể phục hồi vững chắc. Bởi đầy này sẽ cho thấy công ty vẫn có thể duy trì lợi nhuận trong môi trường khắc nghiệt.
Tú Anh (theo Bloomberg)